Vào khoảng đầu tháng 11 âm lịch, quả cọ bắt đầu thu hoạch được.
Cây cọ tương đối có giá trị về mặt kinh tế, bởi tất cả các bộ phận từ cây cọ đều có thể tận dụng. Lá cọ dùng để làm nón, mũ, chổi, quạt, lợp mái nhà, chuồng trâu, bò. Cuống lá dùng chẻ nan dệt mành, thân cây cọ già có thể làm các đồ thủ công mỹ nghệ, máng nước, làm củi đun…
Vào tháng 2, tháng 3 âm lịch, những cây cọ đơm hoa, kết trái. Đến khoảng cuối tháng 10 đầu tháng 11 quả cọ bắt đầu chín. Khi màu vỏ quả cọ chuyển sang hơi nâu và đen lại, người dân hái về rửa sạch bụi đất, chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn.
Những quả cọ đã cho thu hoạch.
Quả cọ dùng để "ỏm" - (tiếng địa phương vùng Phú Thọ) phải là những quả già thì vị mới ngậy, càng béo và bùi. Cọ mang về cho vào rổ xóc với những cật nứa sắc để cạo bỏ lớp vỏ bên ngoài. Sau đó đem cọ thả vào nồi nước sôi lăn tăn (chưa sôi hẳn) đậy kín vung để một lúc là cọ sẽ chín mềm. Ở đây người ta cũng "ỏm" trám đen theo kiểu này.
Bác Nguyên – một người rất “mê” món cọ ỏm cho biết: “Ỏm cọ cũng là một nghệ thuật. Nước ỏm cọ phải được đun bằng nước giếng khơi hay nước nguồn. Người ta không ỏm cọ khi nước sôi sùng sục, vì như thế quả cọ sẽ vì nhiệt độ quá nóng mà teo đi, quắt lại, ăn cứng và chát. Cọ cũng không thể ỏm quá lâu, khi mặt nước nổi những váng màu vàng, cọ từ màu xanh sậm chuyển sang màu vàng là được. Trong quá trình chế biến cọ ỏm, quan trọng nhất là nhiệt độ của nước và thời gian ỏm. Người biết ỏm là người có thể căn được đúng các yếu tố đó để có được những miếng cọ dầy cùi, mềm, ăn bùi bùi mà không quá chát. Quả cọ khi đã ỏm có màu nâu sậm, lúc ỏm xong váng nổi như váng mỡ bám quanh nồi, bóp vào quả thấy mềm, cho màu vàng ươm đườm đượm là ngon nhất”.
Quả cọ sau khi đã cho thanh nứa vào xóc để bỏ đi phần vỏ.
Theo bác Nguyên: “Người ăn cọ sành là người biết chọn cho mình những quả cọ tròn, cùi dầy có màu vàng như mật ong, khi nhấm nháp còn thấy dẻo, dính ở răng thì đó chính là loài cọ nếp quý. Cọ ỏm chấm với nước mắm là ngon nhất, hoặc theo ý thích của mỗi người, có thế thay bằng muối bột canh, muối lạc hay tương ớt…”.
Món cọ đã ỏm xong, nhìn rất hấp dẫn.
Ngoài ỏm cọ để ăn chơi ra thì người ta còn kho cọ với thịt, cá. Khi đến mùa cọ, người dân thường chọn những quả cùi dày, béo rồi mang cạo sạch vỏ đem muối dưa. Dưa cọ có vị mặn của muối, vị ngậy béo bùi bùi, có thể ăn cùng với cơm hoặc ăn chơi đều rất ngon.
Về quê dịp cuối năm, trên những chuyến tàu, ta rất dễ dàng bắt gặp những rổ cọ ỏm đầy ăm ắp, vàng ươm, béo ngậy kèm theo lời rao ấm áp: “Ai cọ ỏm không? Cọ ỏm vùng đất Tổ thơm, ngon, bùi, béo ngậy đây ạ!”.
Cây cọ được trồng trên đồi cao.