Quyền tham gia của trẻ em bao gồm: quyền được tiếp cận thông tin phù hợp lứa tuổi, được kiến nghị, bày tỏ ý kiến, quan điểm riêng của mình về các vấn đề về trẻ em; quyền được người lớn lắng nghe và phản hồi các kiến nghị, ý kiến của mình; quyền được tham gia vào quá trình ra quyết định; và quyền được kết giao, được thành lập hoặc tham gia các nhóm, hiệp hội và tham gia các hoạt động xã hội lành mạnh, phù hợp.
Quyền tham gia của trẻ em là một trong những quyền cơ bản của trẻ em, trong những năm gần đây, quyền tham gia của trẻ em đã có những hành lang pháp lý rất quan trọng trong việc triển khai thực hiện tại Việt Nam.
Hiến pháp năm 2013 quy định: “Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em...” (khoản 1 Điều 37).
Điều 33 Luật Trẻ em năm 2016 quy định: “Trẻ em có quyền được tiếp cận thông tin đầy đủ, kịp thời, phù hợp; có quyền tìm kiếm, thu nhận các thông tin dưới mọi hình thức theo quy định của pháp luật và được tham gia hoạt động xã hội phù hợp với độ tuổi, mức độ trưởng thành, nhu cầu, năng lực của trẻ em”; Điều 34 “Trẻ em có quyền được bày tỏ ý kiến, nguyện vọng về các vấn đề liên quan đến trẻ em; được tự do hội họp theo quy định của pháp luật phù hợp với độ tuổi, mức độ trưởng thành và sự phát triển của trẻ em; được cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân lắng nghe, tiếp thu, phản hồi ý kiến, nguyện vọng chính đáng”.
Luật Trẻ em dành một Chương quy định trẻ em tham gia vào các vấn đề về trẻ em (Chương V) quy định cụ thể: Phạm vi, hình thức trẻ em tham gia vào các vấn đề về trẻ em; Bảo đảm sự tham gia của trẻ em trong gia đình; Bảo đảm sự tham gia của trẻ em trong nhà trường và cơ sở giáo dục khác; Tổ chức đại diện, tiếng nói nguyện vọng của trẻ em; Bảo đảm để trẻ em tham gia vào các vấn đề về trẻ em.
Có thể nói, các văn bản của quốc tế và của Việt Nam đã tạo khung pháp lý quan trọng cho việc thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em. Quy định về quyền tham gia của trẻ em trong hệ thống pháp luật Việt Nam tương thích, hài hòa với các văn bản của quốc tế và cụ thể hóa để phù hợp với tình hình Việt Nam. Quyền tham gia của trẻ em đã và đang ngày càng được quan tâm, quy định cụ thể, chặt chẽ hơn.
Ngày 7/1/2021 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021 - 2030 (Quyết định số 23/QĐ-TTg), trong đó có 3 chỉ tiêu về quyền tham gia của trẻ em:
Mục tiêu 4: Về sự tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em
Chỉ tiêu 22: Phấn đấu 30% trẻ em từ 07 tuổi trở lên được hỏi ý kiến về các vấn đề của trẻ em với các hình thức phù hợp vào năm 2025 và 35% vào năm 2030.
Chỉ tiêu 23: Phấn đấu 85% trẻ em được nâng cao nhận thức, năng lực về quyền tham gia của trẻ em vào năm 2025 và 90% vào năm 2030.
Chỉ tiêu 24: Tỷ lệ trẻ em từ 11 tuổi trở lên được tham gia vào các mô hình, hoạt động thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em đạt 30% vào năm 2025 và 35% vào năm 2030.
Để đạt được các mục tiêu đó, trong thời gian tới cần tăng cường trách nhiệm của các bộ ngành, cơ quan, tổ chức có liên quan và địa phương về thúc đẩy thực hiện quyền tham gia của trẻ em. Thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em trong môi trường gia đình và nhà trường, thông qua nâng cao nhận thức, năng lực, kỹ năng của gia đình, cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên trong cơ sở giáo dục và trẻ em.
Đồng thời, xây dựng, thực hiện các mô hình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em như: Diễn đàn trẻ em, Hội đồng trẻ em, Câu lạc bộ quyền trẻ em, Các chương trình, hoạt động do trẻ em khởi xướng và thực hiện, Thúc đẩy sự tham gia của trẻ em trong nhà trường, các cơ sở chăm sóc trẻ em, Nhóm gia đình đồng hành cùng trẻ em...
Ngoài ra, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng môi trường mạng để trẻ em chủ động, sáng tạo tham gia vào các vấn đề về trẻ em và thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em; các cơ sở giáo dục tạo điều kiện cho trẻ em được sử dụng Internet để học tập, giao tiếp; được truy cập trên website của nhà trường an toàn, hiệu quả.
Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để thực hiện; khuyến khích các tổ chức, cá nhân hỗ trợ nguồn lực cho các hoạt động thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em.
Bên cạnh đó, mở rộng hợp tác quốc tế về thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em nhằm tranh thủ nguồn lực, kỹ thuật và kinh nghiệm quốc tế. Chủ động tham gia và đăng cai tổ chức các sự kiện khu vực và quốc tế về quyền tham gia của trẻ em như Diễn đàn trẻ em, liên hoan gặp mặt trẻ em...