Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Mua cả tấn thịt làm cỗ cưới

Không nói đâu xa, ngay giữa thủ đô Hà Nội, có những đám cưới làm 300 - 400 mâm cỗ và không dưới 200 lao động phục vụ.

 

Cứ tưởng đó chỉ là câu chuyện của quá khứ. Bởi suốt 3 năm qua Hà Nội huy động cả hệ thống chính trị rốt ráo thực hiện nếp sống văn minh, tiết kiệm trong việc cưới. Thế nhưng ở Thủ đô vẫn còn rất nhiều đám cưới tốn từ 300 - 400 mâm cỗ.

Cả làng đi ăn cỗ

Vài ngày nữa, cô con gái út của ông Nguyễn Hiền Th (thôn 9, xã Cát Quế, huyện Hoài Đức, Hà Nội) mới lên xe hoa. Thế nhưng từ nhiều ngày trước, vợ chồng ông đã phải “vắt chân lên cổ” chạy đôn đáo khắp làng, gõ cửa 471 hộ dân (chưa kể hết anh em, bạn bè thân thiết) trong thôn để mời khách đến ăn cỗ cưới.

Quy ước ngầm của làng hàng trăm năm nay đã thế. Nhất định người đi đưa thiệp mời phải là chủ hộ (bố hoặc mẹ của cô dâu/chú rể). Nhất định phải “huy động” 100% hộ dân trong thôn tham dự. Có như thế, đám cưới mới hoành tráng.

Trưởng thôn 9, ông Nguyễn Duy Ngôn bảo với tôi rằng, không phải mỗi nóc nhà chỉ có một người đại diện đến đám cưới. Mà trong bán kính 400 - 500 m (tương đương khoảng 50 - 60 hộ gần nhất), nhà nào cũng phải kéo cả vợ, cả chồng (cả con) đến làm giúp và chung vui trọn 2 ngày cùng gia chủ. Cứ tính toán theo dữ liệu mà ông Ngôn cung cấp, thì một đám cưới tốn không dưới 200 công lao động.

Để có không gian phục vụ lượng khách khổng lồ này, ông Th phải mượn thêm 3 cái sân của hàng xóm để căng phông bạt, kê bàn ghế và 2 cái sân làm khu nấu nướng, hậu cần. Tổng số tiền thuê phông bạt, loa đài, dụng cụ nấu nướng và 200 mâm bát đũa hết 10 triệu đồng.

Ông Th. đang xếp cau chuẩn bị cho đám cưới của cô con gái

 

Trung bình, mỗi đám cưới (tổ chức 2 ngày) ở thôn 9, gia chủ thường phải sắp 300 mâm cỗ và nguyên liệu cần dùng để chế biến số cỗ trên gồm: 500 - 600 kg thịt lợn móc hàm (tương đương 800 - 900 kg thịt lợn hơi) để chế biến các món ăn như thịt quay, thịt nướng, giò, xào thập cẩm...; 240 kg gà, 90 kg thịt bò, 80 kg tôm... ngoài ra mỗi đám phải có 100 - 120 lít rượu nếp (nồng độ cồn 50 độ), 1.500 - 2.000 quả cau để mời khách. Tổng chi phí cho một đám cưới mất khoảng 150 triệu đồng, chưa tính chi phí chụp ảnh cưới, sắm giường tủ...

Độ hơn 10 năm trở về trước, tục cưới hỏi của xã Cát Quế vẫn là “một đám cưới, cả làng ăn cỗ”. Nhưng, gia chủ phải chịu toàn bộ chi phí lễ lạt, ăn uống mà không có “nguồn thu” từ quà mừng của khách. Vì áp lực kinh tế đè nặng, món ăn trong mâm cũng dân dã, sơ sài hơn. Sau này, người dân trong xã mới tính chuyện mừng quà, mà cụ thể là tiền trong cái phong bì.

Thông thường, “ruột” phong bì trị giá 100.000 đồng. Số tiền này đủ chi phí cho khẩu phần ăn của 1 người trong 1 bữa. Nhưng có khi, một cái phong bì “gánh” cho 3 - 4 miệng ăn, trong 3 - 4 bữa. Thế nên, chẳng có đám cưới nào huề vốn, mà thường là âm một nửa (tức khoảng 60 - 70 triệu đồng).

Gia chủ mệt mỏi đã đành, nhưng gánh nặng trên vai của xóm giềng cũng không kém. 9 giờ sáng cỗ bàn đã phải sẵn sàng chờ khách. Vì thế phải có ít nhất 20 tay dao, tay thớt dậy từ lúc gà gáy mổ lợn, pha thịt để “đoàn quân nấu nướng” có nguyên liệu chế biến. Ăn xong bữa cơm chiều, tất cả lại lục tục đun nước mổ gà, ép giò chả, rửa chén bát... chuẩn bị cho ngày thành hôn chính thức của cô dâu, chú rể. Khi đám cưới kết thúc cũng là lúc mọi người mệt lử.

Mấy năm trước, ông Ngôn từng được giao nhiệm vụ canh bếp ăn của đám cưới 500 mâm cỗ của một gia đình trong xóm. Mỗi mâm tiêu tốn 1,8 kg thịt lợn (chế 4 món). Riêng lượng thịt lợn tiêu tốn đã 9 tạ, tương đương gần 1,4 tấn lợn hơi.

