Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Năm 2019, Quảng Ninh tiếp tục chú trọng phát triển nghề công tác xã hội


Truyền thông nâng cao nhận thức của người dân về các dịch vụ trợ giúp xã hội của tỉnh Quảng Ninh.
 

Truyền thông về các hoạt động trợ giúp xã hội

Nhằm nâng cao nhận thức và cung cấp thông tin đến người dân, cộng đồng về các hoạt động trợ giúp xã hội, Sở LĐ-TB&XH Quảng Ninh đã đẩy mạnh công tác truyền thông trên cơ sở phân loại và xác định đối tượng để có nội dung truyền thông cụ thể, với các hình thức truyền thông phù hợp trên báo, đài PTTH địa phương và Trung ương.

Trung tâm CTXH Quảng Ninh (đơn vị được giao triển khai các hoạt động chủ yếu của Đề án 32) đã đăng tải 82 tin, bài lên website của Trung tâm và Cổng thông tin điện tử Quảng Ninh và một số bài viết trên Tạp chí LĐXH, Tạp chí gia đình và trẻ em); tuyên truyền vể “Ngày Công tác xã hội Việt Nam” thông qua hoạt động diễu hành trên các tuyến phố; tổng đài tư vấn miễn phí 18001769 đã tiếp nhận hàng nghìn cuộc gọi với nhiều lĩnh vực, đối tượng khác nhau có nhu cầu tư vấn, cung cấp thông tin đã được đáp ứng.

Tính riêng năm 2019, Trung tâm đã in và cấp phát 35.000 tờ rơi về Câu lạc bộ điếc; 10.000 tờ rơi về trẻ tự kỷ, rối nhiễu tâm trí tới cộng đồng; 28.000 tờ rơi hướng dẫn người khuyết tật đăng ký phần mềm quản lý người khuyết tật và nạn nhân bom mìn để được trợ giúp xã hội. Thay mới và sửa chữa nội dung 04 panô tuyên truyền trên địa bàn huyện Tiên Yên, TP. Cẩm Phả, Hạ Long và thị xã Quảng Yên.

Đối với hoạt động truyền thông trực tiếp tại cộng đồng, Trung tâm đã tổ chức 26 lớp tư vấn, truyền thông về dịch vụ CTXH đang được cung cấp trên địa bàn tỉnh cho hơn 2.000 người dân tại 02 huyện Đầm Hà và Hải Hà. Tổ chức truyền thông, nói chuyện chuyên đề về sức khỏe tâm thần, rối nhiễu tâm trí và các dịch vụ trợ giúp cho 9.600 giáo viên và học sinh tại 40 trường THCS và THPT trên địa bàn huyện Đầm Hà, Tiên Yên và TP. Cẩm Phả.

Ngoài ra, Sở LĐ-TB&XH tỉnh cũng giao cho Trung tâm Bảo trợ xã hội Quảng Ninh thực hiện biên soạn, in và phát hành các tài liệu hướng dẫn kỹ năng kiểm huấn tại các cơ sở trợ giúp xã hội.

Tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng về Công tác xã hội


Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Ninh thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng nghề CTXH cho đội ngũ nhân viên, cộng tác viên CTXH. Năm 2019, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho 60 học viên là cán bộ, nhân viên các đơn vị thuộc Sở; cộng tác viên cấp xã, thôn, khu; tập huấn nâng cao năng lực cho khoảng 360 cán bộ Hội phụ nữ cấp huyện, xã, thôn chuyên đề CTXH với phụ nữ bị buôn bán, phụ nữ nhiễm HIV; tập huấn kỹ năng về CTXH cho hơn 200 cán bộ, viên chức thuộc Sở, cán bộ LĐ-TB&XH cấp huyện, xã.

