Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Mùa hái lộc xuân

Cứ mỗi độ xuân về, cây đót lại trổ bông trắng sườn đồi vùng cao Mường Lát (Thanh Hóa), đó cũng là lúc mùa đót vào vụ. Nó như một thứ “lộc của rừng” không chỉ làm đẹp thêm những ngọn đồi bát úp xinh xắn mà còn mang lại giá trị kinh tế cho người dân nơi đây.

 

Mùa của “lộc rừng”

 Người dân ở huyện Mường Lát  chủ yếu làm rẫy một mùa trong năm, sau đó bỏ đất hoang nên cây đót mọc khắp núi đồi. Vì vậy, cây đót cũng góp phần mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân vùng cao nơi đây. Mùa thu hoạch đót ở Mường Lát sẽ kéo dài từ tháng Chạp đến hết tháng hai âm lịch năm sau. Bông đót nở qua nhiều ngày sẽ không còn giá trị, giá bán rất thấp thậm chí không ai mua.

Bởi vậy, hầu hết những người dân ở Mường Lát đều  tranh thủ thời gian vào rừng hái bông đót.Có mặt tại bản Lách (xã Mường Chanh), nơi sinh sống của 46 hộ  đồng bào dân tộc Khơ Mú. Đầu xuân, gương mặt ai cũng vui vẻ, tiếng nói cười ríu rít cùng nhau đi thu hoạch đót. Vào thời gian này, sau những ngày bận rộn với cây ngô, cây lúa trên nương rẫy, đồng bào dân tộc Khơ Mú ở bản Lách lại vui với niềm vui được mùa đót.

bông đót ở mường lát

Chị Hà Thị Xoong cho biết: “So với mọi năm, thời tiết năm nay thuận lợi nên đót sinh trưởng mạnh, đời sống của hàng trăm người dân cũng nhờ nguồn lợi phong phú đó mà được cải thiện. Muốn hái được nhiều đót thì phải đi từ sáng sớm mới kịp lên được những ngọn đồi cao, rồi hái cả ngày, chiều tối mới về.

Làm cật lực thì mỗi người có thể hái được 50 kg đót tươi. Đót được hái rồi bó thành từng bó mang xuống núi và bán cho thương lái, giá cả năm nay cũng khá hơn năm ngoái, mỗi kg đót tươi có giá từ 5.000 đến 7.000  đồng, tính ra mỗi ngày cũng kiếm được mấy trăm nghìn từ đót. Nếu phơi khô mới bán thì sẽ được giá cao hơn”.

Nghề đi hái bông đót với những hộ đồng bào dân tộc Khơ Mú ở Mường Chanh cũng vô cùng khó khăn, vất vả, đót nơi đây mọc thành từng bụi (lùm) ở nơi có độ dốc cao nên việc thu hoạch hết sức khó khăn. Muốn bứt đót phải dùng hai chân trụ vững ở dốc núi, một tay bám víu, một tay hái. Những bàn tay rớm máu vì bị lá đót cứa là chuyện bình thường. Gặp những bụi đót già, “phấn hoa” của đót bám vào người, gây bệnh ngứa ngoài da. Đó là chưa kể đến việc bị tấn công bất ngờ bởi các loại côn trùng như ong, muỗi...

Biến “lộc rừng” thành “lộc nhà”

 Vào những ngày này, đi khắp các núi đồi Mường Lát đâu đâu cũng thấy những cây đót mọc chen nhau. Mỗi bản, làng đều có hình ảnh người dân gùi đót về nhà hay đang phơi đót bên vệ đường. Càng trên những ngọn đồi cao thì cây đót càng mọc nhiều.Tìm về với bản Sài Khao – bản được bao quanh bởi núi đồi trùng điệp nên ở đây cây đót mọc trắng những ngọn đồi.bông đót ở mường lát

Gặp chúng tôi trên đường chở đót ra phố huyện bán. Anh Vàng A Thào hồ hởi nói: “Mỗi ngày có rất nhiều người đi hái đót mà cây đót vẫn còn nhiều lắm, phải hết tháng 2 âm lịch thì mới hết mùa đót. Cây đót muốn bán được giá cao thì phải phơi khô rồi chờ thương lái đến thu mua, còn muốn được giá cao hơn nữa thì phải mang ra thị trấn mà bán”.

Chia tay anh Vàng A Thào, chúng tôi vào đến bản Sài Khao. Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt mọi người là đót được phơi ở khắp nơi, trên những nóc nhà hay  bên vệ đường. Vậy là “lộc rừng” đã thành “lộc nhà”, mang lại nguồn thu đáng kể cho người dân bản Sài Khao.

Anh Đinh Văn Dũng, một thương lái chuyên thu mua đót ở Mường Lát nhiều năm, cho biết: “Thời tiết năm nay thuận lợi, đót được mùa nên những ngày này bà con đã kéo nhau đi hái đót về bán cho các tiểu thương dưới xuôi lên thu mua. Mỗi mùa như vậy, tôi thu mua được hàng chục tấn đót để phơi khô, chủ yếu cung cấp cho các cơ sở sản xuất chổi đót.

Năm nay thị trường chổi làm bằng cây đót gia tăng nên tôi  tranh thủ thu mua rồi chở về xuôi bán kiếm lời. Dịp này, người đi phơi đót thuê cho tiểu thương cũng tấp nập bởi mỗi cơ sở thu mua, trữ đót với số lượng lớn đều cần nhiều nhân công để phơi và sơ chế đót trước khi cung cấp cho các cơ sở làm chổi.

bông đót ở mường lát

Sau Tết, gia đình chị Hà Thị Xoong lại có thêm nguồn thu từ “lộc rừng”.

Việc phơi đót thuê cũng giải quyết được ngày công lao động nhàn rỗi cho không ít lao động ở địa phương...”Khi mặt trời bắt đầu khuất sau những dãy núi cũng là lúc người dân trở về nhà sau một ngày hái đót vất vả. Hai vợ chồng anh Vàng A Lâu  bán đót tươi  cho thương lái.

Hôm nay hai vợ chồng anh đã có hơn ba trăm nghìn đồng mua thức ăn cho gia đình, mua thêm ít bánh quà cho con và còn dành dụm được chút ít. Cây đót bán được giá, bà con dân bản sẽ có tiền mua sắm những thứ cần thiết trong nhà, trang trải cuộc sống sau những ngày không đi tỉa hạt bắp, cây lúa trên nương.Cây đót -  “lộc rừng” cũng là một trong những cây xóa đói giảm nghèo của đồng bào vùng cao.

Tuy nhiên, cây đót ở vùng rừng núi Mường Lát hiện vẫn còn là cây mọc tự nhiên, phụ thuộc nhiều vào thời tiết, giá cả; việc thu hoạch nguồn lợi này còn mang tính tự phát, chưa có định hướng để người dân khai thác hiệu quả nhằm tạo ra giá trị cao...

Đêm miền núi xuống nhanh trong cái lạnh còn buốt da thịt, những ngôi nhà sàn đã sáng đèn, mọi người trong gia đình lại quây quần bên bếp lửa hồng trong bữa cơm tối. Ngày mai, một ngày mới lại bắt đầu bằng tiếng bước chân đi hái “lộc rừng” miền biên ải.