Xác định mục tiêu, huy động tổng lực
Với mục tiêu gắn công tác đào tạo nghề cho LĐNT với chiến lược phát triển kinh tế xã hội của từng quận, huyện, phục vụ yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên cơ sở khai thác thế mạnh của từng địa phương, năm 2015, TP. Hồ Chí Minh đã ban hành hàng loạt các văn bản chỉ đạo điều hành thực hiện Đề án Đào tạo nghề cho LĐNT. Đồng thời, thực hiện nhiều hình thức tuyên truyền, kết hợp với các cơ quan truyền thông báo chí, thường xuyên thông tin và mở ra các chuyên mục về giới thiệu, đào tạo nghề cho LĐNT trên sóng Đài Phát thanh; tổ chức kiểm tra, giám sát công tác đào tạo nghề cho LĐNT tại các quận, huyện với yêu cầu đa dạng hóa các hình thức đào tạo nghề, tạo điều kiện thuận lợi cho LĐNT tham gia học nghề và gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm. Trong năm 2015, TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức 4 lớp tập huấn về năng lực truyền thông, giám sát việc thực hiện đề án đào tạo nghề cho 207 lãnh đạo, cán bộ chuyên trách ở 12 phòng LĐ-TB&XH quận, huyện, 47 phường, thị trấn và 24 cơ sở dạy nghề có đào tạo nghề cho LĐNT
Nhiều phụ nữ nông thôn có thu nhập sau khi học nghề.
Thông qua các văn bản thành phố đã ban hành, các quận, huyện đã triển khai các hoạt động tuyên truyền, đào tạo nghề và tư vấn việc làm đối với LĐNT; hướng dẫn các xã, phường, thị trấn phối hợp với MTTQ và các đoàn thể tuyên truyền sâu rộng về đề án đào tạo nghề cho LĐNT đến năm 2020; vận động người lao động chưa qua đào tạo, người lao động có tay nghề nhưng chưa có chứng nhận nghề tham gia các lớp học và dự thi cấp giấy chứng nhận nghề theo tiêu chuẩn quy định.
Ứng dụng kiến thức học nghề vào sản xuất
Qua công tác tuyên truyền, tư vấn, nhiều địa phương đã huy động số lượt người tham gia học nghề rất lớn. Hội Nông dân huyện Bình Chánh phối hợp với Trung tâm Dạy nghề hỗ trợ tổ chức 12 lớp cho 342 người học về kỹ thuật trồng và chăm sóc mai vàng, cắt tỉa cành, tạo dáng bonsai, nuôi cá cảnh; tổ chức 91 lớp tập huấn khoa học kỹ thuật với 3.896 lượt học viên tham gia về nâng cao kiến thức áp dụng khoa học kỹ thuật và sản xuất theo hướng nông nghiệp đô thị. Qua các lớp dạy nghề và các dự án cho nông dân vay vốn, đã tạo việc làm cho 1511 người trồng rau, trồng mía, trồng mai vàng, hoa lan cây kiểng, chăn nuôi se nhang, nuôi tôm, cá...
Huyện Cần Giờ cũng tổ chức 11 buổi tuyên truyền về học nghề cho 483 lượt lao động. Phối hợp với các trung tâm giới thiệu việc làm, các doanh nghiệp và UBND các xã, thị trấn thông báo tuyển dụng hơn 2.000 vị trí việc làm các nghề điện tử, chế biến thủy, hải sản, may công nghiệp và dịch vụ bảo vệ.
Qua các hoạt động đào tạo, tư vấn dạy nghề cho LĐNT, tại huyện Bình Chánh đã có nhiều mô hình đạt hiệu quả cao, như: Trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap, nuôi cá cảnh, trồng rau trong nhà lưới... Trong khi đó, huyện Cần Giờ thành công với các mô hình: Chế biến thủy hải sản khô, nuôi hàu, nuôi tôm, sản xuất muối trên ruộng trải bạt nhựa... Huyện Củ Chi có mô hình nuôi bò sữa, heo thịt hay tận dụng sản phẩm phụ từ chăn nuôi để nuôi trùn, góp phần tăng thu nhập. Cùng với đó, các địa phương trên địa bàn còn đào tạo nghề theo đơn đặt hàng của Cty, xí nghiệp (như nghề may công nghiệp), đào tạo nghề cho lao động mới tuyển dụng hoặc đào tạo lại cho những lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp, cơ sở may gia công, qua đó LĐNT được tiếp cận công việc thực tế và có thêm thu nhập trong quá trình học nghề. Sau khi hoàn thành khóa học, trên 95% lao động tiếp tục làm việc với mức thu nhập tăng thêm 20%.