Vietnamnet đưa tin, chốt phiên tuần cuối ngày 9/11, giá vàng miếng trong nước được Tập Đoàn Vàng bạc đá quý Doji niêm yết ở mức: 41,40 triệu đồng/lượng (mua vào) và 41,65 triệu đồng/lượng (bán ra).
Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 41,26 triệu đồng/lượng (mua vào) và 41,56 triệu đồng/lượng (bán ra) tại Hà Nội. Giá vàng miếng SJC tại TP.HCM niêm yết ở mức 41,54 triệu đồng/lượng (bán ra).
Trong tuần qua, giá vàng đã giảm 3,2%, ghi nhận tuần giảm mạnh nhất trong 2 năm trở lại đây. So với phiên đầu tuần, giá vàng miếng trong nước được Tập Đoàn Vàng bạc đá quý Doji giảm 590 nghìn đồng ở chiều mua vào và 540 nghìn đồng ở chiều bán ra.
Chủ đạo của giá vàng là các phiên giao dịch ảm đạm, giá liên tục giảm. Phiên giao dịch ngày 6/9, giá vàng miếng trong nước được Tập Đoàn Vàng bạc đá quý Doji niêm yết ở mức: 41,55 triệu đồng/lượng (mua vào) và 41,75 triệu đồng/lượng (bán ra).
Theo Petrotimes, trong tuần giao dịch trước, giá vàng thế giới tuần qua phục hồi mạnh chủ yếu chủ yếu do tác động của quyết định hạ lãi suất cơ bản thêm 25 điểm phần trăm của FED, cùng với đó là những lo ngại về khả năng sớm giải quyết một phần các vấn đề thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Tuy nhiên, ở một góc độ khác, giá vàng thế giới cũng nhận được những chỉ báo tiêu cực nhất định. Mặc dù FED quyết định hạ lãi suất cơ bản đồng USD nhưng cũng cho rằng tăng trưởng kinh tế Mỹ vẫn được duy trì, thị trường lao động ổn định…
Chỉ số sản xuất công nghiệp PMI tháng 10 của Mỹ tăng nhẹ lên mức 48,3 điểm, so với mức 47,8 điểm trong tháng 9. Số liệu việc làm phi nông nghiệp (NFP) cũng đạt 128 ngàn, trong khi dự báo trước đó chỉ là 90 ngàn…
Về cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, sau khi Chile huỷ đăng cai Hội nghị thượng đỉnh APEC, Tổng thống Donald Trump đã lên tiếng khẳng định thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 đang diễn ra tốt đẹp. Địa điểm để ký thỏa thuận cũng đã được đưa ra để 2 bên thống nhất là một Bang nông nghiệp của Mỹ.
Thông tin này càng được củng cố khi theo tờ Financial Times (Vương quốc Anh), Nhà Trắng đang xem xét dỡ bỏ các mức thuế quan hiện tại đối với hơn 100 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc để “mở đường” cho việc Mỹ tiến tới ký kết thỏa thuận thương mại với nước này.
Ngày 7/11, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết Bắc Kinh và Washington đã đồng ý sẽ gỡ bỏ thuế nhập khẩu hiện tại theo từng giai đoạn.
Trong cuộc họp báo thường kỳ, Gao Feng - người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết hai bên phải đồng thời rút một phần thuế nhập khẩu đang áp lên nhau để đạt thỏa thuận giai đoạn một.
Reuters trích lời một nguồn tin thân cận cho biết các nhà đàm phán Trung Quốc muốn Mỹ gỡ bỏ thuế 15% với khoảng 125 tỷ USD hàng Trung Quốc có hiệu lực hồi tháng 9. Họ cũng muốn hủy 25% thuế áp lên 250 tỷ USD hàng hóa, từ máy móc đến sản phẩm bán dẫn và đồ nội thất. Gao nói rằng việc hủy bỏ thuế là điều kiện quan trọng với bất kỳ thỏa thuận nào. "Chiến tranh thương mại bắt đầu bằng thuế, và nên chấm dứt với việc gỡ bỏ thuế", ông nói.
Ngoài ra, nhu cầu vàng cũng có dấu hiệu chững lại khi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc duy trì dự trữ vàng ở mức 62,64 triệu ounce trong tháng 10/2019, không thay đổi so với 1 tháng trước đó. Như vậy Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã bất ngờ không mua thêm vàng sau 10 tháng mua mạnh, dự trữ vàng của Trung Quốc trong năm nay như vậy đã tăng thêm hơn 100 tấn.
Mặc dù giá vàng hôm nay vẫn đang chịu sức ép giảm giá lớn nhưng nhiều khả năng, đà giảm của giá vàng sẽ chấm dứt trong những phiên giao dịch tới khi Tổng thống Donald Trump cho biết trước báo giới rằng ông vẫn chưa đồng ý rút lại thuế nhập khẩu đối với hàng hoá Trung Quốc, dù Trung Quốc mong muốn như vậy.
Phản ứng trước thông tin trên, chứng khoán Mỹ đã lao dốc mạnh, cả 3 chỉ số DJIA, S&P 500 và Nasdaq Composite đều mất 0,2%.