Đó là đánh giá tại Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện chương trình hành động phòng, chống mại dâm giai đoạn 2011-2015, do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức, diễn ra ngày 23/10, tại Hà Nội. Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền, Phó Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia Phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm; Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Đặng Thuần Phong, cùng đại diện lãnh đạo các ban, ngành, địa phương tham gia.
Trong 5 năm xử phạt trên 167 tỷ đồng liên quan đến mại dâm
Bà Lê Thị Hà, Phó cục trưởng Cục Phòng chống TNXH cho biết, thời gian qua, Chính phủ, Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm, các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị xã hội đã có những chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt trong công tác phòng, chống mại dâm.
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền phát biểu chỉ đạo tại hội nghị
Trong 5 năm (2011-2015), Đội kiểm tra liên ngành 178/CP của các tỉnh, thành phố đã kiểm tra 122.079 lượt cơ sở kinh doanh dịch vụ (giảm 60.577 lượt cơ sở so với giai đoạn 2006- 2010); phát hiện 42.111 lượt cơ sở vi phạm; xử lý cảnh cáo 6.321 lượt cơ sở, phạt tiền 28.558 lượt cơ sở với tổng số tiền xử phạt 167 tỷ 438 triệu đồng; đình chỉ, thu hồi giấy phép kinh doanh 1.412 cơ sở và 5.820 cơ sở bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung (tịch thu tang vật, phương tiện sử dụng để vi phạm; tịch thu số tiền vi phạm; tịch thu số tiền góp vốn để sử dụng mục đích mua bán dâm…
Ngành công an đã truy quét, triệt phá 5.791 vụ, ổ nhóm hoạt động mại dâm với 23.231 người vi phạm, gồm 9.643 người bán dâm; 8.206 người mua dâm; 5.158 đối tượng chủ chứa, môi giới và 224 người bán dâm dưới 18 tuổi. Viện Kiểm sát nhân dân các cấp thụ lý: 3.963 vụ/4.579 bị can... truy tố: 3.752 vụ/4.792 bị can; số vụ đã xét xử sơ thẩm: 3.680 vụ/4.846 bị can. Toà án nhân dân cấp sơ thẩm đã thụ lý 3.800 vụ với 5.004 bị cáo phạm các tội về mại dâm để xét xử theo thủ tục sơ thẩm, đã xét xử 3.619 vụ với 4.692 bị cáo... trong đó có 79 trường hợp phạm tội thuộc trường hợp tái phạm, tái phạm nguy hiểm.
Công tác hỗ trợ giảm hại và hòa nhập cộng đồng thông qua các mô hình tại cộng đồng cho người bán dâm đã có những bước tiến rõ rệt, đạt hiệu quả giúp cho người bán dâm ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng, giảm nguy cơ tái phạm. 356.169 lượt người bán dâm được hỗ trợ, trong đó có 335.261 lượt người bán dâm được hỗ trợ về y tế, chăm sóc sức khỏe, cung cấp các dịch vụ về phòng, chống lây nhiễm HIV; 4.643 lượt người được tư vấn, trợ giúp pháp lý; 5.734 lượt người được hỗ trợ giáo dục, dạy nghề; 10.531 lượt người được tạo việc làm, vay vốn sản xuất kinh doanh với số tiền 7 tỷ 630 triệu đồng.
Đến nay, cả nước duy trì và xây dựng được 3.539/11.157 xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn lành mạnh không có cả tệ nạn ma túy và tệ nạn mại dâm; 9.296 xã, phường, thị trấn không có tệ nạn mại dâm; đăng ký xây dựng mới 496 xã, phường, thị trấn không có tệ nạn mại dâm và 841 xã, phường, thị trấn xây dựng lành mạnh không có tệ nạn ma túy và mại dâm. 63/63 tỉnh, thành phố đã thành lập 691 Đội kiểm tra liên ngành phòng, chống mại dâm các cấp theo Nghị định 178/2004/NĐ-CP - Đội công tác xã hội tình nguyện cấp xã được thành lập tại 38 tỉnh, thành phố, gồm 2.789 đội với hơn 18.180 tình nguyện viên đã tích cực tham gia vào công tác phòng, chống tệ nạn xã hội tại địa bàn.
Một số địa phương còn để mại dâm lộng hành
Theo thống kê của 63 tỉnh, thành phố, tổng kinh phí đã được bố trí: 262,645 tỷ đồng (bằng 41,76% tổng kinh phí dự kiến). Trong đó, ngân sách Trung ương: 63,463 tỷ đồng (chiếm 24,1%); ngân sách địa phương: 183,628 tỷ đồng (chiếm 69,9%); huy động và hợp tác quốc tế rất hạn chế, khoảng 15,554 tỷ đồng (chiếm 4% tổng kinh phí bố trí).
