"Lẽ ra tôi chết từ mấy chục năm trước"
Bệnh nhân Hà Hữu Hiệu (77 tuổi, Yên Lãng, Hải Phòng) là một trong những bệnh nhân ung thư đầu tiên của Việt Nam.
Sau 48 năm điều trị ung thư vòm họng, ngày 19/10 vừa qua, ông Hiệu quay trở lại BV K khám vì bệnh khác nhưng không quên mang theo toàn bộ giấy tờ khám chữa bệnh dù đã sờn cũ gồm phiếu chữa quang tuyến, thẻ ra viện, bệnh án điều trị, kết quả tái khám tại BV K từ năm 1970 khiến tất thảy y bác sĩ đều bất ngờ.
Giấy khám bệnh, thẻ ra viện từ năm 1970 được ông Hiệu giữ gìn cẩn thận |
Dáng người cao dong dỏng, chòm râu dài, mái tóc bạc phơ, ở tuổi gần 80, ông Hiệu vẫn đi lại lanh lẹ và khoẻ khoắn.
Cuối năm 1970, khi đang là giáo viên trường trung học Nông nghiệp Hải Phòng, ông Hiệu phát hiện cổ họng có vấn đề nên đi khám.
Thời điểm đó, BV K trung ương mới thành lập được hơn 1 năm tại cơ sở Quán sứ, Hà Nội, tại đây, ông Hiệu được chẩn đoán mắc ung thư vòm họng giai đoạn 1. Với hầu hết người dân Việt Nam khi đó, ung thư vẫn là một bệnh rất xa lạ, nằm trong danh sách “tứ chứng nan y” không thể chữa.
Bác sĩ chỉ định cho bệnh nhân xạ trị với nguồn xạ cobalt 60 đơn thuần. Liệu trình điều trị trong hơn 2 tháng.
Theo nội dung trên phiếu chữa quang tuyến, kết quả điều trị tốt. Ngày điều trị cuối cùng của ông là 19/12/1970, 3 ngày sau ông được xuất viện. Người điều trị cho ông Hiệu khi đó là bác sĩ Nghĩa.
Các kết quả tái khám sau 1, 2, 3, 6 tháng rồi 4 năm sau đều vẫn còn lưu trong sổ với kết luận tình trạng ổn định.
Do phải điều trị ung thư vòm họng, ông Hiệu rời nghiệp cầm phấn, quay trở lại với lao động chân tay hàng ngày, lấy sách vở làm nguồn vui.
Ông Hiệu chụp chung với PGĐ BV K Phạm Lương An |
Ông Hiệu bảo “lẽ ra tôi chết từ mấy chục năm trước rồi”. Cùng phòng với ông khi đó có 4 bệnh nhân ung thư khác thì cả 4 đều đã mất.
Lần này lên BV K khám bệnh, ông bảo phải gặp bằng được Ban Giám đốc bệnh viện để cảm ơn vì đã điều trị khỏi bệnh cho ông trong suốt gần 5 thập kỷ qua.
Ông Hiệu nhớ lại, khi điều trị tại BV K, ông phải ăn cháo suốt 100 ngày. Sau xạ trị, 2 bên má xám xịt. Tuy nhiên sau đợt điều trị đó, ông chưa từng phải vào viện lần nào.
Sau khi bỏ nghề giáo viên, ông Hiệu về làm lao động như bao người khác, nhưng biết mình đang mang bệnh nên ông có ý thức giữ gìn sức khoẻ rất tốt từ ngủ nghỉ, ăn uống đến tập luyện đều rất khoa học.
Chị Hà Thị Như, 52 tuổi, con gái ông Hiệu cho biết, hàng ngày cứ 4-5h sáng là ông dậy tập thể dục, đi bộ, vẩy tay. Ông thường khoe với con cháu “tôi vẩy tay được mấy nghìn cái”.
Suốt nhiều thập kỷ qua, ông không uống giọt bia, rượu nào, ngày ăn đủ 3 bữa, mỗi bữa 2 bát cơm. Ông không ăn đồ nguội, không ăn ở chợ, không ăn thức ăn đã để qua đêm, không bao giờ bỏ bữa sáng.
Ngoài ra, ông cũng đều đặn tham gia sinh hoạt câu lạc bộ thơ, văn, được các hội mời đi đọc thơ liên tục.
Dù phải điều trị bệnh mới nhưng tinh thần của ông vẫn rất lạc quan |
Ở tuổi gần 80, ông có 3 con trai, 3 gái và đã có chắt. Chị Như hay đùa “bố còn khoẻ hơn 3 con trai”. 2 ông bà ở riêng, vẫn tự nấu cơm, giặt giũ và làm việc nhà, không phiền đến con cháu ở xa.
Tuy nhiên gần 2 tháng trở lại đây, sức khoẻ ông Hiệu kém đi, đi ngoài không bình thường, ăn uống không ngon miệng khiến ông sụt liền 5kg, giờ chỉ còn 55kg.
Con cháu đưa ông đi khám bệnh viện gần nhà phát hiện ông bị loét dạ dày, giãn ống mật, nang thận, thận có sỏi bùn, phì đại tuyến tiền liệt, có u ở đầu tuỵ. Tuy nhiên tin tưởng nơi đã điều trị cho mình khỏi bệnh 48 năm trước, ông xin chuyển viện lên BV K để điều trị.
Dù có chút lo lắng nhưng ông vẫn bình thản. Ông cười bảo: “Tôi bị ung thư mà còn sống được mấy chục năm cơ mà”.
Hiện ông Hiệu đã chuyển vào khoa Gan Mật Tụy để điều trị. Căn cứ các kết quả xét nghiệm, chụp chiếu, trong tuần này bác sĩ sẽ hội chẩn để đưa ra phương án điều trị tối ưu.
Theo Thúy Hạnh/vietnamnet.vn