Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Mùa hè, tìm không gian cho con phát triển toàn diện

Trẻ em vui chơi với nước ở khu đô thị Times city Hà Nội.


Nhiều cha mẹ sẽ có lý do là con nghỉ hè nhưng cha mẹ vẫn phải đi làm, thời gian đâu cho con? Và như thường thấy, họ sẽ tìm các trung tâm tiếng Anh, các khóa kỹ năng sống… để gửi con ở đó với không ít suy nghĩ, gửi con đến đó cho có người trông là chính, học được gì thì học. Việc làm này cũng hoàn toàn có ích khi trẻ được giao lưu, học thêm ngoại ngữ, vui chơi, hoạt động thể chất, trao đổi, thu nạp thêm kiến thức… Tuy nhiên, những khóa học tiếng Anh và kỹ năng sống ở thành phố khá nhiều nhưng thường đắt đỏ, không phải cha mẹ nào cũng có điều kiện mà chất lượng khóa học lại khó kiểm chứng; trong khi ở nông thôn lại rất thiếu những khóa học này, ở vùng nghèo, xa xôi lại gần như không có. Trong khi không gian học tập của mùa hè lại vô cùng rộng lớn. Một trận bóng đá, một giờ đi bơi hay một buổi tham quan bảo tàng, đi nhà sách đều có thể trở thành một buổi học không hề đắt phí cho con, nếu cha mẹ biết cách thu xếp và hướng dẫn, đồng hành cùng con. Thậm chí, tập cho con cách ở nhà một mình với một số công việc được giao, một số trò được chơi, một vài món được hướng dẫn nấu và thưởng thức, cũng là một cách học.


Dưới đây là gợi ý về một số hoạt động học tập, vui chơi để phát triển toàn diện trong không gian tự nhiên mà cha mẹ có thể áp dụng:


1.Một vòng khám phá quanh thành phố


Sẽ không có cha mẹ nào bận đến mức không có ngày thứ bảy, chủ nhật. Nhưng có nhiều cha mẹ tìm mọi cách đưa con đi chơi, đi nghỉ thật xa, song lại bỏ qua thành phố, vùng miền nơi mình đang sống. Đất nước Việt Nam giàu đẹp, nhiều danh lam thắng cảnh, chắc chắn có địa điểm lý thú để trẻ được khám phá. Cha mẹ ở Hà Nội và các thành phố lớn càng rõ điều này. Hiểu về nơi mình đang sống với những địa danh, phong cảnh, điểm đến đã đi vào lịch sử, sách giáo khoa là điều cần thiết hơn bao giờ hết. Nếu một đứa trẻ ở Hà Nội hàng ngày học về Hồ Gươm hay Chùa Một Cột, học về chiến tích Ngọc Hồi – Đống Đa… mà lại chưa một lần nhìn thấy tận mắt nơi này thì đó là lỗi của cha mẹ. Tương tự, Hà Nội rất nhiều bảo tàng nhưng trẻ chủ yếu được đưa đến Bảo tàng Dân tộc học, ít được đưa đến Bảo tàng Lịch sử, Bảo tàng Phụ nữ hay Bảo tàng Mỹ thuật do nhiều cha mẹ cũng chưa quan tâm đến các bảo tàng này. Cha mẹ hãy mở rộng quan niệm và tư duy thẩm mỹ để trẻ được thấy những điều cần thiết cho sự hiểu biết về lịch sử, văn hóa dân tộc và phát triển năng lực thẩm mỹ cá nhân.


2.Đi dã ngoại với các trò chơi thể lực


Với trẻ em, hai tiếng “đi chơi” đặc biệt thích thú. Dã ngoại ở một làng quê, một khu vườn, một vùng hồ hay bất kỳ khu vui chơi đồng nội nào… với trẻ đều là những không gian tuyệt vời để trải nghiệm. Kết hợp các hoạt động thể chất vui nhộn như thi kéo co, võ thuật, nhảy dây, nhảy bao bố, đi thăng bằng trên cầu, đá bóng, đạp xe…, cha mẹ nào cũng có thể tổ chức cho các con chơi, giúp con rèn luyện thể lực, tinh thần đoàn kết và tăng niềm vui thích cho chuyến đi. “Đi một ngày đàng học một sàng khôn”, cha mẹ để ý sẽ thấy trong mỗi lời nói, mỗi câu chuyện sau chuyến đi của con là những bài học lớn mà con nhận được một cách tự nhiên, thích thú, không bị khô cứng. Những điều con tự cảm nhận và rút ra từ cuộc sống tự nhiên sẽ giúp các con ấn tượng nhất, ghi nhớ lâu nhất.


