Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

“Muốn nhân dân tin thì người lãnh đạo phải gương mẫu”

GS Hoàng Chí Bảo cho rằng, muốn nhân dân tin thì người lãnh đạo phải gương mẫu, tận tâm, tận lực vì dân, tận tụy vì công việc.

Sự gương mẫu của Trung ương có tác động rất quan trọng

Hội nghị Trung ương 4 khóa XII đã ra Nghị quyết về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Cùng với việc khẳng định truyền thống và bản chất tốt đẹp của Đảng, Nghị quyết chỉ ra: “Nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có người đứng đầu chưa thể hiện tính tiên phong, gương mẫu, còn biểu hiện quan liêu, cửa quyền, chưa thực sự sâu sát thực tế, cơ sở”. “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước”.

Toàn cảnh Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. 

Nghị quyết cũng nêu rõ, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.

Với nhận định nêu trên, có thể nói Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã dũng cảm nhìn nhận, đánh giá những nguy cơ, khuyết điểm; đồng thời đề ra quyết tâm khắc phục. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh: “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận những khuyết điểm của mình, vạch rõ vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”.

Người đứng đầu một tổ chức phải luôn luôn là người tiêu biểu nhất về đức và tài, khi để xảy ra những yếu kém, lộn xộn, thậm chí gây hậu quả nặng nề thì phải xử lý. Xử lý người đứng đầu phải nghiêm minh thì mới làm gương cho tất cả mọi người. Tuy nhiên, lâu nay chúng ta không xử lý được nhiều, thậm chí yếu kém trong lĩnh vực này do bệnh cả nể, nể nang, dĩ hòa vi quý mà mục đích cuối cùng là để bảo vệ lợi ích của mình không bị va chạm, không bị phiền toái.

Chúng ta chưa gắn trách nhiệm của người đứng đầu với kết quả thực hiện nhiệm vụ, sự kiểm soát, thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là việc phát huy vai trò của người dân trong giám sát, thực hiện chức năng thẩm quyền các cơ quan, đơn vị chưa phát huy tốt.

Có nhiều giải pháp nêu ra nhằm khắc phục những thiếu sót khuyết điểm, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó Nghị quyết của Đảng đã chú trọng hơn trong việc gắn trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu.

Trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 4 khóa XII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nêu rõ: “Muốn Nghị quyết này đi vào cuộc sống, tạo ra chuyển biến rõ rệt thì cả hệ thống chính trị phải vào cuộc. Từng tổ chức Đảng, mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ cấp cao, cán bộ chủ chốt, người đứng đầu các cấp, các ngành phải nhận thức sâu sắc, đầy đủ trách nhiệm của mình trước nhân dân, trước Đảng để tự giác thực hiện. Ở đây, sự gương mẫu của Trung ương là cực kỳ quan trọng, có ý nghĩa quyết định”.

Tổng Bí thư chỉ rõ: “Từng đồng chí Uỷ viên Trung ương, Uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, từng đồng chí đứng đầu cấp uỷ, chính quyền các cấp phải tự giác, gương mẫu thực hiện nghị quyết, nói đi đôi với làm, chỉ đạo quyết liệt với quyết tâm rất cao, sự nỗ lực rất lớn”.

Giáo sư Hoàng Chí Bảo - nguyên Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương cho rằng, sự gương mẫu của Trung ương có tác động rất quan trọng, thậm chí có ý nghĩa quyết định đối với việc thực hiện Nghị quyết chỉnh đốn Đảng lần này, cũng như việc học tập, làm theo Bác về tư tưởng, đạo đức, phong cách.

Phẩm chất và năng lực của người đứng đầu, sự mẫu mực, nêu gương cũng như thái độ kiên quyết đấu tranh của họ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống ở mỗi tổ chức, cơ quan, đơn vị. Gương mẫu của người đứng đầu còn tạo ra động lực để thúc đẩy niềm tin của nhân dân. Dân nhìn vào Đảng, vào Nhà nước thông qua những nhân cách đảng viên, những con người cụ thể, nhất là người đứng đầu. Chính vì vậy, sự gương mẫu rất quan trọng, là minh chứng sinh động để nhân dân tin.

