Sập sàn tầng 1 tại chung cư N5, Đồng Tàu, Thịnh Liệt. Ảnh: Nhị Tiến/Vietnamnet
Chung cư khá ồn ào, bất tiện
Xoay quanh câu chuyện Có 1 tỷ, nên mua nhà riêng hay chung cư?, nhiều độc giả phàn nàn, nhà chung cư khá bất tiện, gò bó và không thoải mái. Những nhược điểm được đưa ra với các nhà chung cư giá 1 tỷ là là không gian hạn chế, “như tự mua hộp diêm để chui vào”, phí dịch vụ đắt đỏ, đi lại bất tiện và nhiều nguy cơ xảy ra sự cố...
Theo độc giả Nguyễn Việt Linh, chất lượng của các chung cư giá rẻ thường không cao, nhà nhanh xuống cấp, dịch vụ không đảm bảo. Đặc biệt, điện, nước bất ổn, không gian vui chơi, thang máy quá tải, phòng cháy chữa cháy kém... là điều thường xuyên xảy ra.
"Ở chung cư sẽ có rất nhiều yếu tố được coi là của chung như lối đi, hầm để xe… Phần lớn người dân đều quá quen với điều này. Song trong một số trường hợp, chuyện chung đụng giữa nhiều hộ gia đình cũng gây ra khá nhiều phiền toái" là bình luận của Lan Anh khi nhắc tới chuyện cửa nhà.
Không chỉ vậy, nhiều bạn đọc cũng bày tỏ, việc chung vách tường giữa các căn hộ dễ gây ảnh hưởng tiếng ồn. Đáng lo hơn là khi nhà đầu tư sử dụng một phần kiến trúc để cho thuê các mô hình kinh doanh như nhà hàng, quán bar thì sự ồn ào và an ninh đều thiếu đảm bảo và khó kiếm soát.
Không ít độc giả cũng phàn nàn về chuyện một số chung cư xuất hiện hiện tượng thu vô lý một số khoản phí cơ sở vật chất như hồ bơi, phòng tập thể dục... trong khi bản thân họ không có thời gian cũng như nhu cầu sử dụng những dịch vụ này.
Hên xui chất lượng của chung cư trả góp
Thực tế, hiện nay rất nhiều chung cư mọc lên nhanh chóng cùng các quảng cáo mang yếu tố hứa hẹn. Tuy nhiên, theo phản ánh, dịch vụ chung cư chỉ tốt trong khoảng vài năm đầu. Sau đó, chất lượng nhà thường giảm sút khá nhanh.
Độc giả Tony Hoang bày tỏ quan điểm: “Nhiều chung cư bây giờ thu tiền trả góp, xây xong mới nhận nhà, kiến trúc cũng đẹp nhưng chất lượng thì hên xui".
Cũng theo người này, gia đình anh may mắn nhận được phòng có thiết kế ổn. Tuy nhiên, việc sử dụng cũng có khá nhiều bất tiện. Sau khi giao nhận nhà, anh cũng phải thuê thêm thiết kế, thay đổi một số nội thất.
"Việc sửa sang nhà cửa cũng không hề đơn giản bởi phải thông qua nhiều cấp quản lý. Bản thân các hộ gia đình thì cần, còn quản lý lại thong thả. Nhiều khi khá bực mình", anh nói.
Đồng quan điểm với Tony Hoang, độc giả Thu Hằng cũng cho rằng, việc sửa sang nhà cửa ở một số chung cư có khá nhiều phiền phức. Nhất là tại các chung cư cấp thấp hoặc mini, thường xuyên phải chịu sự chi phối của chủ sở hữu.
"Nhiều khi chủ nhà khó tính thì việc sửa chữa, lắp đặt thêm cái gì cũng khó khăn. Hơn thế, các dịch vụ chung của chung cư cũng khá bất cập, lấn át nhu cầu của người dùng", chị viết.
Một vấn đề nữa được nhắc tới là chuyện nhiều tòa nhà do xây vội, bòn rút vốn dẫn đến việc thiếu an toàn cho người sử dụng. Không ít trường hợp cháy nhà, cháy chung cư khó xử lý diễn ra tại Hà Nội trong những năm gần đây khiến thiệt hại về người và tài sản lên tới con số lớn.
Cụ thể, đêm 12/8 vừa qua, người dân tại chung cư N5, Đồng Tàu, Thịnh Liệt (quận Hoàng Mai, Hà Nội) khá hoảng hốt khi xảy ra sự cố sập sàn tầng 1.
Chứng kiến cảnh tượng đó, ông Lê Xuân Tỉu (70 tuổi), cư dân ở tòa nhà cho biết: "Cả một khoảng sàn khoảng gần 20 m2 ở lối đi vào tòa nhà bị sập xuống. Rất may lúc sàn nhà sập, không có ai qua lại nên không ảnh hưởng đến cư dân sinh sống nhưng cũng khiến khá nhiều người lo sợ".
Bên cạnh đó, việc sống tại các chung cư giá rẻ cũng khiến nhiều hộ gia đình hạn chế hơn trong việc giao tiếp, liên kết tình làng, nghĩa xóm.
Bạn đọc Hoài Anh chia sẻ: "Ở khu mình sống, mỗi hộ gia đình đều sống riêng biệt, gần như ở cạnh nhưng cũng không quen biết nhau, cơ hội tìm hiểu gần như bằng không. Dù hiện tại, nhiều chung cư đã có vài hoạt động sinh hoạt nhân dịp ngày nghỉ, lễ để gắn kết cư dân nhưng hiệu quả vẫn còn thấp".