Rủ nhau đạp xe trong khuôn viên khu vui chơi.

3.Tham gia các hoạt động cộng đồng


Rất nhiều cha mẹ thành thị bận rộn không quan tâm đến đời sống cộng đồng và theo đó, cũng không có ý thức giáo dục con mình về ý thức cộng đồng, mùa hè chủ yếu để con tự do với các thiết bị điện tử. Một bộ phận nhỏ các bậc cha mẹ có ý thức dạy con biết quan tâm, chia sẻ, động viên con tham gia các hoạt động cộng đồng ngay từ nhỏ. Thực tế, dạy con ngàn trang lý thuyết không bằng một lần cho con trực tiếp được làm một công việc ý nghĩa. Dịp hè, trong các cộng đồng cư dân như khu phố, tòa nhà chung cư hay trong một khu đô thị, trong các hội đoàn thể như Đoàn Thanh niên, Đội Thiếu niên đều có các hoạt động cộng đồng như làm từ thiện, dọn nhà cho người già neo đơn, đi nhặt rác vì môi trường, tưới cây hay trồng hoa để làm đẹp nơi ở… Một vài quả xoài được tặng trong chiếc túi giấy của Ngày hội hái xoài với thông điệp bảo vệ khu vườn xanh trong không gian đô thị có thể khiến trẻ nhắc nhớ suốt cả tháng hè. Một buổi tham gia nhặt rác quanh Hồ Gươm rồi được thưởng một que kem Tràng Tiền chắc sẽ khiến trẻ ghi nhớ suốt tuổi thơ. Ý thức xã hội – cộng đồng, sự chia sẻ trách nhiệm cá nhân với xã hội sẽ hình thành trong các con từ những việc làm rất nhỏ như vậy.


4.Sử dụng triệt để các không gian quanh nhà


Các thiết thế vui chơi cho trẻ em ở thành phố hay nông thôn giờ đã được chú trọng. Hầu hết các khu dân cư, dù rộng hay chật, ít hay nhiều đều có khoảng không gian vui chơi dành cho trẻ em. Thành phố dù đông đúc, chật chội nhưng đưa con đi vài ba cây số buổi tối là có thể đến những khu vui chơi đủ để con thỏa sức khám phá và hòa mình vào không gian tự nhiên. Đặc biệt, tại các khu đô thị mới, đô thị lớn, nơi vui chơi cho trẻ em không thiếu, lại hiện đại, hấp dẫn, vườn hoa cây xanh nhiều, sân thể thao đầy đủ.


Hãy bứt trẻ ra khỏi bốn bức tường với màn hình ti vi, ipad và điện thoại. Buổi tối rảnh rang, mẹ con cùng nhau đi dạo với quả bóng hay chiếc xe đạp, gặp một bạn hàng xóm cùng bày trò chơi với nhau, đôi lúc cãi nhau rồi lại làm lành, đấy là cách bọn trẻ học ở nhau cách chơi, cách giải quyết xung đột, hòa giải. Nếu chưa có điều kiện đưa con đi du lịch xa, chỉ cần một vài giờ mỗi ngày để con được vận động, vui chơi trong không gian tự nhiên đã đủ khiến trẻ rèn luyện thể lực và trau dồi những kỹ năng quản lý cảm xúc và giao tiếp xã hội.


Chúng ta hãy mở rộng khái niệm học tập với trẻ em, đừng khư khư ôm lấy quan niệm đã học là phải có sách vở, trường lớp, thầy cô hay trung tâm, hội nhóm, và khuôn trẻ em vào những quan niệm và không gian đó. Các khóa học ngoại ngữ hay kỹ năng sống mùa hè đều rất hữu ích với mọi trẻ em, nhưng khi điều kiện chưa cho phép, luôn nhớ rằng trẻ em cũng như người lớn, đều có thể học mọi nơi, mọi lúc, với bất kỳ ai. Cuộc sống là một trường học rộng lớn, đồng hành cùng con sẽ luôn thấy không gian học tập luôn ở ngay trong cuộc sống thường ngày và kiến thức sẽ là mênh mông không bao giờ hết.

Bài và ảnh: Trang Thanh