Là tỉnh miền núi phía Bắc với tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm hơn 54%, kinh tế phát triển chậm,
đời sống của một bộ phận nhân dân còn nhiều khó khăn, nên bước vào đầu giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ hộ nghèo của Tuyên Quang còn khá cao. Đầu năm 2016, toàn tỉnh có 55.827 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 27,81% và 18.050 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 8,99%. Tỷ lệ hộ nghèo cao vẫn tập trung chủ yếu ở các huyện vùng cao, các xã đặc biệt khó khăn, trong đó tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh là huyện Lâm Bình với 60,79%, huyện Na Hang với 50,08%; hộ nghèo là người dân tộc thiểu số chiếm 78,5% so với tổng số hộ nghèo.
Sau 4 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, với các chính sách hỗ trợ đắc lực của Trung ương, các giải pháp triển khai có hiệu quả của các cấp, các ngành địa phương, cùng với sự nỗ lực vươn lên của người dân, công tác giảm nghèo ở Tuyên Quang đang thu được những kết quả tích cực. Tính đến hết năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh đã giảm từ 27,81% xuống còn 11,8% (bình quân mỗi năm giảm 4%). Người nghèo không những tăng
thu nhập mà còn được tiếp cận đầy đủ hơn các dịch vụ xã hội cơ bản, hạn chế thấp nhất tình trạng tái nghèo. Một trong những kết quả có tính bền vững của công tác giảm nghèo ở Tuyên Quang là đã giúp các hộ gia đình khó khăn từng bước thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu, nhỏ lẻ sang sản xuất nông nghiệp hàng hóa; giúp các hộ nghèo áp dụng các biện pháp khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi theo nhóm...; một bộ phận người dân đã mạnh dạn phát triển sản xuất hiệu quả, giảm sự phụ thuộc vào các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
Mô hình trồng cam sành góp phần giảm nghèo bền vững ở huyện Hàm Yên, Tuyên Quang.
Giải pháp đẩy mạnh giảm nghèo bền vững thời gian tới
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả nêu trên, việc thực hiện công tác giảm nghèo ở Tuyên Quang hiện vẫn còn những khó khăn, hạn chế. Kế hoạch thực hiện giảm nghèo của một số địa phương còn chung chung; những giải pháp đối với từng đối tượng cụ thể (nghèo thu nhập, nghèo thiếu hụt tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản...) chưa phát huy được hiệu quả; chưa gắn các mô hình phát triển sản xuất lồng ghép các nguồn vốn vào kế hoạch giảm nghèo, giải pháp khuyến khích động viên các hộ thoát nghèo... Thêm vào đó, tâm lý ỷ lại, trông chờ hỗ trợ của một bộ phận hộ nghèo vẫn còn tồn tại; việc thay đổi thói quen sản xuất truyền thống của người dân còn chậm…
Chương trình vay bò trả bê ở xã Phúc Yên, huyện Lâm Bình, Tuyên Quang góp phần giảm nghèo bền vững cho các hộ nghèo trên địa bàn.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững, trong năm 2020 và các năm tiếp theo, tỉnh Tuyên Quang sẽ tiếp tục tăng cường sự chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền cơ sở, coi giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm, gắn với các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đặc biệt là chương trình xây dựng nông thôn mới; tập trung huy động nguồn lực, thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các dự án, chính sách phát triển kinh tế - xã hội để hỗ trợ giảm nghèo, cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn, gắn với thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; tạo điều kiện để người nghèo, cận nghèo phát triển sản xuất, tăng thu nhập, tiếp cận thuận lợi các dịch vụ xã hội cơ bản; thực hiện kịp thời các chính sách hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo, ưu tiên các dịch vụ thuộc nội dung giảm nghèo đa chiều như y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, vệ sinh, thông tin; phát huy khai thác hết tiềm năng, lợi thế, không để đất trống trong sản xuất, chăn nuôi để tăng thu nhập, giảm nghèo. Tỉnh cũng sẽ củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội, đặc biệt là các điểm giao dịch tại các xã, phường, thị trấn, các tổ tiết kiệm và vay vốn của các tổ chức đoàn thể nhận ủy thác, duy trì tăng trưởng nguồn vốn tín dụng, đảm bảo đủ nguồn vốn đáp ứng nhu cầu vay vốn của hộ nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo. Gắn việc cung cấp tín dụng ưu đãi với việc hướng dẫn cách làm ăn, khuyến nông, khuyến công và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất cho hộ nghèo, cận nghèo; thực hiện tốt chính sách đào tạo nghề, tư vấn giới thiệu việc làm cho lao động nông thôn, nhất là lao động nghèo; gắn dạy nghề với tạo việc làm đối với lao động nghèo; chú trọng thực hiện tư vấn, giới thiệu việc làm và học nghề ở các xã, vùng tái định cư, vùng ít đất sản xuất, vùng phải chuyển đổi nghề nghiệp ở các làng nghề, các xã xây dựng nông thôn mới. Thực hiện có hiệu quả các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất; hỗ trợ đa dạng các hình thức tạo sinh kế cho người nghèo, tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận các chính sách, nguồn lực, thị trường. Tiếp tục thực hiện nhân rộng các mô hình giảm nghèo có hiệu quả, chú trọng các mô hình liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm giữa các hộ gia đình, giữa hộ nghèo, cận nghèo với doanh nghiệp thông qua hợp tác xã, tổ hợp tác. Tăng cường áp dụng các tiến bộ, khoa học vào quá trình sản xuất nông nghiệp, từng bước thay đổi tập quán canh tác lạc hậu, manh mún, kém hiệu quả.
Cùng với đó là tập trung tuyên truyền sâu rộng về công tác giảm nghèo, nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân, nhất là bà con dân tộc thiểu số sống tại các xã vùng cao, vùng sâu, vùng xa về tiêu chí tiếp cận nghèo đa chiều, mục tiêu giảm nghèo bền vững, góp phần tạo được sự đồng thuận và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự đồng tâm, hiệp lực của toàn xã hội trong triển khai thực hiện Chương trình Giảm nghèo; khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên thoát nghèo.
An Nhiên/GĐTE