Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

  2. Thời sự

“Muốn phát triển kinh tế buộc phải có chiến lược vaccine”

(Dân sinh) - Đây là nhấn mạnh của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung (đại biểu Quốc hội đoàn Thanh Hóa) chiều 22/7, tại phiên thảo luận tại tổ về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế -xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021; Kế hoạch phát triển kinh tế -xã hội 5 năm 2021-2025.

Nhận thức về "mục tiêu kép" phải thay đổi

 Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho rằng, hiện nay, diễn biến dịch bệnh COVID-19 tác động rất lớn mọi mặt đời sống, kinh tế, xã hội của đất nước với tình huống hoàn toàn khác trước đây, phức tạp hơn khó khăn hơn, khó lường hơn, biến chủng Delta với tốc độ lây lan rất nhanh. Việc giãn cách xã hội 19 tỉnh thành phố phía Nam vừa qua cũng phải tính toán kỹ lưỡng. Đến nay, TP HCM gần hết giai đoạn giãn cách nhưng số ca bệnh khó dừng lại, cơ sở y tế quá tải.

“Muốn phát triển kinh tế buộc phải có chiến lược vaccine” - Ảnh 1.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, cần thay đổi nhận thức về "mục tiêu kép". Ảnh: MẠNH DŨNG

Điều đáng nói, COVID-19 không chỉ tấn công địa bàn dân cư mà lo nhất là tấn công và cả những thành trì vững chắc, nơi tăng trưởng kinh tế của cả nước, nơi chiếm đông lực lượng lao động là khu công nghiệp, khu chế xuất. "Sau Bắc Giang, Bắc Ninh nay, COVID-19 tấn công vào khu công nghiệp, khu chế xuất của TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai.... Hiện TP HCM có 1,6 triệu công nhân, Đồng Nai có 1,2 và Bình Dương cũng có khoảng 1,2 triệu công nhân. Chỉ riêng khu công nghiệp ở 3 địa phương này "vỡ trận" thì rất nguy hiểm", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Thời gian vừa qua, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thường vụ Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, bằng mọi giải pháp phòng, chống dịch và thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế. Tuy nhiên, nhận thức về mục tiêu kép phải đổi mới, tư duy phải đổi mới hoàn toàn. Trước đây mục tiêu kép là đồng thời cả 2 việc, nhưng bây giờ không thể có được. Trong hoàn cảnh như ở TP HCM bây giờ chỉ ưu tiên chống dịch hay ưu tiên phát triển kinh tế.

Nhiều địa bàn tưởng chừng bình yên nhưng hiện cũng không được bình yên. Ngành LĐ-TB&XH đang quản lý hàng ngàn cơ sở bảo trợ, Trung tâm cai nghiện ma tuý,… cũng căng mình ra tìm cách chống đỡ. Tuy nhiên, mới đây nhất, Trung tâm cai nghiện Bố Lá (xã Phước Hòa, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương) dịch COVID-19 đã tấn công. Nhiều học viên và cán bộ nhân viên nơi đây dương tính với COVID-19. Số còn lại hiện cũng là F1 vì có tiếp xúc với người nhiễm COVID-19. "Nhận thức về mục tiêu kép bây giờ khác, phải chấp nhận tốc độ phát triển chậm lại, hi sinh một phần kinh tế để mà chống dịch vì an toàn sức khoẻ của người lao động", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Cũng theo Bộ trưởng, phải thẳng thắn nhìn vào thực tế, trong điều kiện hiện nay, muốn phát triển kinh tế tốt thì chỉ có cách sống chung với dịch. Muốn thế buộc phải miễn dịch cộng đồng, do đó buộc phải có chiến lược vaccine. Gần đây nhiều người thắc mắc, tại sao Chính phủ không cho doanh nghiệp mua vắc xin và thực tế Chính phủ chưa bao giờ cấm, Thủ tướng cũng gặp các doanh nghiệp, địa phương có nhu cầu muốn mua và hoan nghênh các doanh nghiệp, địa phương chủ động tìm nguồn cung mu vaccine. Nhưng đến nay, không có doanh nghiệp nào mua được. Tất cả các hãng vắc xin trên thế giới đều đi tới thống nhất với nhau chỉ hợp tác với Chính phủ, hợp tác ở đây là hợp tác không có điều kiện.

Hiện Chính phủ đã đặt mua được 140 triệu liều của các hãng khác nhau, có trường hợp phải vượt luật, bởi sử dụng tình huống cấp bách đặc biệt. Nên nhận thức về vấn đề này cũng có sự khác, mới, hoàn toàn khác.

5 xu hướng mới của thế giới cần biết để tận dụng thời cơ

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, hiện nay thế giới có 5 xu hướng lớn, mà chúng ta phải nắm bắt kịp thời: Đó là khủng hoảng đa chiều, đa diện, đồng thời ba cục khủng hoảng đồng thời đó là iến đổi khí hậu, suy thoái hệ sinh thái và ô nhiễm môi trường mà COVID-19 chỉ là giọt nước tràn ly.

“Muốn phát triển kinh tế buộc phải có chiến lược vaccine” - Ảnh 2.

Các đại biểu Quốc hội Tổ 6 thảo luận chiều 22/7. Ảnh:MẠNH DŨNG.

Xu hướng thứ hai là rạn nứt của hệ thống toàn cầu, mà điển hình là 2 lực kéo hoàn toàn đối lập nhau, xu hướng dẫn tới bảo hộ, thậm chí mở cửa tới mức tối đa.

Thứ ba, xu hướng xói mòn giá trị toàn cầu. Hiến chương Liên hợp quốc, vốn là nền tảng để hợp tác đa phương thì nay bị xói mòn và tác động ngược hoàn toàn.

Thứ tư, xu hướng phát triển mạnh mẽ của công nghệ có tính đột phá, bao gồm: Trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, 5G… Nước nào đi trước thì chiếm lợi thế.

Xu hướng thứ 5 càng những nước nghèo khó khăn càng bộc lộ rõ hơn đó là mất cân bằng trong tăng trưởng, mất cân đối trong phân phối thành quả phát triển kinh tế và xã hội. Trong bài viết nhất của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng viết: "Không chấp nhận hi sinh tiến bộ công bằng xã hội để đổi lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần" và quan điểm này của Tổng Bí thư đã được thế giới và các tổ chức quốc tế đánh giá rất cao.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, trong bối cảnh đó, phải gắn kết cả 3 vấn đề: Đó là, chuyển đổi theo hướng phát triển bền vững, cân bằng và bao trùm và điều này trong Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII đã viết rất rõ. Thứ 2 là Việt Nam tập trung chuyển đổi số và thứ 3 là xu hướng phục hồi xanh.