Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Muốn ăn gắp bỏ cho người...

 
Một câu chuyện về ứng xử
 
Có một câu chuyện tôi sưu tầm kể rằng, một chàng cư sĩ trẻ đến bái yết vị cao tăng, hai người trò chuyện say sưa suốt cả buổi sáng. Giờ ăn cơm trưa, người giúp việc chuẩn bị hai tô mì, một to một nhỏ, bưng lên. Vị cao tăng nhìn lướt một cái rồi đẩy cái tô to đến trước mặt chàng cư sĩ: “Cậu hãy ăn tô to này vậy!”. Nếu theo lệ thường, chàng cư sĩ này nên đẩy nhường tô mì to đến trước mặt vị cao tăng để tỏ rõ lòng cung kính. Nhưng chàng lại bưng bát mì lên ăn rất tự nhiên. Vị cao tăng nhíu mày, lòng nghĩ: “Vốn tưởng rằng cậu ta huệ căn không tệ, nhưng hóa ra lại không hiểu lễ nghĩa!”.
 
Chàng cư sĩ ăn xong, thấy cao tăng vẫn chưa cầm đũa lên, trên mặt lại có vẻ không vui, bèn cười hỏi: “Sư phụ, cớ sao ngài không ăn?”. Vị cao tăng không nói lời nào, chàng mới chột dạ, bèn cung kính nói: “Tôi thật sự là rất đói rồi, chỉ biết cặm cụi ăn như hổ đói, quả thật có chỗ thất lễ. Tuy vậy, nếu tôi đẩy cái tô mì mà ngài nhường cho tôi về lại trước mặt ngài, đó vốn không phải là bản nguyện của tôi. Nếu như đã không phải là bản nguyện của tôi, thế thì tại sao tôi phải làm như thế chứ? Tôi muốn hỏi sư phụ, mục đích mà ngài nhường tô mì cho tôi là gì đây?”. Vị cao tăng nói: “Dùng bữa”. Chàng cư sĩ liền nghiêm túc thưa: “Nếu như mục đích ngài ăn là dùng bữa, tôi ăn cũng là dùng bữa, hà tất phải kẻ nhường người đẩy! Lẽ nào ngài nhường cái tô mì to cho tôi lại không phải là thật lòng?”.
 
Câu chuyện trên minh chứng rõ một điều, trong cuộc sống, cung kính với bề trên là một biểu hiện của lễ độ, nhưng trong nhiều tình huống cụ thể, việc thể hiện lễ nghĩa tuy quan trọng vẫn chỉ là hình thức bề ngoài, và việc quá câu nệ vào hình thức sẽ khiến người ta quên đi rằng sự thành tâm luôn là gốc rễ của lòng người trong ứng xử. Cho nên, lễ nghĩa cũng đúng mà thẳng thắn, chân thành mới là đạo lý làm người thật sự, càng đúng. Điều này cũng khiến con người ta đôi lúc trở nên lúng túng, giữ được lễ nghĩa thì có khi không thật lòng mình, mà thật lòng mình có khi trở thành vô tâm, vô lễ. Tìm sự hài hòa thật khó trong ứng xử, nhưng dẫu sao thì cuộc sống đòi hỏi chúng ta phải làm cho được điều đó.


 Bữa cơm ngon không chỉ vì thức ăn ngon mà còn phải có sự thoải mái, không gò bó, khách sáo. Ảnh minh họa (Internet)
 
Đạo lý trước hết phải hợp lý 
 
Xưa còn nhỏ, tôi vẫn thường nghe người lớn nói những câu cửa miệng như: “Mồm mời bụng khấn giời đừng ăn”; “Muốn ăn gắp bỏ cho người”... để chỉ hành vi mời rơi mời vãi, mời đãi bôi, mời cho phải phép, nói trắng ra thì đó là thói giả tạo. 
 
Một anh đồng nghiệp của tôi, mỗi khi thấy chị em cơ quan tụ tập ăn uống mà trên mâm thức ăn có vẻ ít, vẫn thường hay hóm hỉnh: Ở quê tôi, nếu nồi cơm đầy thì ăn bao giờ cũng hết, mà nồi cơm ít thì không hết bao giờ đâu đấy! Liệu liệu mà ăn cho phải! Chuyện của anh làm tôi lại nhớ câu: “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng”. 
 
Quả thật, ở nhà tôi xưa cũng thế. Thức ăn nhiều thì mọi người ra sức ăn, thức ăn mà ít thì chẳng ai dám gắp, người nọ nhìn và nhường người kia, y như rằng, kết thúc bữa cơm, ai cũng đứng lên với cái bụng còn đói mà cơm canh lại còn thừa! Và như thế rõ ràng là chúng ta đã không thật lòng ăn theo ý muốn. Việc người ta nhường nhau trong tình huống ấy là một cách ứng xử theo đạo lý, nhưng chưa hợp lý. Nếu chúng ta có thể thẳng thắn, chân thành mà nói với nhau về nhu cầu ăn nhiều, ăn ít của mỗi người, hoặc là thôi thì có ít cùng ăn ít, có nhiều cùng ăn nhiều, chia ra mỗi người một đĩa theo định suất, thì ai cũng sẽ có bữa ăn tạm no mà thực phẩm không bị lãng phí bao giờ. 
 

Ảnh minh họa (Internet)
 
Trong cuộc sống ngày nay, thì tôi thích cách chúng ta nên thẳng thắn, chân thành, không nên giả bộ nhường nhịn khi trong lòng khó chịu, không thoải mái. “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng”, tôi vẫn thường đem răn dạy các con tôi, nhất là mỗi khi nhà có khách đột suất, chưa chuẩn bị kịp nhiều thức ăn, để cả chủ và khách đỡ tẽn tò. Nhưng thực tế, là khách đột suất, chủ nhà mời ăn cơm mà vui vẻ ngồi ăn, thì phải là thân lắm, không còn khách sáo nữa, nên chủ cũng không cần phải giả bộ làm gì, cứ chân thành mà tiếp đãi nhau, để có thể điều chỉnh ứng xử một cách hài hòa. Khách sáo câu nệ để rồi cơm thừa canh ế mà có khi người dọn mâm bưng xuống bếp lại bốc dấm bốc dúi, ăn vội ăn vàng kiểu ăn vụng, thì không hay. Tục ngữ ta cũng đã có câu “Ăn vụng ăn trộm”, “Ăn xó mó niêu” để phê phán điều này.  
 
Cuộc sống luôn phong phú và biến ảo, cái câu “Muốn ăn gắp bỏ cho người” mà dân ta hay dùng, thực tế còn để ẩn ý về những việc khác nữa với ý nghĩa mở rộng, chứ không chỉ là nghĩa đen của chuyện ăn uống. Nhưng dù ẩn ý việc gì đi nữa, thì cũng là để ám chỉ sự vòng vo, giả tạo, thái độ không thật lòng. Và điều đó thật không nên, có khi còn đẩy người ta lâm vào tình cảnh trớ trêu như trong câu chuyện của chàng cư sĩ và vị cao tăng kia đấy!
 
 

Trang Thanh/GĐTE