Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

“Mưu sinh” - Hành trình giông bão của người Việt ở nước Nga

“Mưu sinh” - tập bút ký của nhà văn, nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng, vừa được Nhà xuất bản Hà Nội và Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây giới thiệu đến bạn đọc cả nước. Đây được coi như là cuốn nhật ký ghi lại một chặng hành trình đầy giông bão của cộng đồng người Việt nơi miền băng tuyết suốt mấy thập kỷ qua.

Tập ký “Mưu sinh” tập hợp 54 bài viết theo thể loại truyện, ký viết về cuộc sống của cộng đồng người Việt tại nước Nga sau khi Liên bang Xô viết sụp đổ - “một xã hội Việt Nam thu nhỏ ở Liên bang Nga, dạt trôi, co cụm, tồn tại và bắt mầm, bén rễ”.

Đó là một cuộc sống cơ cực, lầm than, nhiều đau khổ, đầy máu và nước mắt mà những người Việt phải gánh chịu, nếm trải trong một xã hội Nga hỗn loạn đầy nhiễu nhương, tiêu cực sau khi Liên Xô sụp đổ.

Bằng ngòi bút chân thực, hướng đến cuộc sống qua cái nhìn âu lo nhưng cũng đầy niềm tin tưởng, tác giả Nguyễn Huy Hoàng viết: "Trong cuốn sách này tôi dành một sự quan tâm thích đáng cho mảng đề tài về cuộc sống Nga, bức chân dung đa dạng về sự biến cải thăng trầm của xã hội...". 

“Mưu sinh” - Hành trình giông bão của người Việt ở nước Nga

Tác giả Nguyễn Huy Hoàng ký tặng sách cho độc giả.

Theo PGS.TS. Tôn Phương Lan, cảm nhận sau khi đọc tập ký “Mưu sinh” là nỗi ám ảnh về những số phận, những mảnh đời bất hạnh, khó khăn, tủi nhục; những cảnh ngộ đôi khi khiến người ta phải bật cười nhưng là cái cười chua xót, cười ra nước mắt.

Là nỗi xúc động bởi thực trạng chân thực, trần trụi về cuộc sống của những người Việt Nam xa xứ. Còn với PGS.TS. Phạm Quang Long - người đồng nghiệp, người bạn hữu gắn bó lâu năm với tác giả, khi đọc tác phẩm “Mưu sinh”, ông như gặp lại cuộc sống trước đây mình đã từng trải qua, từng chứng kiến trong những năm tháng sống tại nước Nga. Ông Long nói:" Cũng một cuộc sống với nhiều thái cực, nhiều đắng cay, tủi nhục nhưng cũng đầy nồng ấm, chân tình, tác giả đã viết về mảnh đất cho anh nhiều thứ và cũng lấy đi của anh rất nhiều, nhưng anh vẫn viết về đó bằng tất cả sự yêu thương; viết về cái xấu, cái ác không bằng sự thù hận mà bằng cái nhìn muốn thay đổi Tác giả dù đứng trên nước Nga, viết về cuộc sống Nga nhưng hình ảnh của Việt Nam, của quê hương, gia đình vẫn luôn đậm nét. Người Việt dù đi bất cứ nơi đâu vẫn luôn hướng về nguồn cội, đó cũng là điều mà nhà văn luôn tâm niệm, gửi gắm trong tác phẩm của mình”.

Có thể nói, ở trang viết nào TS Nguyễn Huy Hoàng cũng cho thấy cái nhìn của người giỏi quan sát, nhạy cảm trước những biến chuyển của cuộc sống, tình người. Trong đó có những bài ký như "Trở về từ địa ngục" khiến người đọc bàng hoàng.

Ở đó, không phải chỉ vì nỗi đau đớn của cô gái bị bán sang Nga mà hết thảy là vì tình cảm bao bọc, cưu mang nhau của người Việt ta ở nước ngoài. Một câu chuyện gai góc nhưng cho thấy sức mạnh tình đồng bào và lòng tin sâu sắc nơi con người.
"Mưu sinh" ngồn ngộn sự kiện, đan cài những hồi ức, cảm xúc...

Nhọc nhằn, gian khó, ám ảnh với những năm tháng mưu sinh nơi xứ người, nhưng hình ảnh về nước Nga, những người phụ nữ Nga đôn hậu vẫn hiện lên trong truyện của Nguyễn Huy Hoàng bằng một tấm lòng yêu mến. Hơn tất cả, ông mang đến người đọc một chút tâm hồn Nga, hương vị Nga cùng với mồ hôi, nước mắt và những nụ cười người Việt.

Nhà thơ, TS Nguyễn Huy Hoàng có hơn 30 năm gắn bó với nước Nga. Ông là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam và từng là cán bộ giảng dạy của khoa Ngữ văn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.

Các tập thơ của ông đã xuất bản trong nước gồm: Ngoảnh lại, Dư âm, Phía bên kia bầu trời… Ông cũng có các tập truyện ký đã xuất bản trong nước như: Matxcova thời mở cửa, Đếm bước cuộc hành trình…