Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Một số chính sách hỗ trợ thanh niên chưa phát huy tác dụng

Ông Doãn Đức Hảo, Phó Vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên (Bộ Nội vụ) cho biết, sau hơn 10 năm thi hành Luật Thanh niên, công tác thanh niên đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, một số chính sách hỗ trợ sinh viên vẫn chưa phát huy hết tác dụng.

 

Triển khai Luật Thanh niên đã đề ra cơ chế chính sách giúp tạo thêm nhiều cơ hội học tập, việc làm, lập nghiệp cho thanh niên. Đặc biệt, thanh niên đã được tạo điều kiện để phát huy sức trẻ, sức sáng tạo của mình trong nhiều lĩnh vực hoạt động khoa học, nghiên cứu cũng như được tạo điều kiện để nâng cao đời sống tinh thần qua các hoạt động văn hóa, nghệ thuật vui chơi, giải trí.

 

Thanh niên cần nhiều chính sách hỗ trợ sáng tạo, khởi nghiệp…

 

Tuy nhiên, quá trình thi hành Luật Thanh niên cũng cho thấy nhiều vấn đề cần được xem xét và điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn. Cụ thể, những quy định về hỗ trợ học bổng, giảm phí học nghề, ưu tiên tư vấn giới thiệu việc làm cho một số đối tượng thanh niên có tính chất đặc thù được quy định trong luật vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể nên gần như không phát huy tác dụng.

Bên cạnh đó, công tác định hướng nghề nghiệp và phân luồng thanh niên, chất lượng dạy nghề còn hạn chế. Thực tế, rất nhiều thanh niên tốt nghiệp nhưng tay nghề kém, không đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp, cần phải đào tạo lại. Hiện còn một lực lượng khá đông thanh niên ở nông thôn chưa được đào tạo nghề, thiếu việc làm, thu nhập chưa ổn định, thường xuyên đi làm ăn xa. Việc giải quyết việc làm cho thanh niên xuất ngũ còn chưa hiệu quả... Đồng thời, các ý kiến cũng cho rằng, chính sách hỗ trợ vay vốn cho thanh niên chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.

Hiện Luật thanh niên đang trong quá trình sửa đổi để phù hợp với thực tiễn, thanh niên đề xuất một số nội dung mong muốn được đưa vào Luật Thanh niên. Vũ Văn An, sinh viên trường ĐH Luật TP Hồ Chí Minh cho hay: Theo báo cáo của Khối thịnh vượng chung về chỉ số phát triển thanh niên  2016 cho thấy, Việt Nam xếp từ 152/183 quốc gia về sự tham gia của thanh niên vào chính trị và đời sống. Trong đó, chỉ số về tỷ lệ thanh niên sẵn sàng bày tỏ quan điểm chính trị là 0,356/1 điểm.

Một khảo sát khác do nhóm “Sinh viên nói vì sinh viên” thực hiện đối với 200 thanh niên trên cả nước trong đó tập trung ở 2 thành phố lớn Hà Nội, TP Hồ Chí Minh cũng cho thấy 48,6% thanh niên từ chối phát biểu về chính trị; 28,2% bị người lớn yêu cầu không phát biểu; 19,8% bị nhà trường yêu cầu không phát biểu.

Trước thực tế này, Vũ Văn An kiến nghị đưa vào điều 28 của Luật Thanh niên, nhà nước có trách nhiệm đảm bảo không gian an toàn và cở mở cho thanh niên thảo luận về chính sách, pháp luật và các vấn đề khác. An kiến nghị: “Đoàn Đại biểu quốc hội và Mặt trận tổ quốc Việt Nam cần đảm bảo thanh niên ở mọi tầng lớp tham gia tiếp xúc với đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Các bộ, ban ngành có trách nhiệm tiếp thu và trao đổi ý kiến với thanh niên về các vấn đề chính sách, quản lý nhà nước và xã hội”.

Tại điều 7, An cho biết nhóm rất trăn trở và đưa vào nhiều kiến nghị: Đối thoại với thanh niên cần được tổ chức định kỳ hàng năm ở cấp quốc gia và cấp tỉnh. Đối thoại với thanh niên phải đảm bảo thực chất, có ý nghĩa và có sự tham gia bình đẳng của mọi tầng lớp thanh niên khác nhau. Cơ quan chủ trì đối thoại có trách nhiệm công khai thông tin về buổi đối thoại ít nhất 30 ngày trước khi tổ chức đối thoại. Đối thoại được tổ chức công khai. Biên bản đối thoại được công khai trên trang cổng thông tin của cơ quan chủ trì đối thoại 48h sau khi kết thúc đối thoại. Các bộ ban ngành tham gia đối thoại với thanh niên có trách nhiệm giải  trình và báo cáo với thanh niên về các vấn đề đã thực thi dựa trên biên bản đối thoại kỳ trước. Ngoài ra, kiến nghị bổ sung tại Điều 21 nhà nước cần có trách nhiệm đảm bảo thanh niên được giáo dục về bầu cử và tham chính trong trường học.

Ông Doãn Đức Hảo cho biết, theo dự kiến, dự thảo Luật Thanh niên sửa đổi sẽ được cơ quan soạn thảo trình để Bộ Tư pháp thẩm định trước ngày 31/12/2018, sau đó trình Chính phủ vào tháng 1/2019. Đến tháng 4/2019, dự thảo Luật Thanh niên sửa đổi sẽ được trình lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét và cho ý kiến. Đến tháng 5/2019 dự thảo Luật Thanh niên sửa đổi sẽ được trình lên Quốc hội và dự kiến thông qua vào tháng 10/2019.