Theo báo cáo của Công ty cổ phần Chứng khoán SSI, tín dụng tăng trưởng khả quan hơn trong quý cuối năm, thanh khoản vẫn dồi dào, nhưng lãi suất liên ngân hàng và lãi suất tiền gửi sẽ vẫn duy trì xu hướng đi ngang trong một vài tháng tới. Điều đó đồng nghĩa với người gửi tiền thời gian tới vẫn sẽ phải chấp nhận mức lãi suất thấp như hiện tại.
Đồng thời với giảm lãi suất tiết kiệm, các ngân hàng cũng đã giảm mặt bằng lãi suất cho vay bình quân 0,6-0,8%/năm so với cuối năm trước. Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, hiện lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với một số ngành lĩnh vực ở mức 4,5%/năm; lãi suất cho vay USD phổ biến ở mức 3-6%/năm, trong đó lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến ở mức 3-4,5%/năm, lãi suất cho vay trung, dài hạn ở mức 4,2-6%/năm.
Những ngày cuối cùng của năm 2020 đang dần trôi qua, lãi suất ngân hàng thay vì "đua tăng" như thường lệ nhằm hút vốn nhàn rỗi mùa cuối năm thì nay lại giảm sâu.
Tại 4 ngân hàng lớn là Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Công Thương Việt Nam (VietinBank), Nông nghiệp và Phát triển Việt Nam (Agribank), lãi suất huy động cao nhất chỉ còn 5,6-5,8%/năm dành cho kỳ hạn từ 12 tháng trở lên; lãi suất các kỳ hạn khác cũng giảm nhẹ từ 0,1-0,2% so với hồi đầu tháng trước.
Cá biệt, một số ngân hàng thương mại tư nhân cũng đang duy trì biểu lãi suất huy động ở mức khá thấp, thậm chí như tại Ngân hàng TMCP Kỹ thương (Techcombank), lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12, 13, 18 đến 23 tháng còn thấp hơn cả 4 ngân hàng thương mại quốc doanh, chỉ ở mức 4,5%/năm.
Hay tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), lãi suất cao nhất kỳ hạn 24 tháng cho khoản tiền từ 50 tỷ đồng trở lên cũng chỉ 5,5%/năm.