Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Năm 2017: Nhân lực là một trong ba ưu tiên hàng đầu của doanh nghiệp

Các CEO cũng bày tỏ quan ngại về tình trạng thiếu nhân lực có kỹ năng đã tăng hơn gấp đôi sau 20 năm (từ 31% năm 1998 lên 77% năm 2017). Do đó, các CEO nhận định, nhân lực là một trong ba ưu tiên hàng đầu của doanh nghiệp trong năm nay.

Theo Khảo sát CEO Thường niên Toàn cầu lần thứ 20 của Cty chuyên cung cấp dịch vụ tư vấn kế toán, tư vấn tài chính, và thuế hàng đầu thế giới (PwC), 38% các CEO rất lạc quan về triển vọng tăng trưởng của doanh nghiệp mình trong 12 tháng tới; 29% kỳ vọng rằng nền kinh tế toàn cầu sẽ cải thiện trong năm 2017.

 Lạc quan vào tăng trưởng doanh thu

Kết quả khảo sát này vừa được công bố tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos cho thấy: mặc dù các lãnh đạo doanh nghiệp tự tin hơn về triển vọng của doanh nghiệp mình, họ vẫn rất lo lắng về tình hình kinh tế bất ổn định (82% người trả lời), thể chế thắt chặt (80%) và tình trạng thiếu hụt nhân lực có kỹ năng cần thiết (77%).

 

Cuộc khảo sát này có sự tham gia của 1379 CEO đến từ 79 quốc gia thông qua hình thức khảo sát trực tuyến, qua đường bưu điện, hỏi đáp trực tiếp hoặc qua điện thoại. 57% số người trả lời đến từ các doanh nghiệp tư nhân, 43% đến từ các doanh nghiệp niêm yết; 36% làm việc tại các doanh nghiệp có doanh thu hàng năm cao hơn 1 tỷ USD, 38% tại các doanh nghiệp có doanh thu từ 101 đến 999 triệu USD hàng năm, và 21% tại các doanh nghiệp có doanh thu hàng năm thấp hơn 100 triệu USD.

Mặc dù nhận thấy toàn cầu hóa có tác động tích cực đến việc lưu thông dòng vốn, hàng hóa và nhân lực, các CEO cho rằng toàn cầu hóa chưa có tác dụng thu hẹp khoảng cách giàu nghèo hay giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.
Ông Bob Moritz, Chủ tịch toàn cầu của PwC nhận định: “Mặc dù trải qua năm 2016 đầy bất ổn nhưng mức độ lạc quan của các CEO đang trên đà hồi phục, tuy tốc độ còn chậm nhưng những dấu hiệu lạc quan đang nổi lên khắp toàn cầu. Ngay cả tại Anh và Mỹ, dưới tác động của Brexit và kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ thì các CEO vẫn lạc quan hơn về khả năng tăng trưởng của doanh nghiệp so với năm trước. Hưởng ứng quan điểm này, các CEO ở những nước khác cũng đang quan tâm hơn đến việc đầu tư vào Mỹ và Anh so với năm trước”.

Bên cạnh sự lạc quan vào triển vọng tăng trưởng thì các CEO cũng chia sẻ ba mối quan tâm lớn nhất, đó là: Thứ nhất, có được chiến lược hiệu quả về con người và công nghệ nhằm xây dựng một nguồn nhân lực phù hợp cho thời đại kỹ thuật số. Thứ hai, giữ vững niềm tin vào doanh nghiệp trong một thế giới nơi tương tác ảo đang trở nên phổ biến. Và thứ ba, thúc đẩy toàn cầu hóa mang lại lợi ích cho mọi người thông qua hợp tác mạnh mẽ hơn giữa doanh nghiệp và xã hội.

