Có thể thấy, với những tín hiệu tích cực trong năm 2016 như: mạng lưới trung tâm dịch vụ việc làm giai đoạn 2016 – 2025 đã được triển khai quy hoạch; hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm công, hình thành mạng lưới các doanh nghiệp dịch vụ việc làm được đầu tư phát triển; tăng cường kết nối cung – cầu lao động và hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động; đẩy mạnh cung cấp thông tin thị trường lao động và các hoạt động cung ứng các dịch vụ việc làm... thì thị trường lao động trong năm 2017 hứa hẹn sẽ khởi sắc.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Hồng Lan cho biết, để đạt được các chỉ tiêu trên, trong năm 2017 Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu, thực hiện các giải pháp phát triển thị trường lao động và thực hiện tự do dịch chuyển lao động; nâng cao hiệu quả thị trường lao động, bảo đảm tính thống nhất và linh hoạt của thị trường lao động, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tuyển dụng và sử dụng lao động của doanh nghiệp và cơ hội tiếp cận thị trường của người lao động.
Bên cạnh đó, thực hiện có hiệu quả các chính sách, giải pháp tạo việc làm cho người lao động, chú trọng nâng cao chất lượng việc làm theo hướng bền vững; trong đó, tập trung vào các đối tượng thanh niên, sinh viên tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng, lao động là người khuyết tật, lao động là người dân tộc thiểu số. Hỗ trợ chuyển dịch việc làm khu vực nông thôn theo hướng phi nông nghiệp; nâng cao và cải thiện điều kiện làm việc cho lao động trong khu vực phi chính thức, thúc đẩy chuyển dịch sang khu vực chính thức.
Việc theo dõi, cập nhật thường xuyên thông tin cung - cầu lao động, nhất là số liệu về lao động mất việc làm, thiếu việc làm, nhu cầu tuyển và sử dụng lao động của các doanh nghiệp trên phạm vi cả nước cũng sẽ được chú trọng...
Trong công tác xuất khẩu lao động, Thứ trưởng Đào Hồng Lan cho hay, Bộ xác định tiếp tục mở rộng, phát triển thị trường lao động ngoài nước; triển khai Bản ghi nhớ về Chương trình EPS đã ký với Hàn Quốc; đàm phán, ký kết Thỏa thuận hợp tác lao động với I-xra-en; triển khai Chương trình lao động kết hợp kỳ nghỉ tại Úc… Cùng với đó là tăng cường đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài; quản lý, bảo vệ quyền lợi người lao động; chấn chỉnh hoạt động đưa người lao động sang Đài Loan, Nhật Bản, Ả rập - Xê út; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các giải pháp giảm lao động bất hợp pháp tại Hàn Quốc.
Đáng chú ý, trong công tác dạy nghề, Bộ xác định sẽ tiếp tục các giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nghề, bảo đảm chương trình đào tạo nghề sát thực tiễn, gắn với nhu cầu của doanh nghiệp; tăng cường gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, huy động các doanh nghiệp tham gia dạy nghề; đẩy mạnh xã hội hoá, đa dạng nguồn lực cho phát triển nghề nghiệp. Đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn, gắn đào tạo nghề với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và đáp ứng nhiệm vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Mặt khác, việc xã hội hoá, đa dạng nguồn lực cho phát triển nghề nghiệp cũng sẽ được đẩy mạnh. Phát triển hợp lý, đảm bảo công bằng, cạnh tranh lành mạnh giữa giáo dục nghề nghiệp công lập và giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập trên cơ sở bảo đảm quyền lợi của người học, người sử dụng lao động và cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Huy động sự tham gia của toàn xã hội để tăng nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất và hỗ trợ các hoạt động của cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Theo Thứ trưởng Đào Hồng Lan, cùng với những giải pháp trên thì công tác tuyên truyền, hướng nghiệp nhằm thay đổi nhận thức của xã hội về học nghề, lập nghiệp cũng được tăng cường. Đồng thời hực hiện công tác phân luồng sau trung học cơ sở và trung học phổ thông gắn với giáo dục nghề nghiệp; xây dựng hệ thống dự báo nhu cầu đào tạo nghề chính xác, kịp thời, xác định rõ cơ cấu nghề đào tạo, cơ cấu trình độ nghề theo vùng, miền...
Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH, năm 2016, cả nước tạo việc làm cho khoảng 1.641 nghìn người, đạt 102,5% kế hoạch và tăng 1% so với thực hiện năm 2015; trong đó, tạo việc làm trong nước cho 1,515 triệu người, xuất khẩu lao động trên 126 nghìn người. Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi năm 2016 là 2,3%, trong đó khu vực thành thị là 3,18%; khu vực nông thôn là 1,86%. |