Báo Der Spiegel (Đức) cho hay, Bộ ngoại giao Mỹ - do ngoại trưởng Mike Pompeo dẫn dắt - yêu cầu đưa cụm từ "virus Vũ Hán" vào văn bản tuyên bố chung của hội nghị G7, với lý do thành phố Trung Quốc này bị Mỹ nghi ngờ là nguồn gốc của virus corona chủng mới (SARS-Cov-2).
"Nội dung mà Bộ ngoại giao [Mỹ] đề xuất là một lằn ranh đỏ," một nhà ngoại giao châu Âu bình luận với đài CNN (Mỹ). "Không thể đồng tình với việc 'gắn nhãn' virus như vậy và cố gắng chuyển tải thông điệp đó."
Dự thảo tuyên bố chung G7 do Mỹ đề xuất còn bao gồm nội dung lên án Trung Quốc liên quan đến tình trạng lây lan của dịch COVID-19 trên toàn cầu.
Dù Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chính thức định danh dịch bệnh là COVID-19 và virus gây bệnh là SARS-Cov-2, dự thảo tuyên bố chung G7 vẫn đưa vào cụm từ "virus Vũ Hán". Theo CNN, do Mỹ đang nắm vai trò chủ tịch của nhóm G7 - bên cạnh các thành viên Anh, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, và Canada - nên nước này có trách nhiệm soạn thảo thông cáo.
Hệ quả của bất đồng giữa Mỹ cùng các thành viên G7 là hội nghị ngoại trưởng trực tuyến ngày 25/3 đã không thể ra được tuyên bố chung. Một số nước thành viên sau đó đã đưa ra các thông cáo của riêng mình.
Thông cáo của Pháp về hội nghị sử dụng cụm từ "đại dịch COVID-19". Trong khi đó, thông cáo chung của các bộ trưởng tài chính G7 nói rằng các bên đã tăng cường điều phối "nhằm ứng phó với tác động toàn cầu về y tế, kinh tế, và tài chính, liên quan đến sự lây lan của dịch bệnh virus corona 2019 (COVID-19)".
Trước đó, tuyên bố chung sau hội nghị truyền hình trực tuyến giữa tổng thống Mỹ Donald Trump cùng các lãnh đạo G7 hôm 16/3 không đề cập đến Trung Quốc.
Chính phủ Trung Quốc hồi tuần qua nhiều lần lên tiếng bác bỏ cáo buộc từ phía Mỹ, cũng như lên án mạnh mẽ việc giới chức chính phủ Mỹ - bao gồm tổng thống Trump - sử dụng các cụm từ "virus Trung Quốc" và "virus Vũ Hán" khi đề cập SARS-Cov-2. Bắc Kinh tuyên bố đây là hành động phân biệt và gây tổn hại đến nỗ lực chung toàn cầu nhằm ngăn chặn dịch COVID-19.
Ông Trump hôm 23/3 nói rằng cộng đồng người Mỹ gốc Á cần được "bảo vệ hoàn toàn" trước nạn tấn công phân biệt đối xử trong thời kỳ dịch COVID-19, bao gồm trước những "ngôn từ thù địch".