Khác hẳn so với năm 2016, mức độ lạc quan của các CEO về tăng trưởng doanh thu trong năm tới đã tăng ở hầu khắp các nền kinh tế lớn, cao nhất là tại Ấn Độ (71%); Brazil (57%); Australia (43%) và Anh (41%). Mức độ lạc quan cũng tăng, đạt 35% tại Trung Quốc, 39% tại Mỹ, và 31% tại Đức. Đặc biệt, 41% các CEO có kế hoạch mua bán và sáp nhập; Và gần 1/4 các CEO (23%) có dự định củng cố năng lực đổi mới sáng tạo nhằm tận dụng được tốt các cơ hội mới trong năm 2017.

Quan ngại lớn về tình trạng thiếu nhân lực có kỹ năng

Trong 20 năm qua, các CEO đánh giá khá tích cực về đóng góp của toàn cầu hóa đối với việc lưu thông dòng vốn, hàng hóa và nhân lực. Tuy nhiên, những người tham gia khảo sát năm nay hoài nghi về tác dụng của toàn cầu hóa đối với việc giải quyết biến đổi khí hậu hay thu hẹp khoảng cách giàu nghèo.

Cùng với đó, quan ngại về tình trạng thiếu nhân lực có kỹ năng đã tăng hơn gấp đôi sau 20 năm (từ 31% năm 1998 lên 77% năm 2017). Nhân lực là một trong ba ưu tiên hàng đầu của doanh nghiệp. Để giải quyết nhu cầu kỹ năng trong tương lai thì các doanh nghiệp đang đẩy mạnh chiến lược đa dạng và hòa nhập cũng như luân chuyển nhân sự. Nguồn cung nhân lực có kỹ năng là một mối quan tâm của trung bình hơn 3/4 các nhà lãnh đạo doanh nghiệp (77%). Tỷ lệ này cao hơn cả là tại châu Phi (80%) và châu Á- Thái Bình Dương (82%).

Hơn một nửa các CEO có dự định tuyển thêm nhân sự trong 12 tháng (52% năm 2017, cao hơn mức 48% năm 2016). Nhu cầu tuyển dụng sẽ tập trung vào một số lĩnh vực như quản lý tài sản, chăm sóc sức khỏe và công nghệ. Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là 52% các nhà lãnh đạo doanh nghiệp tham gia khảo sát đã bắt đầu tìm cách khai thác lợi ích từ việc kết hợp con người và máy móc; 39% đang chủ động đánh giá tác động của trí tuệ nhân tạo lên nhu cầu kỹ năng trong tương lai.

Theo đó, ông Bob Moritz cho rằng: "Các CEO lo ngại rằng tình trạng thiếu hụt các kỹ năng sẽ kìm hãm sự tăng trưởng và tính bền vững của doanh nghiệp. Và trong đó, kỹ năng mềm chính là những gì họ cần đến nhất. Những kỹ năng về đổi mới sáng tạo và quan hệ ứng xử không thể được đo lường rõ rang”. Vì vậy, ông phân tích, suy cho cùng thì các CEO sẽ cần cân bằng giữa công nghệ và các kỹ năng không thể thay thế nếu muốn phát triển đúng hướng. Quản lý được kỳ vọng của các bên liên quan cũng sẽ giúp các doanh nghiệp có được sự tin tưởng cần thiết để tồn tại và phát triển.

“Nói tóm lại: việc ưu tiên yếu tố con người trong thế giới ảo này sẽ là điều kiện tiên quyết cho thành công trong tương lai”- ông Bob Moritz, Chủ tịch toàn cầu của PwC kết luận.

 

Hơn một nửa các CEO có dự định tuyển thêm nhân sự trong 12 tháng nữa (52% năm 2017; cao hơn mức 48% năm 2016).

Các CEO Anh (63%), Trung Quốc (60%), Ấn Độ (67%) và Canada (64%) có kế hoạch tuyển dụng mạnh mẽ nhất. Xét theo ngành nghề thì các CEO trong lĩnh vực quản lý tài sản (64%), chăm sóc sức khỏe (64%) và công nghệ (59%) có nhu cầu tuyển dụng nhiều nhất, trong khi các lãnh đạo trong các cơ quan chính phủ và ngành dịch vụ công có ít nhu cầu tuyển dụng nhất.