Khổ như cán bộ xã

Sống ở Cát Quế nửa đời người, Phó chủ tịch UBND xã Nguyễn Trọng Long, thú thực rằng, không chỉ đám cưới ở Cát Quế mới linh đình, mà các xã ở khu vực này đều giống nhau cả. Bởi, phong tục ấy đã hiện diện trong cộng đồng dân cư từ xửa từ xưa rồi, bây giờ đã ăn sâu vào nếp nghĩ. Ngày trước, thời gian tổ chức một đám cưới có khi là 3 ngày và nhiều hơn nữa.

Trưởng thôn Nguyễn Duy Ngôn muốn người dân quê mình tổ chức đám cưới tiết kiệm hơn

 

Từ ngày Huyện ủy Hoài Đức ra chỉ thị quy định 1 đám cưới không được mời quá 300 khách. Hàng tháng cấp ủy, chính quyền xã đều phổ biến xuống thôn. Thậm chí, những tháng cao điểm mùa cưới, mỗi tuần loa truyền thanh của xã tuyên truyền ra rả về tổ chức đám cưới văn minh, tiết kiệm 3 - 4 lần.

Thế nhưng, sự chuyển biến rất chậm và xã cũng chẳng làm cách nào để ngăn cản được người ta tổ chức đám cưới to. Bởi “ngày vui của người ta mà đưa người đến lập biên bản xử phạt là rất phản cảm. Vẫn phải tuyên truyền, vận động từng bước theo tính chất mưa dầm thấm lâu”, ông Long cho hay.

Bản thân vị Phó chủ tịch xã đã rất nhiều lần rơi vào thế “tiến thoái lưỡng nan” trước tập tục cưới hỏi của địa phương.

“Cán bộ thì phải sống với dân. Dân mời mà không đến họ nghĩ mình quan cách, hách dịch... Đúng ra, giờ làm việc hành chính thì không được phép làm việc riêng. Nhưng quê tôi 9h sáng ăn rồi. Chiều 2h30 lại ăn tiếp. Mình đến muộn quá thì người ta ăn xong hết. Đi lẻ loi một mình gia chủ cũng khó sắp mâm. Nhiều lúc cũng phải tranh thủ đi một thoáng, hai nữa gần cuối giờ (làm việc hành chính - PV) rồi cũng phải gặm nhấm một tí thời gian, làm sao để hài hòa tất cả”, ông Long nói.

"Thời điểm diễn ra nhiều đám, thậm chí công việc họp hành của Nhà nước cũng không thể triển khai được vì trưởng thôn, phó thôn và trưởng các chi hội phải sang đám cưới. Thế nên, đôi lúc phải xem ở trong dân có đám cưới nào không để bố trí họp hành, như thế đại biểu mới đến đông đủ được. Khổ lắm!", ông Long than.

Chạy sô đưa phong bì

Nghe chia sẻ của ông Long, tôi lại nhớ tới lời trần tình của trưởng nam một gia đình đông con, ở xã Đồng Thái (huyện Ba Vì, Hà Nội). Sự thể là từ mùng 4 - 21/9 (âm lịch), ông T. nhận được 18 cái thiệp mời cưới hỏi, tiền ông đi mừng ngót nghét 5 triệu đồng.

Một đám cưới ở quê (Ảnh mang tính chất minh họa)

 

Vợ và 3 đứa con trai của ông làm ăn xa hết, hơn 60 tuổi mà vẫn phải “chạy sô” đi rải phong bì. Có ngày 5 - 6 đám “rủ nhau” cùng tổ chức, đến miếng nước chia vui cùng gia chủ cũng phải uống vội vàng. Ông bảo: “Nếu đợt nào căng quá, không có tiền vẫn phải cáo lỗi vì... đau bụng”.

Đến bây giờ, khi 4 đứa con đã yên bề gia thất, nghĩ lại những lần tổ chức đám cưới cho con, ông T. lại rùng mình. Hồi cưới thằng con út, dân làng kéo đến hơn trăm người. Riêng chuyện cơm nước cảm ơn một bữa phụ đã mất 25 mâm. Mà đâu phải ai đến làm giúp cũng nhiệt tình.

Có buổi sáng, hơn chục thanh niên ngồng ngỗng ngồi xúm xít với nhau quạt than nướng thịt. Xiên nào chín, mỗi anh rút một miếng đút vào mồm nhai rau ráu, thế là mất chục mâm cỗ. Có người còn xách cả chai rượu nhậu ngay tại trận.

Năm ngoái, gia đình ông P. ở trong xóm cũng có đám cưới, mổ con lợn hơn 1 tạ, lấy lòng già đúc tiết và thịt tạp được cả chậu. Gia chủ dự tính lấy số lòng, dồi ấy để xếp cỗ bữa phụ. Thế mà, hội làm giúp đã “giải phóng” toàn bộ.

Đến giờ ăn chẳng còn gì, ông P. mặt phừng phừng vì tức giận. Hỏi sao chậu dồi bay biến? Cả nhóm hùa nhau bảo bị vỡ thành ruột, phải đổ bỏ cho cá ăn rồi. Có bận, người làng còn phát hiện một người đi làm giúp “biển thủ” cả con ngan rồi ném qua tường rào cho đứa con xách về nhà.