Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Mưu sinh ở làng thanh niên lập nghiệp Sông Chàng

Rời quê hương, mang theo bao ước mơ, hoài bão của tuổi trẻ đi xây dựng kinh tế ở vùng đất mới, vậy nhưng đến nay sau gần 8 năm lập nghiệp, cuộc sống của những hộ dân ở làng thanh niên lập nghiệp Sông Chàng (xã Xuân hòa, huyện Như Xuân, Thanh Hóa) vẫn gặp không ít khó khăn.

 

Đường vào cụm dân cư số 1.

Nơi sự sống nảy mầm

Giới thiệu về làng thanh niên lập nghiệp Sông Chàng, anh Đào Văn Tuyên, Tổng đội trưởng Tổng đội TNXP phát triển kinh tế Thanh Hóa cho biết:  “Làng được khởi công xây dựng từ năm 2008, trên diện tích 600 ha, với tổng vốn hơn 32 tỉ đồng, do Tỉnh đoàn Thanh Hóa làm chủ đầu tư. Đến tháng 7/2015, làng thanh niên lập nghiệp Sông Chàng đổi tên thành Tổng đội TNXP phát triển kinh tế Thanh Hóa.

Dự án được thành lập nhằm động viên, thu hút một bộ phận thanh niên xung phong tình nguyện đến lập nghiệp lâu dài tại vùng dự án. Khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai, lao động và vốn ngân sách hỗ trợ để xây dựng kinh tế hộ gia đình phát triển bền vững, xây dựng khu dân cư mới góp phần phát triển kinh tế - xã hội trong vùng, bảo vệ hành lang đường Hồ Chí Minh và xây dựng tổ chức Đoàn, Hội vững mạnh. Hầu hết các hộ là đoàn viên thanh niên và các gia đình thành viên của dự án về đây lập nghiệp, xây dựng quê hương mới”.

Những cánh đồi hoang đã được cải tạo...

Thành những cánh đồng bạt ngàn xanh tốt.

Gắn bó với quê mới đã hơn 6 năm, anh Trần Quốc Tuấn, cụm dân cư số 3, người quê gốc ở huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) cho biết: “Sau khi giải ngũ, tôi về quê lập gia đình, nhưng hoàn cảnh quá khó khăn, đất đai ít nên vợ chồng tôi quanh năm làm lụng vẫn chẳng đủ ăn. Khi nghe có chương trình về “Làng thanh niên lập nghiệp Sông Chàng”, tôi tình nguyện nộp đơn xin đi xây dựng kinh tế mới". Sau hơn 6 năm lên đây, nhờ sự chịu thương, chịu khó, cuộc sống vợ chồng anh Tuấn đã khấm khá hơn rất nhiều. Anh đã có một ngôi nhà khang trang với đầy đủ tiện nghi.

Chia sẻ về tình yêu với mảnh đất này, anh Tuấn nói: “Dù không sinh ra và lớn lên ở đây nhưng ngôi làng chính là nơi đã mang đến cho tôi cuộc sống mới”. Cũng giống như anh Tuấn, chị Lương Thị Hồng, cụm dân cư số 2, quê ở xã Hóa Quỳ, huyện Như Xuân cho biết: “Năm 2012, gia đình em đăng ký lên lập nghiệp ở làng thanh niên, dù ở gần nhưng cuộc sống ở quê mới những ngày đầu hết sức khăn. Sau khi được cấp 3ha đất để phát triển kinh tế, gia đình em cũng dành 2ha đất để trồng cây ngắn ngày, số đất còn lại em trồng cao su. Thời gian rỗi chờ thu hoạch diện tích cây ngắn ngày vợ chồng em lại tranh thủ đi làm thuê để kiếm thêm thu nhập. Bây giờ về quê mới rồi, cũng mong sao được các cấp chính quyền hỗ trợ, tạo điều kiện để yên tâm phát triển kinh tế, xây dựng quê hương...”.

Không chỉ anh Tuấn, chị Hồng, đến nay làng thanh niên đã có 121 hộ với 292 nhân khẩu, trong đó có nhiều cháu nhỏ được sinh ra và lớn lên tại làng thanh niên – Những chủ nhân tương lai của vùng đất mới đã về đây lập nghiệp ổn định. Sông Chàng hoang vu ngày nào đã cựa mình trở thành vùng đất trù phú với bạt ngàn màu xanh của mía, cao su cùng nhiều loại cây ngắn ngày khác đang tạo nguồn thu đáng kể giúp các gia đình ổn định cuộc sống và từng bước làm giàu trên vùng đất mới.

Còn lắm những gian nan

Thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô, chưa được cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất, khó khăn trong vay vốn ngân hàng để phát triển kinh tế, trẻ em chưa được làm BHYT...vẫn là những rào cản không nhỏ đối với những hộ dân ở làng thanh niên lập nghiệp Sông Chàng.

Cải tạo đất, chăm sóc mía.

