Du khách đến đây không chỉ để ngắm ngọn hải đăng cổ và cao nhất Việt Nam như mọc lên từ biển, cao vút trên nền trời xanh mà còn để thăm thú những bãi đá kỳ thú qua sự đẽo gọt của thời gian, vui đùa cùng nắng gió trên bãi biển hoang sơ...
Tháp Hải đăng trên Mũi Kê Gà - Bình Thuận
Đây là một hòn đảo đá rộng khoảng 5 ha, nằm cách bờ biển trên 500 mét, từ xa nhìn giống như đầu con gà vì vậy người ta gọi là Mũi Kê Gà. Hải đăng Mũi Kê Gà bắt đầu được người Pháp cho xây dựng từ năm 1897 và hoàn thành vào năm 1899. Như vậy ngọn hải đăng này đã liên tục tỏa sáng 118 năm soi đường cho tàu, thuyền qua lại.
Hải đăng Mũi Kê Gà có chiều cao 35 mét tính từ chân tháp, còn so với mặt nước biển nó cao 65 mét, tường tháp dầy nhất là 1,6 mét và trên đỉnh là 1 mét. Với ngọn đèn công suất 2.000W, tầm quét 22 hải lý, tàu thuyền qua lại nơi này cách 40 km đã có thể nhìn thấy.
Giờ đây, muốn ra khám phá hải đăng cổ, du khách được chở ra bằng tàu cao tốc, mất khoảng 10 phút cho một lượt đi/về, giá tiền là 120 ngàn đồng cho hai lượt và cũng không phải chờ đợi quá lâu vì có nhiều tàu. Anh Hải – một lái tàu cao tốc ở đây, cho biết: Tàu cao tốc là do tư nhân đầu tư, khi có khách, Công ty du lịch thu 70 ngàn đồng/vé, chủ tàu được 50 ngàn. Nhìn chung mỗi ngày, một tàu cũng kiếm được năm bẩy trăm sau khi trừ chi phí.
Bãi đá trên đảo Mũi Kê Gà
Đảo Mũi Kê Gà vẫn giữ được vẻ đẹp hoang sơ với những bãi đá lô nhô với vô vàn hình ảnh tuyệt đẹp tùy vào sự tưởng tượng phong phú của du khách. Đi theo những bậc đá, càng lên cao, du khách càng có cơ hội phóng xa tầm mắt để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của trời biển, của những bãi đá lô nhô với những con sóng vỗ nhè nhẹ. Ngay dưới chân tháp hải đăng có một vườn rất nhiểu cây đại cổ thụ, gốc xù xì với dáng vẻ cổ quái. Hoa đại nở rất nhiều, tỏa mùi hương thơm ngát, dễ chịu. Đây là nơi du khách rất thích dừng lại để chụp hình kỷ niệm. Thỉnh thoảng vẫn có những đôi cô dâu, chú rể đến đây để hoàn tất bộ sưu tập ảnh cưới đầy lãng mạn.
Khu nuôi cá lồng ở Mũi Kê Gà
Nhưng có lẽ đẹp hơn cả khi đến hải đăng Mũi Kê Gà là vào lúc mặt trời mọc hoặc khi chiều xuống – mặt trời lặn. Vào thời điểm này, đứng ở chân tháp du khách có cảm giác như sờ được vào mặt trởi đỏ rực đang mọc lên hay lặn xuống biển.
Trong kho nhà công vụ có rất nhiều bình ắc quy và máy phát điện để đảm bảo cho việc thắp sáng liên tục ngọn hải đăng. Người ta cũng đã cho lắp một dàn pin mặt trời vừa để phục vụ thắp đèn vừa phục vụ sinh hoạt cho những người canh tháp.
Vườn thanh long trồng xen dừa ở Tân Thành - Hàm Thuận Nam
Ở phía dưới, sát với chân đảo có một làng chài nhỏ với những lồng nuôi tôm, ghẹ, cua, cá... Du khách có thể ghé vào đây mua hải sản tươi sống để mang về hoặc chế biến và thưởng thức ngay trong lồng lộng gió trời, mênh mang biển khơi cùng tiếng rì rào của sóng biển. Du khách cũng có thể trở lại Khu du lịch Cát Tiên vàng để thưởng thức các loại hải sản và nhất là trái thanh long, xoài Bình Thuận khác xa những vùng khác.
Hải đăng nhìn từ bãi đá Mũi Kê Gà
Đến Bình Thuận, hải đăng Mũi Kê Gà là điểm du lịch hấp dẫn, riêng biệt, nếu bỏ qua thì rất đáng tiếc vì sẽ không có cơ hội trải nghiệm những cảm giác thú vị về một hải đăng cổ kỳ vĩ, một vùng biển hiền hòa, hoang sơ và độc đáo.