Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Một số lưu ý trong sinh hoạt của trẻ bị tim bẩm sinh

Tim bẩm sinh là một bất thường đáng kể cấu trúc của tim hoặc mạch máu lớn trong lồng ngực. Đây là một trong những dị tật bẩm sinh thường gặp, chiếm tỉ lệ 8 - 10/1000 trẻ sinh sống và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ sơ sinh, chiếm gần 40% tử vong sơ sinh do dị tật bẩm sinh.

Việc chăm sóc đúng là điều vô cùng quan trọng đối với những trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh.

Dinh dưỡng hợp lý ở trẻ mắc tim bẩm sinh

Tình trạng suy dinh dưỡng thường xuyên xảy ra ở trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh, bởi trẻ có nhu cầu năng lượng cao hơn bình thường, trong khi sự hấp thu lại bị giảm. Do đó, khi chăm sóc trẻ, cha mẹ cần phải kiên nhẫn và cẩn thận, để đảm bảo cung cấp đủ nhu cầu dinh dưỡng cho trẻ phát triển.

Trẻ mắc tim bẩm sinh cần chia nhỏ cữ bú thành nhiều lần trong ngày, mỗi lần bú số lượng sữa có thể giảm đi, không nên để trẻ bú lâu một lúc, vì trẻ sẽ dễ bị mệt và sặc sữa.

Trẻ còn đang bú mẹ thì không cho bé bú nằm để tránh gây sặc, mẹ cần phải bế bé lên và để đầu của bé cao khi bú. Sau khi bú xong, nên bế trẻ đứng áp vào vai mẹ vài phút và vỗ nhẹ vào lưng để bé ợ hơi trước khi đặt nằm xuống. Để tránh bé bị ọc sữa gây sặc, nên đặt bé nằm nghiêng sau mỗi lần bú mẹ.

Đối với trẻ mắc tim bẩm sinh kèm sinh non, có tật ở miệng, nếu trẻ hay mệt mỏi không bú được, mẹ có thể vắt sữa cho trẻ uống, số lượng sữa trung bình trong ngày bằng khoảng 15% trọng lượng cơ thể của trẻ.

Ở các trẻ mắc tim bẩm sinh đã ăn dặm, nên cho ăn từng ít một và ăn nhiều lần, tuỳ theo khả năng tiêu hoá của trẻ. Đối với trẻ lớn đã ăn cơm, gia đình nên cho trẻ ăn nhạt, nhưng vẫn phải đảm bảo đầy đủ chất bổ dưỡng. Cho trẻ ăn chế độ có nhiều rau, trái cây và các thức ăn dễ tiêu để tránh táo bón.

Ở trẻ lớn bị suy tim chỉ nên uống nước khi khát và ngược lại những trẻ bị tim bẩm sinh có tím tái, máu bị cô đặc nhiều, nên cho uống nhiều nước.

 Tim bẩm sinh là tình trạng dị tật bất thường ở tim khi trẻ mới sinh ra.

Tim bẩm sinh là tình trạng dị tật bất thường ở tim khi trẻ mới sinh ra.

Trẻ mắc tim bẩm sinh cần dùng thuốc đúng chỉ định

Do trẻ mắc bệnh nên việc dùng thuốc cần theo chỉ định của các y bác sĩ. Trong quá trình điều trị bệnh tim bẩm sinh, tùy vào mỗi loại bệnh tim và mức độ nặng nhẹ của bệnh, bác sĩ sẽ cho trẻ sử dụng các loại thuốc khác nhau. Những thuốc này nếu dùng không đúng chỉ định, đều có thể gây hại cho trẻ. Không được tự động ngưng thuốc sẽ khiến bệnh nặng hơn, cũng không tự động tăng hoặc giảm liều thuốc, vì sẽ gây nguy hiểm cho trẻ. 

Nếu trẻ có bất kỳ biểu hiện bất thường, gia đình cần thông báo ngay cho bác sĩ. Nghỉ lễ tết nếu về quê hay cho trẻ đi chơi xa như tham quan, du lịch… cha mẹ cần nhớ mang theo các loại thuốc điều trị cần thiết cho trẻ.

Hoạt động thể lực ở trẻ mắc tim bẩm sinh

Thông thường trẻ mắc dị tật tim bẩm sinh đều có thể sinh hoạt hay vui chơi bình thường. Mặc dù mắc bệnh nhưng trẻ vẫn có thể tham gia vào một số hoạt động có lợi cho sức khoẻ như đi bộ, chạy, bơi, đi xe đạp và chơi cầu lông. Tuy nhiên, cần tránh những hoạt động đòi hỏi gắng sức quá nhiều như bóng rổ, bóng đá, chạy cự ly dài hoặc các môn thể thao mang tính chất thi đấu đối kháng như boxing, đấu vật, võ thuật, hay những trò chơi cảm giác mạnh.

