Trước khi diễn ra Hội nghị, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cùng các đại biểu tới đặt vòng hoa, dâng hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại Đài tưởng niệm.
Đây là mục tiêu được Bộ LĐ - TB&XH đặt ra tại Hội nghị triển khai kế hoạch tổ chức kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 -27/7/ 2017) và công tác giải quyết hồ sơ người có công còn tồn đọng tại địa phương, tổ chức ngày 17/2, tại TP. Hải Phòng. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chủ trì hội nghị. Dự Hội nghị còn có ông Huỳnh Văn Tí, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH, Chuyên gia cao cấp của tổ công tác xác nhận hồ sơ người có công tồn đọng của Trung ương; Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hải Phòng Lê Khắc Nam; đại diện Bộ Công An, Bộ Quốc phòng, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Hội Cựu thanh niên xung phong Việt Nam...cùng đại diện các Sở LĐ-TBXH từ Thừa Thiên Huế trở ra và 5 tỉnh, thành phố được chọn làm điểm giải quyết hồ sơ người có công còn tồn đọng.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cùng các đại biểu dâng hương tưởng nhớ các anh hùng, liệt sĩ.
Từ kết quả thí điểm giải quyết hồ sơ tồn đọng
Theo Cục Người có công, bên cạnh việc cơ bản giải quyết đùng và đầy đủ chính sách cho đại bộ phận người có công, hiện tại các các địa phương cũng còn tồn đọng hồ sơ đề nghị xác nhận là người có công với cách mạng.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chủ trì Hội nghị.
Trong các hồ sơ chờ này, chủ yếu đề nghị xác nhận là liệt sỹ, thương binh và người hưởng chính sách như thương binh. Bên cạnh đó, lợi dụng chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước, đã xảy ra tình trạng làm giả hồ sơ để trục lợi, gây ảnh hưởng xấu trong dư luận xã hội, tạo bức xúc đối với những người có công với cách mạng.
Các đại biểu tham dự hội nghị .
Trước tình hình đó, theo sự chỉ đạo của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, năm 2016, Bộ LĐ -TB&XH đã chủ trương thí điểm triển khai xem xét, xác nhận người có công với cách mạng theo quy trình chặt chẽ, công khai, dân chủ, phát huy đúng mức trách nhiệm của các cấp, các ngành.Có 5 tỉnh thành phố được chọn làm điểm gồm: Lai Châu, Bắc Kạn, Thái Bình, Đà Nẵng, Long An. Cuối năm 2016, sau một thời gian thí điểm, đã đề nghị xác nhận 86 trường hợp người có công với cách mạng, bao gồm 75 liệt sỹ thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ và 11 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh thời kỳ chống Mỹ.
“Trong năm 2017, Bộ LĐ - TB&XH sẽ vào cuộc quyết liệt giải quyết cơ bản hon 3.000 hồ sơ người có công còn tồn đọng; đặc biệt xử lý nghiêm minh và thích đáng mọi trường hợp làm giả hồ sơ người có công” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu.
Cũng theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, việc xem xét, xác nhận hồ sơ người có công với cách mạng mang ý nghĩa chính trị sâu sắc. Đó không chỉ là việc thực hiện đúng chính sách của Đảng, Nhà nước, mà còn giải tỏa, mang lại danh dự cho cả một dòng họ, khi người thân của liệt sỹ đã chờ đợi quá lâu... Thực tế việc giải quyết cũng gặp rất nhiều khó khăn, tư liệu, nhân chứng lịch sử không đầy đủ hoặc không còn nên các địa phương đã phải tích cực khai thác tối đa thông tin từ các nguồn khác nhau.
Nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Huỳnh Văn Tí, Tổ trưởng tổ công tác xác nhận hồ sơ người có công tồn đọng của Trung ương, có nơi như Long An phải thu thập thêm thông tin từ Ban Liên lạc tù Phú Quốc hoặc mời tất cả các Bí thư Tỉnh uỷ các thời kỳ cùng với các đồng chí lão thành cách mạng để lắng nghe ý kiến trước khi Ban Chỉ đạo cấp tỉnh họp xét, đề nghị.
Nguyên Thứ trưởng Huỳnh Văn Tí, Tổ trưởng Tổ công tác xác nhận hồ sơ người có công tồn đọng của Trung ương phát biểu.
“ Có những trường hợp hồ sơ còn có những điểm mâu thuẫn hoặc chưa rõ, hoặc thiếu cơ sở vững chắc… đều được các địa phương tổ chức xác minh làm rõ và có kết luận cụ thể theo tinh thần thận trọng, công khai dân chủ trước chi bộ đảng, nhân dân nơi cư trú...”- ông Huỳnh Văn Tí cho biết.
Theo nhận định của Tổ công tác, việc nắm bắt tình hình, theo dõi hồ sơ không chặt chẽ nên có nơi báo cáo số liệu hồ sơ tồn đọng không chính xác; hồ sơ hiện chưa giải quyết lẽ ra phải được xem xét, giải quyết kịp thời theo quy định hiện hành nhưng lại xếp vào hồ sơ tồn đọng; Việc xác lập hồ sơ ở các địa phương nói chung vẫn còn có trường hợp chưa thật chặt chẽ, cơ sở chưa thật vững chắc, thiếu chuẩn xác, chất lượng hồ sơ chưa bảo đảm, vẫn còn biểu hiện tập trung nhiều vào thủ tục hành chính, chưa coi trọng đúng mức đến việc đánh giá các yếu tố thể hiện trong hồ sơ.