Mặc dù công tác phòng chống mại dâm trong thời gian qua đã đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, hiệu quả phòng ngừa mại dâm chưa đáp ứng được yêu cầu; các biện pháp, giải pháp mới chỉ mang tính giải quyết vấn đề phát sinh, chưa đáp ứng yêu cầu phòng ngừa xã hội. Một số địa phương, chính quyền chưa thực sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, liên tục đối với công tác đấu tranh phòng, chống mại dâm. Hoạt động của các mô hình thí điểm giảm hại và hỗ trợ người hoạt động mại dâm hoàn lương còn đơn giản; chưa hình thành hệ thống cung cấp dịch vụ hỗ trợ chuyên biệt, dễ tiếp cận với người bán dâm.
Theo thống kê, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Cần Thơ, nam Định... vẫn là những địa phương có tệ nạn mại dâm phức tạp nhất cả nước, với số vụ bắt giữ, xử phạt liên quan đến mại dâm cao.
Tại Hội nghị, đại diện tỉnh An Giang cho biết, do địa bàn biên giới phức tạp, giáp với Campuchia có các trường gà, Casino nên diễn biến tình hình mại dâm khá phức tạp. Gái bán dâm có tuổi đời rất trẻ, 60% gái bán dâm có tuổi đời còn từ 18-25 tuổi, 80% sống trong tình trạng nghèo đói... 59% chưa học hết cấp 1. Cũng theo đại diện tỉnh này cho biết “bề ngoài về mại dâm thì có giảm”. Tuy nhiên, số lượng người bán dâm, kiểm soát tình hình thực tế tệ nạn mại dâm thì cũng mới chỉ dừng lại ở việc thống kê từ báo cáo từ các huyện, xã...
Theo ông Đặng Thuần Phong, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, số người đã có trong hồ sơ đã nghe nhiều, còn số chưa lập hồ sơ thì xử lý thế nào?. Do đó việc phát hiện, xử lý mại dâm là vấn đề không dễ... Bên cạnh một số người bị lừa, ép bán dâm, thì có rất nhiều người tự nguyện bán dâm, và thu lợi rất cao, họ cũng giàu có, vì vậy cần đưa ra các giải pháp khác nhau để giải quyết hợp lý.
Bà Lê Thị Hà, Phó cục trưởng Cục Phòng, chống TNXH cho biết, nguyên nhân chính vẫn là do tệ nạn mại dâm ngày càng tinh vi, trá hình. Một số quy định của pháp luật không còn phù hợp với thực tiễn, chưa đáp ứng yêu cầu đấu tranh, phòng chống mại dâm trong tình hình mới. Kinh phí được bố trí chỉ đáp ứng hơn 40% so với nhu cầu thực tế. Nhiều cấp ủy Đảng, chính quyền đia phương chưa coi trọng công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm. Một số nơi còn có thái độ "làm ngơ" đối với mại dâm; không kiên quyết xử lý đối với cán bộ có trách nhiệm quản lý địa bàn. Nguồn lực đầu tư cho công tác phòng, chống mại dâm chưa đáp ứng yêu cầu thực tế.
Mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm giai đoạn 2016-2020 là 60% các tỉnh, thành phố thực hiện các biện pháp phòng ngừa mại dâm thông qua việc lồng ghép với các chương trình kinh tế - xã hội tại địa phương như chương trình giảm nghèo, dạy nghề cho lao động nông thôn, chương trình việc làm, phòng, chống HIV/AIDS, phòng, chống tội phạm mua bán người. Triển khai thực hiện được các hoạt động can thiệp giảm hại trong phòng, chống mại dâm.
Đến năm 2020, 100% cấp uỷ đảng, chính quyền, cơ quan được giao nhiệm vụ trực tiếp thực hiện công tác phòng, chống mại dâm nhận thức rõ về trách nhiệm và có kế hoạch cụ thể triển khai các hoạt động, giải pháp phòng, chống mại dâm theo trong địa bàn quản lý.
Các mô hình thí điểm theo quan điểm tiếp cận mới nhằm bảo vệ, tôn trọng quyền con người, chú trọng các giải pháp mang tính xã hội, giảm tác hại được thực hiện, đánh giá, lượng hoá làm cơ sở thực tiễn cho việc đề xuất pháp luật về phòng, chống mại dâm.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền nhấn mạnh: Cần phải phân rõ trách nhiệm cho các cơ quan chức năng. Trung ương làm gì, địa phương làm gì?. Nếu quy trách nhiệm chung chung thì hiệu quả sẽ rất kém. Phải có sự phối hợp nhịp nhàng, phát huy trí tuệ, sáng kiến... Đồng thời đề nghị các địa phương đánh giá nghiêm túc công tác phòng, chống mại dâm của mình.