Mặt khác, Sở LĐ-TB&XH giao cho Trung tâm CTXH Quảng Ninh phối hợp với Phòng LĐ-TB&XH thị xã Quảng Yên tập huấn nâng cao kiến thức kỹ năng cho hơn 200 cán bộ, công chức, viên chức và cộng tác viên CTXH các thôn, khu phố của thị xã Quảng Yên. Trung tâm CTXH cũng phối hợp với Cục Bảo trợ xã hội tổ chức 01 lớp tập huấn nghiệp vụ về hỗ trợ người tâm thần dựa vào cộng đồng cho 100 người là cán bộ thuộc nhóm kỹ thuật dự án chăm sóc sức khỏe tâm thần dựa vào cộng đồng, cán bộ Phòng LĐ-TB&XH cấp huyện, xã và cộng tác viên CTXH cấp thôn, Văn phòng CTXH và cộng tác viên CTXH thuộc 10 phường của TP. Hạ Long và huyện Vân Đồn.

Không chỉ truyền thông về các hoạt động CTXH trong Ngành, Trung tâm CTXH Quảng Ninh còn phối hợp với Phòng GD&ĐT TP. Hạ Long tổ chức 7 lớp tập huấn hướng dẫn phương pháp đánh giá, nhận biết trẻ rối loạn hành vi để can thiệp sớm cho hơn 544 phụ huynh bậc mầm non trên địa bàn TP. Hạ Long.

Phát triển mạng lưới cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội

Năm 2019, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Ninh đã hỗ trợ Trung tâm Bảo trợ xã hội triển khai hoạt động tư vấn, kết nối đối tượng bảo trợ xã hội với thân nhân và địa phương để đưa đối tượng tái hòa nhập cộng đồng; duy trì hoạt động Câu lạc bộ tình nguyện viên CTXH; hỗ trợ Trung tâm CTXH, thường xuyên duy trì hoạt động của Hội đồng tư vấn và tổ chức tư vấn trực tiếp tại Trung tâm; thực hiện chức năng kiểm tra, giám sát đối với hoạt động của văn phòng CTXH các cấp gồm:  04 văn phòng CTXH cấp huyện; 08 Văn phòng cấp xã; 04 Văn phòng trong trường học.

Xây dựng và nhân rộng các mô hình, câu lạc bộ trợ giúp xã hội

Năm 2019, Trung tâm CTXH Quảng Ninh đã phối hợp với các địa phương rà soát việc thực hiện các hoạt động của Mô hình gia đình, cá nhân nhận nuôi trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Khảo sát 180 trẻ em có HCĐBKK và 80 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh về nhu cầu học nghề và tiếp nhận lao động tại Quảng Yên, Đông Triều, Uông Bí;  kết nối, hỗ trợ 12 trẻ em.

trong độ tuổi từ 14-16 được học nghề theo hình thức “cầm tay, chỉ việc” như: May: 3 trẻ; Cắt tóc, gội đầu: 3 trẻ: Sửa điện tử, máy tính: 01trẻ; Sửa chữa điện lạnh: 01trẻ; Pha chế đồ uống và và phục vụ bàn: 01trẻ; Làm vãng mã: 02 trẻ; Khắc bia đá: 01trẻ… Đến nay, đã có 5 em làm việc tại chính cơ sở dạy nghề với mức thu nhập 50.000đ/ngày - 100.000đ/ngày do tính chất của nghề đang học cần đầu tư nhiều thời gian, công sức nên các em vẫn đang theo học tại cơ sở dạy nghề.

Mô hình Câu lạc bộ Tình nguyện viên CTXH với các hoạt động: tổ chức tuyên truyền hưởng ứng ngày CTXH Việt Nam 25/3 lần thứ 3 với chủ đề “Thực hiện hòa nhập và phát triển” nhằm thu hút sự quan tâm của người dân, ban, ngành, đoàn thể và các tổ chức xã hội. CLB cũng đã tổ chức 3 buổi sinh hoạt về chuyên đề: “Tình bạn và tình yêu tuổi học trò”, “Định hướng nghề nghiệp”, “Chia sẻ kỹ năng sống” góp phần nâng cao năng lực cho các thành viên và đa dạng hóa các hoạt động của câu lạc bộ.

Bằng sự quan tâm của tỉnh, sự vào cuộc và nỗ lực của các ngành chức năng, nghề CTXH đang ngày càng trở nên chuyên nghiệp và phát triển, hệ thống chính sách an sinh xã hội từng bước hoàn thiện, bảo đảm trợ giúp kịp thời các nhóm đối tượng yếu thế, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

Trung Nguyễn/GĐ&TE