Ký ức vụn của người thất lạc
Bên ấm trà xanh đất cát, câu chuyện mà ông Hương kể với chúng tôi thỉnh thoảng lại ngắt quãng bởi có người vào ra. Hai hôm nay, kể từ khi ông đặt chân vào nhà người em ruột của mình, nhà lúc nào cũng đông chật người đến.
Theo ông kể, từ nhỏ đã theo cha cầm cưa, cầm đục để đóng thuyền, đóng tàu cho ngư dân đi biển. Năm mới 16 tuổi, Hồ Xuân Hương được chọn đưa ra bãi biển Thanh Khê, huyện Bố Trạch để đóng tàu cho ngư dân. Lần đầu tiên rời làng ông được chứng kiến những con tàu to gấp ba, gấp bốn những con thuyền quê ông.
Ông Hồ Xuân Hương (bìa phải) với phóng viên Báo CAND.
Đóng tàu được vài năm, Hồ Xuân Hương mới biết mình đã là hạ sĩ quan của đơn vị vận tải Đại đội 27 đóng tàu, vận chuyển lương thực, vũ khí đạn dược vào miền Nam đánh Mỹ. Sang năm 1964, Mỹ mở rộng chiến tranh ra miền Bắc. Đảo Cồn Cỏ ở vùng biển Quảng Trị được xem như là “mắt thần trên biển của quân và dân ta để theo dõi máy bay Mỹ ra miền Bắc bắn phá. Vì vậy, đảo Cồn Cỏ bị ném bom suốt ngày đêm. Đơn vị của Hồ Xuân Hương nhận nhiệm vụ vận chuyển lương thực, vũ khí từ Vĩnh Linh ra tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ. Gần 2 năm Hồ Xuân Hương và đồng đội tiếp tế hàng trăm tấn lương thực, vũ khí để quân dân trên đảo Cồn Cỏ giữ vững biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Cuối năm 1965, trong một lần ra đảo tiếp tế, đơn vị của Hồ Xuân Hương gặp tàu địch phục kích. Giặc bắn xối xả vào đội thuyền tiếp tế, pháo sáng soi sáng bừng cả vùng biển rộng lớn. Hồ Xuân Hương bị bắt đưa vào đất liền giam ở Quảng Trị. Hằng ngày bị địch khai thác nhưng ông vẫn một mực giả nhận mình là ngư dân Vĩnh Linh, Quảng Trị đi biển đánh cá. Bị giam ở Quảng Trị độ 3 tháng thì ông bị chuyển vào giam ở Đồn Mang Cá, Thừa Thiên - Huế rồi chuyển vô nhà tù của địch ở Đà Nẵng, sang năm 1968 ông bị đày ra tù ở đảo Phú Quốc, rồi chuyển vô Sài Gòn.
Thời gian này ở quê nhà, vào năm 1966, gia đình ông Hương ở xã Đại Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình nhận được giấy báo tử ông Hương đã chết trong lúc đưa thuyền ra tiếp tế vũ khí ở đảo Cồn Cỏ. Sau đó ông được Nhà nước công nhận là “Liệt sĩ đã hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước”, hy sinh ngày 29/5/1965.
Trở về trong nước mắt mừng vui
Ông kể, từ khi bị bắt trên biển ở vùng biển Quảng Trị vào năm 1965, ông không còn mang tên là Hồ Xuân Hương và quê quán Quảng Bình, mà ông khai tên là Nguyễn Thanh, quê Vĩnh Linh, Quảng Trị làm ngư dân đánh cá. Chính vì đổi họ tên quê quán để được sống nên cái tên khai sinh của ông là Hồ Xuân Hương cũng mất luôn từ ngày đó. Vì vậy sau ngày thống nhất đất nước, ông mang tên Nguyễn Thanh hoàn toàn xa lạ. Nhiều lần ông cũng tìm cách để liên lạc với đơn vị, gia đình nhưng đều không thành công. Sau đó trên bước đường lưu lạc đưa ông đến Hố Nai, Đồng Nai mưu sinh.
Bằng Tổ quốc ghi công ông Hồ Xuân Hương.
Cuối 1975, ông được một người đàn bà tốt bụng kêu về gả cho đứa cháu gái tên là Hà Thị Đỏ. Từ khi nên vợ nên chồng, vợ chồng ông rủ nhau về xã Tây Hòa, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai làm rẫy sinh sống. Hằng ngày, vợ chồng ông đầu tắt mặt tối với mấy hécta rẫy để nuôi 4 đứa con ăn học, vì vậy quá khứ bị tù đày, rồi quê hương… cũng dần dần phai nhạt trong ông. Kể từ khi nhận được giấy báo tử của ông Hồ Xuân Hương, hằng năm ông Hồ Văn Khanh (em trai ông Hương) và vợ là bà Lê Thị Chanh đều căn cứ vào giấy báo tử ngày ông Hương hy sinh (ngày 29/5/1965) làm ngày giỗ cho ông.
Sáng 29/5, vợ chồng ông Khanh và các chị của ông Hương là bà Hồ Thị Ngùy, Hồ Thị Thùy, Hồ Thị Ồn lại họp nhau lại góp mỗi người một ít tiền để làm giỗ ông Hương. Mới đây ra tết, có một người từ làng quê Bố Trạch vô Đồng Nai làm việc đã phát hiện ra ông Hương còn sống nên tìm cách liên lạc báo với anh chị em ông Hương.
Chiều 17/4, tại sân bay Đồng Hới, khi ông Hồ Xuân Hương và con gái vừa bước xuống máy bay, thì ông Hồ Văn Khanh đã chạy đến ôm chầm lấy anh trai mình. Hai anh em khóc như trẻ thơ trước sự ngỡ ngàng của hàng trăm hành khách tại sân bay. Hai ngày nay, kể từ lúc ông Hồ Xuân Hương về làng, người làng không ai bảo ai đều chạy đến nhà ông Hồ Văn Khanh để gặp ông Hương.
Hiện cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cũng đã gặp ông Hương để làm rõ về việc ông mất tích từ ngày bị bắt cho đến nay, đồng thời làm các giấy tờ, thủ tục cần thiết cho ông theo pháp luật quy định.