Đón 2 thiên thần nhỏ sau 6 năm mong đợi
Tết vừa qua, là cái Tết hạnh phúc nhất của gia đình chị Quỳnh cũng như ông bà hai bên nội ngoại khi có 2 thiên thần nhỏ là bé Voi và Thỏ. Không chỉ vậy, sinh hai bé xong, anh Toàn được nhận thêm một số công việc mới, dành dụm thêm tiền để sửa lại ngôi nhà sàn đã cũ và xập xệ.
Chị Nông Thị Quỳnh chia sẻ, lập gia đình từ năm 2015, nhưng đến tận tháng 6/2021, vợ chồng chị mới được hưởng niềm vui làm cha mẹ. Sau kết hôn, hai vợ chồng không kế hoạch mà chờ mãi chưa có tin vui. Đi thăm khám hiếm muộn, chị được chẩn đoán bị PCOS (Hội chứng buồng trứng đa nang) - một trong những căn bệnh gây vô sinh phổ biến ở nữ giới. Sau đó, vợ chồng chị bắt đầu hành trình tìm con đầy gian nan. Tích góp, dành dụm được bao nhiêu tiền họ đều dùng để cắt thuốc mong sớm có con. Song may mắn vẫn chưa mỉm cười với vợ chồng khi những thang thuốc không có tác dụng, hai lần thực hiện thụ tinh nhân tạo (IUI) đều thất bại.
Và rồi trong tuyệt vọng, tưởng chừng như hành trình phải gác lại vì kinh tế khó khăn, khi chi phí thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm vượt quá khả năng của vợ chồng thì may mắn mỉm cười với họ. “Hai vợ chồng đều làm công nhân, gia đình kinh tế khó khăn. Thế rồi, tháng 7/2020, biết đến chương trình Tuần lễ vàng của Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội hỗ trợ các gia đình hiếm muộn có hoàn cảnh khó khăn, chúng tôi quyết định xuống Hà Nội để nộp hồ sơ tham gia. Vợ chồng em may mắn trở thành một trong 10 gia đình có hoàn cảnh khó khăn nhận được gói hỗ trợ miễn phí 100% chi phí thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm của Bệnh viện”, chị Quỳnh xúc động nói.
Ngay sau đó, vợ chồng chị bắt đầu quá trình điều trị tại Bệnh viện và bất ngờ chỉ hai tháng sau, hạnh phúc đã mỉm cười khi chị Quỳnh đã đậu thai ngay ở lần chuyển phôi đầu tiên. Sau 9 tháng thai kì, vào ngày 15/6/2021, hai bé Voi và Thỏ (cân nặng 2,6kg/bé) của đôi vợ chồng chào đời.
Mang thai ở người mắc hội chứng buồng trứng đa nang
Bác sĩ Phạm Thị Mỹ - Chuyên ngành Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội cho biết: Phụ nữ bị buồng trứng đa nang vẫn có thể mang thai nếu được điều trị kịp thời, càng để lâu, tuổi của người vợ càng cao, tỷ lệ điều trị thành công càng thấp. Do vậy, chị em phụ nữ nếu có những dấu hiệu bất thường thì nên thăm khám sớm để có phương pháp điều trị thích hợp.
Buồng trứng đa nang là tình trạng rối loạn gây mất cân bằng hormone gây nên nhiều triệu chứng như rối loạn kinh nguyệt, nổi mụn trứng cá, thừa cân, rụng tóc… Nguyên nhân gây nên tình trạng này là do buồng trứng không thể sản xuất các hormone theo đúng tỉ lệ bình thường, dẫn đến rối loạn phóng noãn, trứng rụng thưa hoặc không rụng trứng. Từ đó ảnh hưởng tới khả năng sinh sản của người phụ nữ. Do vậy, việc chẩn đoán sớm bệnh để được điều trị đúng cách là rất quan trọng.
Nhiều nghiên cứu ngành Hỗ trợ sinh sản cho thấy, có khoảng 50% phụ nữ bị hội chứng PCOS có chu kỳ kinh nguyệt quá dài. Thậm chí, khoảng 20% phụ nữ mắc hội chứng này không có chu kỳ kinh nguyệt. Điều đó cho thấy, tất cả các dấu hiệu bất thường của chu kỳ kinh nguyệt đều có thể là dấu hiệu của hội chứng PCOS, nên chị em đừng chủ quan, lờ đi các dấu hiệu này. Theo các chuyên gia, nguyên tắc điều trị chung đối với hội chứng đa nang buồng trứng là gây phóng noãn; cách thực hiện có khác nhau tùy theo việc bệnh nhân muốn có thai ngay hay không. Những phụ nữ chưa muốn có thai sẽ được điều trị bằng thuốc kích thích phóng noãn. Các thuốc này giúp nang trứng phát triển to lên, vỡ ra và phóng noãn. Khả năng thành công tùy thuộc vào độ dày của vỏ buồng trứng và mức độ đáp ứng của từng người. Trong khi điều trị bằng phương pháp này, người phụ nữ có thể mang thai nên phải áp dụng các biện pháp phòng tránh (trừ việc dùng thuốc tránh thai vì dược phẩm này ức chế phóng noãn).
Chuyên gia ngành hỗ trợ sinh sản cho biết, những phụ nữ muốn có thai ngay (thường thuộc nhóm hiếm muộn) sẽ được điều trị theo các bước: Một là, kích thích thử buồng trứng bằng các thuốc gây phóng noãn. Hai là, can thiệp ngoại khoa buồng trứng: Bác sĩ cắt bỏ một phần, hoặc chọc thủng vài vị trí bề mặt buồng trứng để giải phóng các nang noãn. Với cách điều trị này, 50-60% trường hợp hiếm muộn đơn thuần (chỉ mắc hội chứng buồng trứng đa nang) sẽ có thai. Sau mổ, bệnh nhân thực hiện thụ thai ngay; nếu qua 6 chu kỳ không thành công, nên thực hiện kích thích phóng noãn như bước một, nhưng không quá 6 chu kỳ. Nếu vẫn không mang thai thì tốt nhất là thụ tinh trong ống nghiệm.