Nguồn cung về nhà ở xã hội chưa đáp ứng mục tiêu đề ra.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị, mặc dù đã có nhiều chính sách phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, song đến nay nguồn cung về nhà ở xã hội vẫn chưa đáp ứng mục tiêu đề ra.
Theo thống kê, đến nay mới đạt 7,79 triệu m2/12,5 triệu m2 theo yêu cầu, trong đó nhà ở công nhân là 3,13 triệu m2 với 62.700 căn hộ; nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp đô thị là 4,65 triệu m2 với 93.090 căn hộ và quỹ đất dành cho nhà ở xã hội mới đáp ứng được 36,31%.
Việc chưa đạt được mục tiêu này, Bộ trưởng nêu một số quy định pháp luật còn vướng mắc trong việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cụ thể là cần tiếp tục nghiên cứu sửa đổi tại Luật Nhà ở và các luật khác liên quan.
Bên cạnh đó, về tổ chức thực hiện, theo ông việc bố trí nguồn vốn ưu đãi thực hiện chính sách nhà ở xã hội, nhà ở công nhân còn khó khăn. Hơn nữa, một số địa phương chưa thực sự quan tâm đến phát triển nhà ở xã hội, chưa quan tâm hỗ trợ hạ tầng kỹ thuật cho nhà ở xã hội, thủ tục hành chính còn nhiều vướng mắc, do vậy tác động tới nguồn cung nhà ở xã hội.
Vì vậy để nâng cao hiệu quả thực hiện mục tiêu nhà ở xã hội hướng tới người lao động có thu nhập thấp, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh việc điều chỉnh pháp luật để thu hút phát triển nhà ở xã hội, trong đó Bộ Xây dựng đang trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Đề án phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội, cố gắng đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp.
“Trong thời gian tới với những giải pháp đồng bộ, nhà ở xã hội sẽ được tăng thêm, tạo điều kiện về nguồn cung, cố gắng đáp ứng mục tiêu nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp với giá nhà ở phù hợp hơn,” Bộ trưởng nói.
Vốn tín dụng chỉ là một trong các kênh vốn để phát triển thị trường bất động sản.
Làm rõ một số nội dung mà đại biểu quan tâm liên quan đến thực trạng tiếp cận vốn tín dụng để xây dựng, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh đóng vai trò quan trọng đối với quá trình phát triển kinh tế-xã hội; góp phần phát triển và thay đổi diện mạo đô thị; phát triển nhà ở xã hội; đảm bảo an sinh xã hội.
Thị trường bất động sản phát triển cần huy động nhiều nguồn lực từ các kênh như từ đầu tư trực tiếp, nguồn vốn từ thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, ngân sách nhà nước, vốn tự có của người dân, doanh nghiệp. Vốn tín dụng chỉ là một trong các kênh vốn để phát triển thị trường bất động sản.
Theo Thống đốc, việc điều hành tín dụng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam lấy mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống, đảm bảo ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối.
Chẳng hạn, trong điều kiện ưu tiên kiểm soát lạm phát, đảm bảo an toàn hệ thống, việc mở rộng tín dụng cho thị trường bất động sản sẽ gây khó khăn cho Ngân hàng Nhà nước trong việc đạt được mục tiêu chính sách tiền tệ. Chính vì vậy, việc điều hành tín dụng cần cân nhắc thận trọng.
Ngoài ra, tín dụng bất động sản cũng tiềm ẩn rủi ro, bởi tín dụng lĩnh vực này thường dài hạn, số tiền huy động lớn, trong khi đặc tính huy động của ngân hàng là vốn ngắn hạn. Vì thế, nếu không tổ chức, điều tiết tốt sẽ đối diện với rủi ro thanh khoản, khó khăn trong chi trả cho người dân.
Với tín dụng cho nhà ở xã hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, Chính phủ đã ban hành nghị định, trong đó giao Ngân hàng Chính sách xã hội làm đầu mối, thực hiện cho vay nhà ở xã hội.
Một số tổ chức tín dụng được chỉ định cũng tham gia chương trình này. Tới nay, chương trình vay nhà ở xã hội được Ngân hàng Chính sách xã hội giải ngân là 10.584 tỷ đồng, dư nợ tới ngày 30/9 là 9.147 tỷ đồng. Các tổ chức tín dụng được chỉ định hiện chưa giải ngân được, do tiền cấp bù lãi suất chưa được bố trí cho họ.
Bà Nguyễn Thị Hồng cho biết, thời gian tới, mục tiêu chính sách tiền tệ vẫn là ưu tiên ổn định vĩ mô, đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng. Vì thế, các công cụ, giải pháp tín dụng cho bất động sản sẽ được cân nhắc trong tổng thể công cụ khác, để đạt mục tiêu của chính sách tiền tệ.
Hoàn thiện các quy định của pháp luật liên quan đến những dự án quy hoạch treo
Tại phiên chất vấn, đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) chỉ ra công tác quy hoạch phát triển đô thị mặc dù đã đạt được những bước tiến mới quan trọng, song nhiều các vi phạm, sai phạm trong lĩnh vực này còn diễn biến phức tạp trên địa bàn cả nước. Nhiều nơi chất lượng quy hoạch không đảm bảo, đặc biệt là tình trạng quy hoạch nhiều năm nhưng chưa thực hiện hay còn gọi là quy hoạch “treo” và không ít nơi “treo bền vững.”
Về điều này, người đứng đầu ngành xây dựng chỉ ra những nguyên nhân dẫn đến quy hoạch treo. Cụ thể, công tác quy hoạch còn thiếu tầm nhìn, dự báo chưa chính xác, dẫn đến thiếu tính khả thi và không áp dụng được trên thực tế. Bên cạnh đó, các loại quy hoạch lại những mẫu thuẫn giữa với nhau cộng thêm nguồn vốn khó khăn, nguồn lực và năng lực của chủ đầu tư hạn chế.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng để xảy ra quy hoạch treo thuộc trách nhiệm của cơ quan lập quy hoạch khi chưa có những đánh giá, rà soát quy hoạch một cách đồng bộ. Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cũng có trách nhiệm khi chưa đôn đốc, xử lý kịp thời các dự án quy hoạch treo.
Theo đó, vị tư lệnh ngành xây dựng cho biết trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ hoàn thiện các quy định của pháp luật liên quan đến những dự án quy hoạch treo, tăng cường công tác thẩm định chất lượng quy hoạch, tăng cường thẩm tra năng lực của nhà đầu tư, năng lực của các tổ chức thẩm định, tư vấn đồng thời tăng cường đôn đốc, thanh tra, kịp thời xử lý các vi phạm.
Liên quan tới tình trạng ngập úng tại các đô thị lớn, theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị, do nhiều nguyên nhân như: Tác động tự nhiên biến đổi khí hậu và do quá trình đô thị hóa nhanh chóng, lấp hồ ao, kênh rạch… Cùng đó là công tác quy hoạch chưa đáp ứng tầm nhìn, hệ thống thoát nước hạn thế, giao thông chưa đảm bảo yêu cầu.
Vì vậy, một số giải pháp được Bộ trưởng nêu ra đó là tập trung nâng cao chất lượng quy hoạch, hướng dẫn các địa phương điều chỉnh quy hoạch có tính tới việc thoát nước, chống nước biển dân; tập trung nguồn lực xây dựng đồng bộ các công trình thoát nước theo quy hoạch, tăng cường thanh tra kiểm tra để việc thoát nước đạt được yêu cầu đề ra...