Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Muốn con thành công, nhất định phải rèn cho trẻ tính tự lập

Nhờ được giáo dục cho tính tự lập từ nhỏ, nên bọn trẻ dù còn ít tuổi đã có thể tự làm được rất nhiều việc trong gia đình.

Người Do Thái được xem là dân tộc thông minh nhất thế giới. Dân số ở Israel ít nhưng có tới 40% tỷ lệ người đoạt giải Nobel. Bí quyết thành công của họ được tiết lộ chính là nhờ việc nuôi dạy con cái. 

Sang Israel làm tu nghiệp sinh từ cuối tháng 7 năm ngoái, Tiến Nguyễn đã học được rất nhiều bài học cuộc sống của người Do Thái. Không chỉ học được những bài học về kiến thức cũng như kĩ năng làm nông mà chàng trai trẻ còn nhận được những bài học quý từ những con người gặp hằng ngày, chẳng hạn như một câu chuyện nhỏ như thế này:

"Hôm nọ tôi có đi nhờ xe 2 mẹ con người Do Thái. Người mẹ trạc tuổi 35, có giọng nói siêu ngọt ngào, da trắng, tóc dài màu vàng cam và rất vui tính. Người con là một cậu bé tầm 2 hoặc 3 tuổi gì đó. Không biết bố nó người da đen hay sao mà thằng cu da ngăm ngăm đen, đôi mắt tròn xoe và có vẻ tinh nghịch, tóc xù xù cũng tròn vo trên đầu như Brook trong "One Piece" vậy, nhìn là thấy hài hước rồi.

Hôm đó tôi đi với bạn cùng phòng. Hai thằng vừa mới nhảy lên xe thì thấy thằng cu ngồi ghế trên quay xuống, nheo mắt cười rồi nháy mắt với tụi tôi, tỏ vẻ rất thân thiện. Tụi tôi như thường lệ, nháy lại liền. Hai bên nháy mắt nhau nổ đom đóm trong xe luôn. Xong thằng cu ngại quá hay sao quay mặt lên, ngồi im thin thít. Đâu được 2 phút sau, nó quay sang hỏi bà mẹ kia gì đó bằng tiếng Hebrew (tiếng Do Thái). Rồi bà mẹ kia chuyển sang tiếng Anh, nói với thằng nhóc kia, "You say, what's your name?". 

Từ chuyện dạy con tự tin giao tiếp trên xe của bà mẹ Do Thái, tu nghiệp sinh Israel kết luận: Muốn con thành công, nhất định phải rèn cho trẻ tính tự lập  - Ảnh 1.

Chân dung tu nghiệp sinh Tiến Nguyễn.

Thằng bé có vẻ rất thích, quay lại nháy mắt phát nữa rồi hỏi tụi tôi y chang mẹ nó bày. Tụi tôi trả lời xong thì nó lại hỏi mẹ nó tiếp, cứ thế những câu hỏi căn bản trong tiếng Anh được thằng cu học từ mẹ và hỏi tụi tui suốt chặng đường đi. Mỗi lần nó hỏi được là mẹ nó lại khen, "Good job!" (Ý là con tuyệt vời lắm). Chuyến đi nhờ thằng nhóc kia mà cũng vui vẻ hơn, hai mẹ con nhìn nhau cười giòn giã suốt nên bọn tôi cũng vui lây. Đến điểm dừng, không quên nói lời tạm biệt, chúc nhau những lời tốt đẹp, thằng nhóc không quên nháy mắt lia lịa với tụi tôi rồi vẫy vẫy tay chào khí thế.

Sau chuyến đi đó, tôi suy nghĩ rất nhiều. Điều gì khiến cho thằng nhóc mới 2, 3 tuổi đã có thể tự tin và vui vẻ như thế. Một phần là tính cách nhưng có khi nào là do cách người mẹ kia giáo dục không? 

Như đã chứng kiến, họ dạy tiếng Anh cho tụi nhỏ ngay từ bé và không hiếm những đứa trẻ song ngữ ở Israel này. Thậm chí ở các thành phố, có những đứa nhóc có thể nói 3 thứ tiếng khác nhau. Họ cũng luôn ghi nhận và khen ngợi ngay khi các bạn ấy làm tốt, "Good job!". Tôi lại nhớ đến một câu nói: "Thay vì để con bạn ôm thiết bị di động, hãy để nó đi gặp và nói chuyện với mọi người, sẽ tăng sự tự tin và khả năng giao tiếp của con, đó là món quà tuyệt vời nhất mà bạn dành cho tuổi thơ của trẻ.""

Một câu chuyện nhỏ như vậy thôi nhưng cũng đã khiến Tiến có những thay đổi trong suy nghĩ về cách giáo dục trẻ. Chàng trai này cũng rất chăm chú quan sát cách dạy con của những bà mẹ Do Thái. Cách giáo dục của các bậc phụ huynh người Do Thái không giống nhiều người, họ để con cái phát triển tự nhiên, tư duy theo chính suy nghĩ của mình mà không bị gò bó, ép buộc từ bất kỳ ai.

Từ chuyện dạy con tự tin giao tiếp trên xe của bà mẹ Do Thái, tu nghiệp sinh Israel kết luận: Muốn con thành công, nhất định phải rèn cho trẻ tính tự lập  - Ảnh 2.

"Một đặc điểm mà tôi quan sát được từ cách dạy con của người Do Thái, đó chính là đề cao tính tự lập cho con. Ở sân thể thao mỗi buổi chiều, không lạ với những hình ảnh các bà mẹ dẫn mấy đứa nhỏ ra chơi, các mẹ thì ngồi tám chuyện, còn tụi nhỏ chơi với nhau cả buổi. Ngã thì tự đứng dậy chơi tiếp, không có mè nheo, cũng không ngại vết bẩn, chơi tới bến. 

Không thấy hình ảnh các bà mẹ cầm roi chạy lon ton theo trông con, rồi cấm cản không cho chơi cái này, không có vọc cái kia... Hay ở các quán cafe ở thành phố, có những đứa nhỏ mới 2 tuổi cũng đã tự ngồi ăn Humos mà không cần sự giúp đỡ của người lớn. (Humos là một món ăn đặc biệt ở Israel). 

Nhờ được giáo dục cho tính tự lập từ nhỏ, nên bọn trẻ dù còn ít tuổi đã có thể tự làm được rất nhiều việc trong gia đình rồi."

Trên đời không có những đứa trẻ không hiểu chuyện, chỉ có những bậc cha mẹ không biết cách giáo dục con cái mà thôi. Các bậc phụ huynh có thể học cách buông tay để trẻ tự mình mở ra bầu trời của riêng chúng.