Ở độ tuổi đi học gia đình cần trao đổi với nhà trường để miễn cho trẻ các hoạt động nặng cần phải gắng sức nhiều. Gia đình nên động viên trẻ tham gia vào các hoạt động thể chất phù hợp, để giúp trái tim thích nghi tốt.

Sinh hoạt khoa học với trẻ bị tim bẩm sinh

Do mắc bệnh nên trẻ thường dễ bị mệt mỏi do thiếu oxy, vì thế cha mẹ cần lưu ý tránh để trẻ quấy khóc, bú hoặc ăn quá no, chơi đùa lâu, rặn khi đi tiêu do táo bón… vì có thể làm cho tăng nhu cầu oxy của cơ thể, khiến trẻ bị mệt, khó thở, tím tái nhiều hơn.

Để trẻ ngủ ngon, được nghỉ ngơi yên tĩnh, cha mẹ cần tránh các tác nhân kích thích như tiếng động lớn, tã ướt, bụng đói, ánh sáng chói… Nên cho trẻ nằm đầu cao, chếch khoảng 30 - 45 độ, nhất là khi trẻ đang mệt và khó thở.

Nếu trẻ khó thở cần nới rộng quần áo và đặt trẻ nằm theo tư thế quay sang một bên với hai đầu gối co lên ngực (tư thế này giúp tăng lượng máu lên phổi, trẻ sẽ đỡ mệt). Sau đó, lập tức đưa trẻ đến bệnh viện để điều trị kịp thời.

Trẻ mắc tim bẩm sinh được phát hiện sớm và điều trị đúng phương pháp vẫn có thể phát triển như những trẻ cùng trang lứa. Ảnh minh hoạ.

Trẻ mắc tim bẩm sinh được phát hiện sớm và điều trị đúng phương pháp vẫn có thể phát triển như những trẻ cùng trang lứa. Ảnh minh hoạ.

Tóm lại: Tim bẩm sinh là tình trạng dị tật bất thường ở tim khi trẻ mới sinh ra và chiếm đến 90% các bệnh về tim mạch ở trẻ em. Căn bệnh đang trở thành nỗi lo và mối quan tâm hàng đầu của các bậc cha mẹ hiện nay. Tuy nhiên, nếu trẻ mắc tim bẩm sinh được phát hiện sớm và điều trị đúng phương pháp vẫn có thể phát triển như những trẻ cùng trang lứa và hòa nhập tốt với cuộc sống.

Trẻ bị tim bẩm sinh rất dễ bị nhiễm khuẩn đường hô hấp, đặc biệt là viêm phổi, vì vậy để tránh biến chứng này bố mẹ nên giữ ấm cho trẻ khi trời lạnh, không cho trẻ ở những nơi có nhiều khói bụi, không được hút thuốc lá khi có mặt trẻ. Nếu thấy trẻ có các biểu hiện như ho nặng nhiều đờm, thở nhanh, khò khè, đau thắt ngực... thì nên đưa trẻ đi khám ngay để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Trong sinh hoạt hàng ngày, cha mẹ cần lưu ý để phòng tránh nhiễm khuẩn cho trẻ. Trước khi cho trẻ bú hoặc ăn cần rửa tay sạch sẽ, nhớ lau kỹ vú bằng nước ấm. Các đồ dùng cho trẻ cũng luôn phải giữ vệ sinh sạch sẽ.

Những người đang bị ho, cảm cúm, nhiễm trùng thì nên tránh xa, không nên tiếp xúc hoặc chăm sóc trẻ.

Trong tim bẩm sinh, các bệnh thường gặp là: Thông liên thất, thông liên nhĩ, còn ống động mạch, tứ chứng Fallot, chuyển gốc động mạch, hẹp động mạch phổi… Tỉ lệ tử vong của tim bẩm sinh khá cao, trong đó chủ yếu tử vong trong 2 năm đầu. Tại các nước phát triển, hầu hết các bệnh tim bẩm sinh được chẩn đoán trước sinh bằng siêu âm tim. Nhưng không phải tất cả bệnh tim bẩm sinh đều có thể được phát hiện trước sinh. Nếu không có sàng lọc sau sinh, trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh bị bỏ sót khi xuất viện do sau sinh trẻ vẫn tồn tại ống động mạch hoặc lỗ bầu dục, nên chưa xuất hiện triệu chứng ngay trong giờ đầu hay một vài ngày sau sinh.