Quyết tâm tạo bước đột phá căn bản giải quyết hồ sơ tồn đọng
Thông qua đợt thí điểm giải quyết hồ sơ người có công tồn đọng, một số kinh nghiệm đã được rút ra. Theo đó, với hồ sơ tồn đọng khá lâu, nhiều trường hợp tư liệu và nhân chứng lịch sử không đầy đủ hoặc không còn, có những hồ sơ khá phức tạp, nên cần phải có thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng, xem xét thận trọng, tránh tình trạng chạy theo tiến độ, thiết lập hồ sơ, xét duyệt không chặt chẽ. Quá trình đó, phải bám sát các khâu, các bước theo đúng kế hoạch do Cục Người có công ban hành.
“Đặc biệt, cần coi trọng các bước ở cấp cơ sở xã, phường, thị trấn - đây là khâu hết sức quan trọng, đặc biệt là phải thực hiện tốt khâu công khai, dân chủ, tạo được sự đồng thuận cao của cán bộ, đảng viên và nhân dân, trước hết là các đồng chí lão thành cách mạng, những người đã từng tham gia kháng chiến....”- Bộ trưởng Đào Ngọc Dung lưu ý.
Tại hội nghị, Giám đốc Sở LĐ -TB&XH Quảng Trị Phan Văn Linh cho biết, tỉnh còn số lượng hồ sơ tồn đọng khá lớn, để có hướng giải quyết căn bản, cần xác định hồ sơ tồn đọng theo 2 khía cạnh: Một là, với những hồ sơ đã được lập nhưng do điều chỉnh chính sách, nên chưa được xử lý; thứ hai, với các hồ sơ đã lập nhưng còn thiếu giấy tờ và không còn nhân chứng… đây cũng là quan điểm chung của các đại biểu dự hội nghị băn khoăn. Đại diện Sở LĐ -TB&XH các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Bình, Thái Bình cho rằng, làm rõ khái niệm về hồ sơ tồn đọng sẽ giúp các địa phương có hướng giải quyết chính xác ngay từ đầu.
Phó Cục trưởng Cục Chính sách (Bộ Quốc phòng) Đại tá Nguyễn Xuân Yêm phát biểu tại hội nghị.
Đại tá Nguyễn Xuân Yêm, Phó Cục trưởng Cục Chính sách (Bộ Quốc phòng) thống nhất cao với quan điểm của Bộ LĐ - TB&XH khoanh vùng đối tượng là thương binh và liệt sỹ, để làm điểm “đột phá” giải quyết chính sách trong năm nay. Tuy nhiên, đại tá Yêm cho rằng: “Quá trình thực hiện cần tuân thủ theo đúng các Nghị định, Pháp lệnh ưu đãi Người có công, trên tinh thần mở rộng, linh hoạt, sáng tạo trong cách làm....”
Phó Chủ tịch UBND TP Lê Khắc Nam chia sẻ những cách làm giải quyết hồ sơ tồn đọng.
Thành phố Hải Phòng - địa phương đi đầu trong thực hiện chính sách ưu đãi người có công, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Khắc Nam đã chia sẻ kinh nghiệm trong việc chăm sóc, công nhận người có công theo tinh thần “làm đến đâu, chắc đến đó, không để lọt người có công và càng không để lọt những hồ sơ giả...theo tinh thần công khai từ cơ sở, xã, phường và trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Toàn cảnh hội nghị.
Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị, toàn ngành LĐ - TB&XH cũng như các địa phương, các bộ,, ban, ngành liên quan vào cuộc với quyết tâm chính trị cao nhất. Tập trung xử lý các hồ sơ đề nghị công nhận liệt sỹ, thương binh, trước mắt khoanh vùng vào các hồ sơ thuộc Bộ LĐ - TB&XH và Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đang quản lý. “Những địa phương nào có dưới 10 hồ sơ tồn đọng phải hoàn thành xong trước dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ, địa phương nào có trên 50 hồ sơ cần giải quyết cơ bản trong năm 2017...”- Bộ trưởng Đào Ngọc Dung yêu cầu.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, hiện nay các địa phương đã và đang chuẩn bị tích cực báo cáo cấp ủy, chính quyền ban hành Chỉ thị, Kế hoạch về tổ chức Kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt sỹ. Bộ LĐ -TB&XH cũng đã trình Trung ương Đảng và Chính phủ cho ý kiến về dự thảo Chỉ thị của Ban Bí thư về việc Tiếp tục đẩy mạnh công tác chăm sóc gia đình người có công với cách mạng và Kế hoạch tổ chức cấp Quốc gia Kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ. Đây là sự kiện trọng đại của đất nước trong năm 2017. Theo kế hoạch dự kiến, Lễ kỷ niệm sẽ được tổ chức theo cấp Quốc gia do Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, trực tiếp chủ trì. Bên cạnh đó là các sự kiện: tổ chức 5 điểm cầu truyền hình trực tiếp tại các tỉnh, thành phố như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Quảng Trị…; biểu dương và tri ân 700 đại biểu là người có công toàn quốc; thắp nến tri ân và dâng hương tưởng niệm tại hơn 9.000 nghĩa trang liệt sĩ trên cả nước… |