Theo nghiên cứu mới, mùi cơ thể tiết lộ nhiều điều về sức khỏe, điển hình là một số căn bệnh có thể tạo ra mùi duy nhất và dễ nhận biết trên cơ thể.
Hơi thở có mùi là triệu chứng của bệnh tiểu đường: Khi cơ thể bạn không thể sản xuất insulin, các tế bào sẽ không nhận được lượng đường cần thiết để làm năng lượng. Cơ thể sẽ bù lại lượng thiếu hụt đó bằng cách đốt cháy chất béo. Quá trình đốt cháy chất béo sẽ sản sinh ra xeton, chất này sẽ tích tụ dần dần trong máu và nước tiểu của bạn. Nồng độ xeton cao thường gây ra hôi miệng.
Nhiễm nấm khiến chân phát ra mùi hôi. Nếu bạn có làn da khô, vảy quanh ngón chân, cùng với vết đỏ và vết loét thì bàn chân của bạn cũng có thể phát ra mùi hôi. Đó là do sự kết hợp giữa vi khuẩn và nấm mốc xuất hiện trên da.
Mùi hôi là một triệu chứng của sự không dung nạp lactose: Chứng không dung nạp đường lactose là tình trạng cơ thể không có đủ lactase, một enzyme trong ruột non, để hấp thụ đường lactose. Người mắc chứng bệnh này khi ăn uống các thực phẩm hay thức uống làm từ sữa thì đường lactose trong đó không phân hủy được sẽ được chuyển xuống ruột già. Ở đây, vi khuẩn ruột sẽ lên men, dẫn đến phân lỏng, hôi thối.
Nước tiểu thông thường có mùi khai nhẹ, nhưng nếu bỗng dưng phát hiện mùi nước tiểu hôi nồng, màu nước tiểu sẫm thì có thể bạn đã mắc nhiễm trùng đường tiểu (UTI). Bệnh này xảy ra khi E. coli xâm nhập vào đường niệu đạo, bàng quang và gây nhiễm trùng.
Hơi thở xấu là một biểu hiện của ngưng thở khi ngủ: Nếu hơi thở của bạn có mùi hôi ngay cả khi bạn luôn đánh răng, bạn có thể mắc chứng ngưng thở khi ngủ. Ngưng thở khi ngủ có thể dẫn đến việc bạn thở bằng miệng trong suốt đêm. Điều này có thể làm cho miệng bạn bị khô, đó là nguyên nhân gây ra hơi thở hôi.
Theo Trí thức trẻ/giadinh.net.vn