Báo dantri đưa tin, Mỹ đã bàn giao cho Việt Nam tàu tuần duyên dài 115 m thuộc lớp Hamilton cho Cảnh sát Biển Việt Nam thông qua Chương trình bán trang bị quốc phòng dư thừa (EDA) của Mỹ năm 2017. Tàu được biên chế vào Cảnh sát biển Việt Nam và đổi tên thành CSB 8020. Mỹ cũng sẽ bán cho Việt Nam 24 xuồng tuần tra Metal Shark, phục vụ hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam.
"Chúng tôi sẽ hợp tác với các cơ quan khác của Chính phủ Mỹ để hỗ trợ xây dựng lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam cũng như năng lực của họ. Vì vậy, đã có một câu chuyện thực sự tích cực với Cảnh sát biển Việt Nam", Đô đốc Schultz cho hay.
Với mong muốn hỗ trợ Việt Nam tăng cường khả năng tuần tra trên biển, bảo vệ chủ quyền, an ninh hàng hải, Mỹ đã bàn giao cho Việt Nam tổng cộng 12 xuồng tuần tra Metal Shark, thể hiện sự hợp tác sâu sắc giữa hai nước trong thực thi pháp luật, tìm kiếm cứu nạn trên biển trong lãnh hải và Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam.
Đô đốc Schultz cũng cho biết, Lực lượng Tuần duyên Mỹ đã được triển khai đến khu vực Thái Bình Dương từ tháng 6, tiến hành các hoạt động quốc phòng và an ninh cùng Bộ Tư lệnh Ấn - Thái Bình Dương ở Biển Đông và biển Hoa Đông.
"Nhiều quốc gia Ấn - Thái Bình Dương thiếu năng lực giám sát vùng biển chủ quyền của họ. Trước hành vi cưỡng chế và đối kháng từ Trung Quốc, Tuần duyên Mỹ đưa ra sự tham gia và hợp tác minh bạch ở cả cấp độ chuyên nghiệp và cá nhân", ông nói, đồng thời cam kết Mỹ sẽ hỗ trợ đào tạo kiến thức chuyên môn phù hợp và hỗ trợ các quốc gia trong khu vực tăng cường năng lực an ninh hàng hải.
Theo VOV, Đô đốc Schultz lấy dẫn chứng cụ thể: "Tôi muốn nói với các bạn rằng chúng tôi đã nhìn thấy những nơi như đá Chữ Thập – nơi đây từng không tồn tại sự sống nhưng đã bị biến thành một hòn đảo nhân tạo và trên đó giờ còn xuất hiện cả cơ sở quân sự. Chúng ta rõ ràng từng nghe thấy lời tuyên bố nói về việc không quân sự hóa trong khu vực và rồi sau đó chúng ta lại nhìn thấy những hành vi hoàn toàn khác".
Đô đốc Schultz cho rằng việc Trung Quốc đi ngược với tuyên bố, tiến hành quân sự hóa Biển Đông là một phần trong tham vọng của nước này mở rộng ảnh hưởng ra toàn cầu.
Theo ông Schultz, Lực lượng Tuần duyên Mỹ đóng góp một phần trong kế hoạch của Chính phủ Mỹ nhằm đưa ra phản ứng cụ thể, tập trung vào việc thúc đẩy một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở dựa trên các quy tắc được luật pháp quốc tế công nhận. Ông Schultz khẳng định, các lực lượng dưới quyền của ông chắc chắn sẽ tiếp tục các hoạt động trong khu vực để đảm bảo mục tiêu này.