Ngày 3/9, ông Phạm Bá Điểm, Phó chủ tịch UBND H.Mường Lát (Thanh Hóa) cho biết, mưa lũ những ngày qua đã cuốn trôi 105 nhà dân trên địa bàn. Trong đó, bản Poọng (xã Tam Chung) có 55 nhà bị cuốn trôi, 10 nhà khác bị hư hỏng. Đến ngày 3/9, bản này chỉ còn 24 nhà có thể ở nhưng do thiếu nước uống, lương thực nên người dân phải sơ tán.
Nhà bán trú của học sinh Trường THCS xã Tam Chung (H.Mường Lát) bị bùn đất vùi lấp. ẢNH NGƯỜI DÂN CUNG CẤP
Tại bản Qua (xã Quang Chiểu), lũ cuốn trôi và làm sập 24 ngôi nhà. Các xã Pù Nhi, Trung Lý cũng thiệt hại nặng nề. Chính quyền địa phương đã sơ tán 304 gia đình đến huyện đội, các đồn biên phòng, trường học, UBND H.Mường Lát phải mua bát đũa, xoong nồi và 1 tấn lúa để xay gạo cho người dân nấu cơm ăn. Đến 18 giờ ngày 3/9, H.Mường Lát vẫn bị cô lập, do QL15C và QL15A lên huyện này đều bị sạt lở rất nặng. Đáng chú ý, lương thực ở các trung tâm xã, TT.Mường Lát đang cạn kiệt, trong khi tất cả các tuyến đường lên huyện này chưa thông để cung ứng lương thực dù Sở GTVT đã điều nhiều phương tiện và nhân công để khắc phục.
Tại H.Quan Hóa (Thanh Hóa), các tuyến đường giao thông từ miền xuôi lên đã thông, nhưng 4 nhà dân ở bản Co Me (xã Trung Sơn) bị bùn đất sạt lở từ trên xuống vùi lấp vẫn chưa thể khắc phục. UBND xã Trung Sơn vẫn phải sắp xếp cho các hộ ở nhờ nhà người thân và các hộ dân không bị ảnh hưởng bởi mưa lũ.
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa, đến 16 giờ ngày 3/9, mưa lũ đã làm 9 người chết (H.Mường Lát 4 người; H.Cẩm Thủy 5 người), 3 người mất tích và 2 người bị thương (đều ở H.Mường Lát), 277 nhà bị cuốn trôi, bị đất đá vùi lấp làm thiệt hại hoàn toàn; 239 nhà bị thiệt hại từ 50 - 70%; tổng số nhà bị ngập nước do lũ lụt đã tăng lên 12.550 nhà.
Về nông nghiệp, đã có 1.000 ha lúa bị thiệt hại hoàn toàn; 2.287 ha lúa đang bị ngập có khả năng hư hỏng nếu không được tiêu thoát nước sớm; hơn 3.000 ha cây trồng khác bị ngập, hư hỏng... Tổng cộng cố 151 điểm trên các tuyến đường bị sạt lở, đất đá tràn xuống và ngập nước, tập trung trên các tuyến quốc lộ 15C, 15A, 16, 217, 217B. Đến ngày 3/9, các lực lượng và địa phương mới khắc phục tạm thời được 56 vị trí.
Thủy điện Hòa Bình, Sơn La xả lũ
Trao đổi với Thanh Niên, ông Vũ Văn Luật, Chánh văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lai Châu, cho biết mưa lớn, lũ quét và sạt lở đất từ ngày 1 - 3/9 đã khiến địa phương này thiệt hại nặng nề về tài sản. Trong đêm 2/9, mưa lớn gây sạt lở đất trúng một gia đình tại bản Tà Tổng, xã Tà Tổng, H.Mường Tè khiến 1 cháu bé bị vùi lấp, trưa 3/9 mới tìm thấy thi thể. Tại bản Pa So (TT.Phong Thổ, H.Phong Thổ), anh Chầu A Máu (19 tuổi) bị lũ cuốn đêm 2/9 đến chiều 3/9 vẫn chưa tìm thấy. Mưa lớn và lũ quét đã gây ra nhiều vụ sạt lở đất đá trên các tuyến QL4D, 4H đi các tỉnh Lào Cai, Điện Biên khiến giao thông rất khó khăn. Đến chiều 3/9, nhiều tuyến đường liên tỉnh của Lai Châu vẫn tắc nghẽn, thống kê cho thấy Lai Châu đã thiệt hại 5 tỉ đồng do mưa lũ.
Trong ngày 3/9, Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai đã có công điện yêu cầu Công ty thủy điện Hòa Bình và Công ty thủy điện Sơn La mở cửa xả lũ. Theo đó, bắt đầu từ 13 giờ cùng ngày, hồ thủy điện Sơn La mở 1 cửa xả đáy, hồ thủy điện Hòa Bình cũng mở 1 cửa xả đáy. Mưa lớn những ngày vừa qua ở thượng nguồn hồ thủy điện Sơn La khiến lưu lượng nước về hồ này đang tăng nhanh. Trong khi đó, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, các tỉnh Bắc bộ, đặc biệt là khu Tây Bắc và Việt Bắc còn mưa trên diện rộng đến hết đêm 3/9.