Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Mỹ phẩm giả, ẩn họa thật

Theo thống kê của Ban Chỉ đạo 389 về chống buôn lậu và gian lận thương mại: Mỹ phẩm nằm trong nhóm 30 mặt hàng bị làm giả nhiều nhất và có mức độ lưu thông lớn trên thị trường hiện nay...

Loạn mỹ phẩm giả

Liên tiếp các vụ sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm giả được phát hiện và bắt giữ trong thời gian gần đây. Trong tháng 8, lực lượng chức năng TP. Hà Nội đã tiến hành kiểm tra các cửa hàng kinh doanh mỹ phẩm, thu giữ hàng trăm sản phẩm chai sữa dưỡng thể, phấn trang điểm, son môi... có xuất xứ nước ngoài, không có hóa đơn, chứng từ mua hàng. Đáng chú ý, càng là sản phẩm của các hãng nổi tiếng nước ngoài sẽ bị làm giả nhiều. Điều này lý giải vì sao các sản phẩm mỹ phẩm của các hãng danh tiếng thế giới lại được bày bán la liệt trong các cửa hàng, sạp chợ, thậm chí cả trên vỉa hè với giá rẻ đến mức khó tin, từ vài chục đến vài trăm nghìn đồng...

Mới đây, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội đã phát hiện một lượng lớn mỹ phẩm giả mạo, không rõ nguồn gốc tại hàng loạt cơ sở kinh doanh mỹ phẩm, hóa mỹ phẩm Xuân Thủy- một trong những thương hiệu lớn về kinh doanh mỹ phẩm ở Hà Nội, khiến không ít người giật mình lo lắng. Qua kiểm tra 5 cơ sở kinh doanh mỹ phẩm, hóa mỹ phẩm thuộc hệ thống của Cty TNHH Xuân Thủy tại các quận Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Đống Đa, lực lượng quản lý thị trường đã phát hiện và tạm giữ trên 100.000 sản phẩm mỹ phẩm, hóa mỹ phẩm gồm: Dầu gội, son môi, đồ làm tóc, kem dưỡng da... không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, chất lượng của cơ quan quản lý. Chỉ tính riêng 6 tháng năm 2015, lực lượng quản lý thị trường TP.Hồ Chí Minh đã kiểm tra các chợ, trung tâm thương mại, cửa hàng, lập biên bản 121 vụ liên quan đến buôn bán, vận chuyển mỹ phẩm ngoại nhập lậu tịch thu 58.524 sản phẩm, trong đó có các mặt hàng kem thoa mặt, kem dưỡng da, thuốc nhuộm tóc, kem tẩy trắng, sữa rửa mặt, sữa tắm, son môi, dầu gội.

Quản lý thị trường Hà Nội bắt giữ số lượng lớn mỹ phẩm không rõ nguồn gốc.

 

Rước họa vào thân

Theo Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, thời gian qua Hội đã nhận được rất nhiều đơn khiếu nại, đề nghị hỗ trợ về việc sau khi mua các sản phẩm mỹ phẩm trôi nổi trên thị trường về sử dụng bị dị ứng, nổi mẩn đỏ, gây ngứa..., nhưng lại không thể tìm được người bán hàng. Hoặc nếu tìm được cũng rất khó xử lý do mua bán qua mạng online, mạng xã hội mà không có hóa đơn, chứng từ mua bán hay địa chỉ mua hàng rõ ràng.

Ông Vương Ngọc Tuấn, Phó Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho biết, hàng mỹ phẩm được mua bán tràn lan trên thị trường, thậm chí người tiêu dùng có thể dễ dàng đặt mua thông qua mạng xã hội, các trang web bán hàng. Tuy nhiên, đa số người tiêu dùng trong nước lại chưa có nhiều hiểu biết về thành phần cũng như chức năng của các sản phẩm này, đồng thời, quá dễ dãi tin lời quảng cáo qua mạng mà mua hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, hay không có hóa đơn bán hàng...

Viện Da liễu Trung ương cho biết, số lượng người nhập viện điều trị do sử dụng mỹ phẩm giả, mỹ phẩm không rõ nguồn gốc thời gian qua tăng nhanh. TS Phạm Thị Minh Phương, Giám đốc Trung tâm đào tạo-chỉ đạo tuyến của bệnh viện này cho biết, trung bình mỗi ngày có khoảng 1.200 đến 1.500 bệnh nhân đến khám.

Trong số đó, khá nhiều trường hợp bị dị ứng do các sản phẩm mỹ phẩm như kem dưỡng da, kem chăm sóc da hoặc gặp phải những tác dụng phụ do dùng các sản phẩm mỹ phẩm không chính thống. Thường gặp là viêm da dị ứng tiếp xúc. Người bệnh sẽ có triệu chứng như mẩn đỏ, ngứa; mặt bong vẩy, sưng phù, thậm chí là chảy nước. Đối với một số bệnh nhân dị ứng với các thành phần trong mỹ phẩm, triệu chứng của họ có thể là nổi mụn, giãn mạch, tăng sắc tố, giảm sắc tố, mặt loang lổ...

Theo các chuyên gia y tế, hầu hết các loại mỹ phẩm chăm sóc da hay làm đẹp đều chứa đựng từ 15 đến 20 loại hóa chất khác nhau, trong đó có các kim loại nặng không tan, dễ tích tụ ở màng dịch tế bào (như thủy ngân, chì, kẽm, cyanua...). Đáng sợ nhất là những loại “kem tự chế”, “kem gia truyền” được quảng cáo có tác dụng làm trắng da cấp tốc. Các loại kem này thường chứa chất corticoide và thủy ngân, có tác dụng làm da trắng, mịn tức thời. Nồng độ thủy ngân càng cao, pha chế corticoide càng nhiều thì càng có tác dụng nhanh, nhưng nếu sử dụng lâu sẽ xuất hiện các triệu chứng: Mụn đỏ, teo da, rạn da, giãn mạch máu... Trường hợp nhẹ có thể khắc phục sớm được nhưng có một số bệnh nhân da bị tổn thương quá nặng phải điều trị rất lâu và để lại di chứng vĩnh viễn trên gương mặt.    

 

Trước tình hình gian lận thương mại diễn biến phức tạp, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 có Công điện phát động cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả là dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng. Đợt cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả kéo dài đến hết 15/10/2015.