Trong đó, Nghị định bổ sung Điều 15đ về khuyến mại trong cung ứng dịch vụ bưu chính.
Cụ thể, việc khuyến mại trong cung ứng dịch vụ bưu chính được thực hiện theo quy định của pháp luật về thương mại.
Mức giảm giá cước tối đa đối với dịch vụ bưu chính được khuyến mại bằng hình thức giảm giá không được vượt quá 50% giá cước gần nhất đã công khai, thông báo theo quy định.
Nghị định cũng bổ sung Điều 15c công khai giá cước dịch vụ bưu chính.
Cụ thể, đối tượng thực hiện gồm: Doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính; đại lý cung ứng dịch vụ bưu chính có quyền quyết định, điều chỉnh giá cước dịch vụ bưu chính.
Nội dung công khai: Giá cước dịch vụ bưu chính bằng đồng Việt Nam, đã gồm các loại thuế, phụ phí của dịch vụ; thông tin liên quan khác (nếu có). Thời điểm công khai kể từ thời điểm doanh nghiệp, tổ chức cung ứng dịch vụ.
Hình thức công khai dưới một hoặc một số hình thức như: Niêm yết tại điểm phục vụ, thông báo bằng văn bản, đăng tải trên trang thông tin điện tử hoặc các hình thức khác để thuận tiện cho việc quan sát, nhận biết của mọi tổ chức, cá nhân.
Giá cước dịch vụ bưu chính được công khai phải thống nhất với giá cước mà doanh nghiệp, tổ chức đã thông báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về bưu chính.
Nghị định cũng bổ sung Điều 15b thông tin về dịch vụ bưu chính, về người gửi, người nhận và liên quan đến bưu gửi.
Cụ thể, trước khi cung ứng dịch vụ bưu chính, doanh nghiệp có trách nhiệm cung cấp cho người sử dụng dịch vụ bằng một hoặc một số hình thức (như niêm yết tại điểm phục vụ, thông báo bằng văn bản, đăng tải trên trang thông tin điện tử hoặc các hình thức khác) các thông tin sau đây: Loại dịch vụ; chất lượng dịch vụ; giá cước dịch vụ; nguyên tắc bồi thường thiệt hại; mức bồi thường thiệt hại; quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính; quyền và nghĩa vụ của người sử dụng dịch vụ bưu chính; những thông tin liên quan khác.
Trước khi sử dụng dịch vụ bưu chính, người gửi có trách nhiệm cung cấp cho doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính thông tin về người gửi, người nhận, thông tin liên quan đến bưu gửi và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp của các thông tin đã cung cấp, cụ thể như sau:
Thông tin về người gửi, người nhận, gồm: Họ và tên, địa chỉ và số điện thoại (nếu có); thông tin liên quan đến bưu gửi, gồm: Nội dung gói, kiện hàng hóa.
Trường hợp hàng hóa phải có các giấy tờ đi kèm khi vận chuyển theo quy định của pháp luật, người gửi có trách nhiệm cung cấp bản chính hoặc bản sao hóa đơn, chứng từ, giấy phép chuyên ngành, giấy chứng nhận hoặc giấy tờ khác có chứng thực của cơ quan có thẩm quyền.
Thông tin về thời gian, địa điểm chấp nhận bưu gửi bằng một trong các hình thức: Đóng dấu ngày, viết tay, in, dán nhãn hoặc thông tin dưới dạng dữ liệu điện tử.
Doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính có trách nhiệm lưu trữ thông tin về người gửi, người nhận và thông tin liên quan đến bưu gửi tối thiểu 1 năm kể từ ngày được cung cấp.
Nghị định số 25/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ 1/6/2022.