“Muốn nhân dân tin thì người lãnh đạo phải gương mẫu, tận tâm, tận lực vì dân, nghiêm túc, dân chủ, tôn trọng con người, tận tụy vì công việc”, GS Hoàng Chí Bảo nhấn mạnh.

Giáo sư Hoàng Chí Bảo - nguyên Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương (ảnh: Vũ Toàn) 

Không chỉ tạo ra động lực để thúc đẩy niềm tin của nhân dân, GS Hoàng Chí Bảo cho rằng, sự gương mẫu của người đứng đầu và cơ quan lãnh đạo còn tạo ra sung lực, là lý trí, hành động của toàn Đảng.

“Nếu cán bộ không gương mẫu sẽ phản tác dụng, làm cho công việc không triển khai tốt đẹp, gây sức ì lớn, thậm chí làm cho sự suy thoái tiếp tục nặng nề hơn. Bất cứ lúc nào gương mẫu cũng quan trọng, càng trong lúc khó khăn thì gương mẫu càng quan trọng. Đó là nhân tố rất cần thiết cần phải nhấn mạnh đảm bảo việc thực hiện Nghị quyết của Đảng, văn kiện Đảng nói chung đi vào cuộc sống có hiệu quả”, GS Hoàng Chí Bảo nhấn mạnh thêm.

Cần cơ chế đủ mạnh để truy trách nhiệm người đứng đầu

Để chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, ngoài sự nêu gương, theo GS Hoàng Chí Bảo cũng cần có cơ chế đủ mạnh để truy trách nhiệm đến cùng của người đứng đầu nếu để xảy ra sai phạm, khuyết điểm. Theo đó, phải thực hiện nghiêm chỉnh điều lệ, quy định, kỷ luật Đảng và phải công khai trong dư luận. Phải chú trọng bầu không khí dân chủ trong tổ chức, tập thể để tạo áp lực thống nhất, đẩy mạnh việc xử lý đến nơi đến chốn. Phải có sự hỗ trợ của dư luận xã hội, nhất là tiếng nói của người dân giúp các cơ quan lãnh đạo có áp lực để xử lý người đứng đầu tốt hơn, kịp thời hơn, đáp ứng yêu cầu chấn chỉnh tổ chức tốt hơn nữa.

Thực hiện nghiêm lời của Bác: Trừng trị tất cả những kẻ bất liêm bất kể chúng là ai. Quyền càng cao trách nhiệm càng lớn, lợi ích hưởng càng nhiều nghĩa vụ càng nặng. Bác còn phân biệt, đảng viên và người ngoài Đảng cùng mắc lỗi như nhau thì đảng viên phải xử lý nặng gấp 3 lần.  Ở đây, ta học Bác sự quyết liệt, thiết thực, sâu xa là vì dân. Bác nói trừng trị cái ác là để bảo vệ cái thiện mà cái thiện lớn nhất là nhân dân, cái ác là tham nhũng gây tổn hại nhân dân. Nếu làm đúng những chỉ dẫn của Bác thì mới nghiêm chỉnh, kỷ cương phép nước được giữ vững, trong Đảng mới mạnh được.

Sinh thời, Bác Hồ từng căn dặn chúng ta: Một tấm gương sống còn có giá trị hơn hàng trăm bài diễn văn. Và “Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”. Dân nhìn vào cán bộ, đảng viên, công chức, họ đánh giá Đảng và nhà nước của chúng ta. Chính vì vậy, mất niềm tin của nhân dân là mất mát lớn nhất. Có một thực tế là tăng trưởng kinh tế đã khó mà tăng trưởng niềm tin của dân còn khó hơn gấp bội. Có niềm tin thì mới có được sức mạnh vật chất, dân là tất cả, dân mất lòng tin coi như là mất tất cả.

Năm 2016 là năm toàn Đảng bắt đầu triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Thành công của việc ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên phụ thuộc rất lớn vào trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu và sự kiên quyết xử lý trách nhiệm của người đứng đầu nếu địa phương, đơn vị có sai phạm.