Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Mức thưởng Tết Nguyên đán Bính Thân 2016 tăng 15,7% so với năm 2015

Chiều ngày 19/1, Bô LĐTB&XH đã có cuộc gặp mặt thân mật báo chí nhân dịp năm mới Bính Thân 2016, tham dự cuộc họp báo có đại diện lãnh đạo các đơn vị của Bộ. Thông tin về tình tình thưởng Tết năm 2016, Vụ trưởng Vụ Lao động - Tiền lương, Tống Thị Minh cho biết: theo số liệu khảo sát của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gồm 13.178 doanh nghiệp với 2,4 triệu người lao động), về tiền thưởng Tết dương lịch, có 72% số doanh nghiệp báo cáo có tiền thưởng với mức bình quân khoảng 1,18 triệu đồng/người, tăng 1,6% so với năm 2015 (1,16 triệu đồng/người). Người có mức thưởng cao nhất là hơn 2 tỷ đồng/người (doanh nghiệp FDI ở Thành phố Hồ Chí Minh). Người có mức thưởng thấp nhất là 24.000 đồng/người (doanh nghiệp FDI ở Thái Bình).

Phó Chánh Văn phòng Bộ Lưu Hồng Sơn phát biểu tại buổi gặp mặt báo chí

Tại Hà Nội, người có mức thưởng cao nhất là 30 triệu đồng/người (ở doanh nghiệp FDI) và người có mức thưởng thấp nhất là 150.000 đồng/người (ở công ty có cổ phần, vốn góp của Nhà nước và doanh nghiệp FDI). Tại Thành phố Hồ Chí Minh, người có mức thưởng cao nhất là hơn 2 tỷ đồng/người (ở doanh nghiệp FDI) và người có mức thưởng thấp nhất là 134.000 đồng/người (ở doanh nghiệp FDI). 

Đối với tiền thưởng Tết Nguyên đán Bính Thân 2016, có 87% số doanh nghiệp báo cáo dự kiến có tiền thưởng Tết Nguyên đán 2016 với mức thưởng bình quân khoảng 1 tháng lương (khoảng 5,53 triệu đồng/người, tăng 15,7% so với thưởng Tết nguyên đán 2015). Người có mức thưởng cao nhất là 624 triệu đồng/người (doanh nghiệp FDI ở Hải Dương). Người có mức thưởng thấp nhất là 40.000 đồng/người (doanh nghiệp FDI ở Bình Phước). 

Tại Hà Nội, người có mức thưởng cao nhất là 100 triệu đồng/người (ở doanh nghiệp FDI) và người có mức thưởng thấp nhất là 450.000 đồng/người (doanh nghiệp FDI). Tại Thành phố Hồ Chí Minh, người có mức thưởng cao nhất là 600 triệu đồng/người (ở doanh nghiệp dân doanh) và người có mức thưởng thấp nhất là 3,09 triệu đồng/người (ở doanh nghiệp FDI).

 

Bên cạnh đó, trong tổng số trên 13.000 doanh nghiệp báo cáo đến ngày 31/12/2015, vẫn còn 14 doanh nghiệp (ở 8 tỉnh, thành phố) nợ khoảng 16,5 tỷ đồng tiền lương của 2.300 lao động; hơn 1.700 doanh nghiệp (khoảng 13% số doanh nghiệp báo cáo) chưa có kế hoạch thưởng Tết hoặc không có tiền thưởng tết cho người lao động. Thực hiện công điện số 01 của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, các địa phương vẫn tiếp tục rà soát, nắm tình hình kết hợp với tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp tìm giải pháp thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, đồng thời tiết kiệm chi phí khác để có khoản kinh phí trả nợ lương và chia sẻ với người lao động chi tiêu trong dịp Tết.

 

* Tiền lương năm 2015 có xu hướng ổn định và tăng khá hơn

 

Bà Tống Thị Minh, Vụ trưởng Vụ Tiền lương đang giải đáp thắc mắc của các nhà báo

 

Bà Tống Thị Minh thông tin: Theo số liệu tổng hợp báo cáo, thống kê và điều tra do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện năm 2015 cho thấy, tiền lương có xu hướng ổn định và tăng khá so với năm 2014; bình quân ước đạt 5,53 triệu đồng/người/tháng (tăng khoảng 8%), trong đó: Doanh nghiệp 100% vốn nhà nước ước đạt 7,04 triệu đồng/tháng. Doanh nghiệp tư nhân ước đạt 4,99 triệu đồng/tháng. Doanh nghiệp FDI ước đạt 5,47 triệu đồng/tháng. 

Tùy theo từng ngành nghề có mức tăng lương khác nhau; cụ thể: Thương mại, dịch vụ ước đạt 6,32 triệu đồng/người/tháng. Nông, lâm, ngư nghiệp ước đạt 4,45 triệu đồng/người/tháng. Công nghiệp, xây dựng ước đạt 5,34 triệu đồng/người/tháng; trong đó đáng chú ý các ngành có dệt may, da giày - túi sách do số lượng đơn hàng ổn định và tăng, tiền lương của người lao động có mức tăng khá (Dệt may 4,54 triệu đồng, tăng 7,5%; Da giày 4,5 triệu đồng, tăng 8,9%);  Chế biến thủy sản 4,97 triệu đồng, tăng 4,9%; chế biến gỗ 5,23 triệu đồng, tăng 5,3%

Một số ngành nghề như cao su, dầu khí... năm 2015 mặc dù năng suất lao động theo sản lượng vẫn tăng, song do ảnh hưởng bởi tình hình giá cả thị trường thế giới làm cho doanh thu, lợi nhuận đều sụt giảm mạnh, cho nên tiền lương của người lao động cũng bị ảnh hưởng. Hầu hết doanh nghiệp trên thế giới ở các ngành này đều vừa phải cắt giảm lao động, cắt giảm tiền lương. Tuy nhiên, ở Việt Nam, các doanh nghiệp thực hiện thận trọng hơn thông qua giữ ổn định lao động, chủ động tiết giảm các chi phí khác và cắt giảm một phần tiền lương của người lao động (mức giảm dưới 10%), cụ thể: ngành cao su với khoảng 120.000 lao động, năng suất lao động theo sản lượng tăng khoảng 6%, nhưng do giá bán giảm (hiện nay còn khoảng 31 triệu/tấn) nên tiền lương giảm khoảng 4 - 5%. Một số doanh nghiệp chịu tác động trực tiếp bởi giá dầu thuộc Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam có năng suất lao động theo sản lượng khai thác tăng 7%, nhưng do giá giảm mạnh nên tiền lương giảm bình quân 3 - 5% so với năm trước.