Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Mỳ chính san chia và đóng gói tràn lan, làm sao để chọn được loại chuẩn?

Ngọc Bích
Ngọc Bích

Trước tình trạng bột ngọt được san chia, đóng gói và lưu thông tràn lan, PGS-TS Nguyễn Thị Lâm chia sẻ một số mẹo đơn giản để người tiêu dùng có thể phát hiện mì chính thật - giả.

Bột ngọt được san chia, đóng gói tràn lan

Theo phản ánh của nhiều người tiêu dùng, đặc biệt là ở TPHCM, ngày càng nhiều sản phẩm bột ngọt được bày bán trên thị trường không ghi rõ thông tin về tên và địa chỉ tổ chức, cá nhân sản xuất ra sản phẩm trước khi đóng gói, cũng như không thấy rõ thông tin về nguồn gốc và xuất xứ. 

Những sản phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng có thể gây nguy hại cho sức khỏe. Đặc biệt, bột ngọt lại là loại gia vị mà chúng ta ăn vào hàng ngày. Vì vậy, người tiêu dùng cần đặc biệt lưu ý khi mua sản phẩm.

Mỳ chính san chia và đóng gói tràn lan, làm sao để chọn được loại chuẩn? - 1
Theo PGS-TS Nguyễn Thị Lâm người tiêu dùng có thể phát hiện mì chính thật - giả dựa vào bao bì phải ghi xuất xứ hàng hóa theo quy định. (Ảnh minh họa: ITN).

Được biết, trong năm 2023, Đội Quản lý thị trường số 2, Cục Quản lý thị trường tỉnh Phú Yên phối hợp Phòng PC08 - Công an tỉnh Phú Yên đã kiểm tra và thu giữ gần 10 tấn bột ngọt trên bao bì in sản xuất bởi Fufeng, nước sản xuất là Trung Quốc. Toàn bộ số bột ngọt trên được in nhãn gốc trên bao bì bằng tiếng nước ngoài, nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam theo quy định của pháp luật.

Ngày 23/10, Đội Quản lý thị trường số 3 Chi cục Quản lý thị trường tỉnh An Giang đã lập biên bản vi phạm hành chính, biên bản tạm giữ và niêm phong toàn bộ hàng hóa vì đã không ghi đầy ghi đủ nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa theo quy định.

Cụ thể, sản phẩm "Bột ngọt SELA" có thông tin trên bao bì ghi là “Sản phẩm của Công ty TNHH một thành viên SELA tím, địa chỉ tại số 64H3 Nguyễn Trường Tộ, phường Bình Khánh, thành phố Long Xuyên. Nơi đóng gói: Địa điểm kinh doanh Thoại Sơn - Công ty TNHH một thành viên SELA tím, tỉnh lộ 943, tổ 14, ấp Hòa Thới, xã Định Thành, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang”. 

Tuy nhiên, qua quan sát trên bao bì sản phẩm này, không tìm thấy thông tin ghi rõ về xuất xứ hàng hóa, cũng như không tìm thấy thông tin tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân sản xuất ra hàng hóa trước khi đóng gói theo quy định. Ngoài ra, cũng không đề thông tin về ngày sản xuất và hạn sử dụng.

Tình trạng bột ngọt được san chia, đóng gói và lưu thông rộng rãi tại các chợ, tạp hóa… cho thấy lỗ hổng trong khâu kiểm soát hàng hóa trên thị trường. Các cơ quan chức năng cần nhanh chóng vào cuộc và xử lý triệt để nhằm đảm bảo an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng, ổn định thị trường và bảo vệ quyền lợi của các nhà sản xuất chân chính.

Cách chọn mì chính chuẩn

Mì chính là loại gia vị không thể thiếu trong bữa ăn của nhiều gia đình, nó giúp cho món ăn trở nên đậm đà, hấp dẫn hơn. Trước tình trạng nhiều nhãn hiệu mì chính đã bị làm giả, làm nhái, trả lời báo chí mới đây, PGS-TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, cho biết: “Người dân không nên sử dụng các loại mì chính, bột ngọt không nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ và hạn sử dụng.

Đây là loại mì chính chưa được kiểm soát về chất lượng, không loại trừ nguy cơ gây hại đến sức khỏe về lâu dài bởi những chất không cho phép có trong sản phẩm này. Người tiêu dùng nên lựa chọn các sản phẩm uy tín, chất lượng và được kiểm tra, chứng nhận của các cơ quan có thẩm quyền”.

PGS-TS Nguyễn Thị Lâm chia sẻ, người tiêu dùng có thể phát hiện mì chính thật - giả nhờ sự quan sát và sử dụng các mẹo đơn giản dưới đây:

Dựa vào bao bì: Mì chính thật có biểu tượng của sản phẩm rõ ràng, màu sắc đỏ tươi, không bị nhòe mực in, bao bì dày dặn và không nhăn. Còn mì chính giả có biểu tượng sản phẩm màu vàng sậm, nhòe, không đọc được chữ bên trong, bao bì cứng, dễ nhăn nheo.

Quy cách đóng gói: Mì chính thật có đường hàn ở các cạnh túi bằng nhau, không nổi bọt và mặt sau dưới đáy bao có in nổi các dòng chữ ngày tháng sản xuất, rất rõ nét. Mì chính giả thường có các đường hàn ở 4 cạnh không đều nhau; mặt sau dưới đáy bao không in hoặc có ngày tháng sản xuất nhưng không rõ nét, khó đọc.

Căn cứ theo cánh mì chính: Mì chính thật có cánh mì to, không gãy. Trong khi đó, mì chính giả thì cánh không đều, gãy vụn và có nhiều bụi trắng.

Dựa vào trọng lượng: Hàng thật có trọng lượng tịnh luôn đúng với trọng lượng ghi trên bao bì. Nếu trọng lượng tịnh ít hơn hoặc gần tương đương với trọng lượng ghi trên bao bì thì chắc chắn đó là mì chính giả.