Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Năm 2019-2020, Việt Nam có luật chuyển đổi giới tính

Sáng 14/12, với sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Bộ Tư pháp tổ chức diễn đàn pháp luật với chủ đề "Bộ luật Dân sự năm 2015 - Các giải pháp hoàn thiện pháp luật và triển khai thi hành".

 

Một điểm mới đáng chú ý, Điều 37 BLDS năm 2015 bổ sung quy định về việc chuyển đổi giới tính, theo đó việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật, cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch, có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của BLDS và luật khác có liên quan. Cạnh đó, điểm e khoản 1 Điều 28 BLDS năm 2015 cũng bổ sung quyền thay đổi tên của người đã chuyển đổi giới tính.


Bộ Tư pháp đề nghị ban hành Luật chuyển đổi giới tính theo đúng kế hoạch.

Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Y tế nghiên cứu, đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về chuyển đổi giới tính. Theo đó, Bộ Y tế đang triển khai xây dựng dự án luật này, dự kiến trình Quốc hội năm 2019-2020.

Bộ Tư pháp cho rằng để việc chuyển đổi giới tính được thực thi trên thực tế, cần xây dựng, ban hành Luật chuyển đổi giới tính theo đúng chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội.

"Trong luật này, cần cụ thể hóa các quyền nhân thân của người chuyển đổi giới tính vào trong luật này để bảo đảm quyền của người chuyển đổi giới tính” - nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng nói.

Một quy định đáng chú ý khác là tòa án không được từ chối giải quyết vụ, việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng. Trong trường hợp này, nếu không có tập quán và không áp dụng được tương tự pháp luật, tòa án được quyền vận dụng nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, án lệ, lẽ công bằng để giải quyết vụ việc dân sự. Nguyên tắc này cũng tiếp tục được khẳng định trong Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

Để bảo đảm thực hiện quy định này, Bộ Tư pháp kiến nghị TAND Tối cao ban hành hướng dẫn để vận dụng giải quyết một quan hệ dân sự cụ thể khi không có điều luật để áp dụng.

“Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao cần có hướng dẫn cụ thể về áp dụng tập quán, tương tự pháp luật, nguyên tắc cơ bản và lẽ công bằng để bảo đảm sự thống nhất trong áp dụng, giải quyết các vụ, việc dân sự trong toàn ngành tòa án cũng như sự thống nhất về nhận thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong giải quyết vụ, việc dân sự” - Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế Nguyễn Thanh Tú nhấn mạnh.