Chị Lương Thị Hồng bày tỏ: “Ngoài 400m đất ở và 3 ha đất sản xuất được cấp, toàn bộ kinh phí đầu tư xây dựng nhà cửa gia đình em phải bỏ ra xây dựng. Tuy nhiên, để xây được một ngôi nhà trên phần đất được giao không hề đơn giản. Do địa hình nằm trên triền đồi khá dốc, sau khi nhận đất các hộ dân phải tự bỏ vốn san lấp mặt bằng để xây nhà. Ai nhiều tiền thì xây nhà to, ít vốn thì dựng tạm căn nhà nhỏ để ở. Trước đây làng thanh niên đầu tư cho mỗi cụm 2 - 3 gia đình một bể nước, giếng khoan để sinh hoạt chung, thế nhưng vào mùa khô nguồn nước nhanh chóng cạn kiệt. Thêm vào đó, nguồn nước lại bị nhiễm đá vôi nặng, muốn sử dụng được phải lọc đến 2 - 3 lần. Nước sạch đã không có, đến nay gia đình em cũng chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Thế nên, gia đình muốn vay mượn ngân hàng để đầu tư phát triển kinh tế thì hết sức khó bởi không có tài sản đảm bảo thế chấp. Trẻ em trong làng thì chưa có cháu nào được làm thẻ BHYT, lúc con ốm đau lại phải xin chính quyền xác nhận để đi bệnh viện huyện, tỉnh...”.

Ông Lê Chí Liệu, Chủ tịch UBND xã Xuân Hòa cho biết: “Tại các cuộc họp hội nghị của làng, tiếp xúc cử tri, đại diện các hộ dân đã trình bày ý kiến, nguyện vọng của mình. Tuy nhiên, cái khó là làng thanh niên lập nghiệp Sông Chàng một mặt thuộc địa giới hành chính của xã Xuân Hòa, mặt khác lại do Tổng đội TNXP quản lý. Làng thanh niên vẫn chưa phải là một thôn, chưa đủ các chức danh, bộ máy hoạt động của một thôn được nhà nước công nhận mà chỉ mới có Bí thư chi bộ.

Đến thời điểm hiện tại, cả Làng thanh niên có đến 34 cháu dưới 6 tuổi vẫn chưa được làm thẻ BHYT theo quy định. Do chưa đủ bộ máy hoạt động nên chưa có người xác nhận các giấy tờ, thủ tục để làm các loại giấy tờ, thủ tục như thẻ BHYT, vay vốn ngân hàng, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định... vẫn chưa thể thực hiện được. Các hộ được Tổng đội đứng ra tín chấp vay vốn nhưng số tiền thấp, muốn đảo vốn vay thêm thì không được bởi không có tài sản thế chấp, đất ở chưa được cấp quyền sử dụng, đất nông nghiệp thì lại là đất giao khoán của Tổng đội. Điều này đã gây ra nhiều bất cập, khó khăn cho các hộ dân ở Làng thanh niên.

Một góc cụm dân cư số 2, làng thanh niên lập nghiệp Sông Chàng.

Nói thêm về vấn đề này, anh Đào Văn Tuyên, Tổng đội trưởng Tổng đội TNXP phát triển kinh tế Thanh Hóa cho biết thêm: “Trước đây, dự án làng thanh niên lập nghiệp Sông Chàng thu hút, bố trí được cho 141 hộ gia đình lên lập nghiệp, giải quyết cho gần 300 lao động. Vì vi phạm chủ trương, chính sách, cam kết khi về Làng nên 20 hộ đã bị thu hồi đất. Ngoài ra còn có khoảng gần 20 hộ tranh thủ thời gian nông nhàn đi làm thêm nơi khác.

Trước những kiến nghị của các hộ dân về việc làm thẻ BHYT cho các cháu, Tổng đội cũng đã làm việc với xã, huyện để tạo điều kiện cho các cháu khi ốm đau được nhập viện và hưởng theo đúng chính sách, chế độ. Ngoài ra, để các hộ vay vốn phát triển, Tổng đội phải đứng ra tín chấp với các ngân hàng để các hộ vay vốn với mức từ 30 - 50 triệu đồng. Tuy nhiên để các hộ chủ động vay vốn, vay với số lượng lớn để đầu tư phát triển thì đây vẫn là một bất cập. Tổng đội cũng đã phối hợp với chính quyền xã, rồi họp bàn với các hộ dân, kiến nghị đề xuất lên huyện, lên tỉnh xin chủ trương lập thôn mới “Thanh Niên” và đang chờ tỉnh quyết định. Chúng tôi đã xây dựng dự kiến nguồn nhân sự khi thôn mới “Thanh Niên” được thành lập. Chính quyền xã, rồi Tổng đội sẽ tạo điều kiện thuận lợi hết mức cho các hộ dân về định cư ở đây yên tâm phát triển kinh tế...”.

Đã gần 8 năm trôi qua, mảnh đất Sông Chàng ngày nào đã thay da đổi thịt. Tuy nhiên, những hộ dân tiên phong về định cư, xây dựng phát triển kinh tế nơi đây chỉ thực sự an cư, lạc nghiệp khi được thụ hưởng những chủ trương, chính sách, sự quan tâm một cách trọn vẹn. Hơn lúc nào hết những gia đình trẻ ở làng thanh niên lập nghiệp Sông Chàng cần nhiều hơn nữa sự quan tâm, hỗ trợ có trách nhiệm từ nhiều phía. Có được như vậy, những gia đình trẻ thanh niên nơi đây sẽ thêm vững vàng để xây dựng quê hương trên vùng kinh tế mới.