Liên quan tình hình thời tiết vào mùa Đông năm nay ở miền Bắc và nhận định lũ, xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long, phóng viên đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia.
Ông Lâm cho biết, 3 tháng chính mùa Đông là tháng 12, tháng 1 và tháng 2 năm sau. Theo thống kê của cơ quan khí tượng thủy văn quốc gia, nhiệt độ 20 ngày đầu tháng 9/2019 trên cả nước đa số đều cao hơn trung bình nhiều năm. Cụ thể, tại khu vực Hà Nội, trong 20 ngày đầu tháng 9/2019 nhiệt độ là 29,9 độ C, cao hơn trung bình nhiều năm khoảng 1,6 độ C.
"Đối với mùa Đông năm nay, theo nhận định mới nhất của chúng tôi, nhiệt độ tháng 12/2019 cao hơn trung bình nhiều năm khoảng 1-1,5 độ C, tháng 1 và tháng 2/2020 sẽ cao hơn trung bình nhiều năm khoảng 0,5-1 độ C. Với một nền nhiệt độ như vậy, miền Bắc sẽ có một mùa Đông ấm và nhiều khả năng ấm hơn mùa Đông năm 2018" - ông Lâm đưa ra nhận định.
Đó là nhận định dài hạn về thời tiết miền Bắc vào mùa Đông năm nay, còn ở khu vực phía Nam, tình hình lũ ở đồng bằng sông Cửu Long dù "con lũ" đã về nhưng vẫn ở mức thấp. Về nội dung này, ông Lâm nói thêm: Hiên tại mức nước ở Tân Châu, Châu Đốc ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long cao hơn mức báo động 1 khoảng 10cm, và trong những ngày tới mực nước khu vực này tiếp tục xuống.
Tuy nhiên, theo ông Lâm, cuối tháng 9/2019, khu vực này sẽ có đợt nước lên nữa, dự báo mực nước ở Tân Châu sẽ lên mức 3,65m, còn ở Châu Đốc là 3,1m.
"Đến tháng 10/2019, chúng tôi nhận định dòng chảy sẽ về đầu nguồn nhưng không nhiều. Do đó, mực đỉnh lũ của năm 2019 tại khu vực trên khả năng ở mức trên báo động 1, mức này thấp hơn giá trị trung bình nhiều năm, do đó, xâm nhập mặn năm nay ở đây sẽ đến sớm hơn mùa khô năm 2019 và ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm" - ông Lâm nói thêm.