Công ty CP Công nghệ Tiên Phong vừa đề xuất với Sở GTVT TPHCM đề án thu phí ô tô vào trung tâm. So với trước đây, đề án có nhiều nghiên cứu bổ sung áp dụng công nghệ thu phí hiện đại và mở rộng địa bàn thu phí.
Khu vực thu phí được bao quanh bởi các tuyến đường 3/2, Lê Hồng Phong, Lý Thái Tổ, Nguyễn Văn Cừ, Võ Văn Kiệt, Tôn Đức Thắng, Nguyễn Phúc Nguyên (giao với đường CMT8) và tuyến đường Hoàng Sa dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè.
Theo đơn vị đề xuất, để cho phù hợp với tình hình thực tế, đề án sẽ triển khai trạm thu phí theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 sẽ triển khai vào năm 2019 với 36 cổng thu phí vào khu vực trung tâm thành phố. Một trung tâm điều hành có nhiệm vụ kết nối xử lý thông tin và quản lý các hoạt động thu phí của hệ thống.
Giai đoạn 2 sẽ được triển khai vào năm 2027. Hệ thống thu phí sẽ có 39 cổng thu phí, khi thành phố đã có phương tiện vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn như tuyến metro số 1 đi vào hoạt động.
Theo đơn vị đề xuất, đề án bổ sung thêm trạm thu phí ra vào đường Trường Sơn để góp phần hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông khu vực sân bay Tân Sơn Nhất. Hiện nay, có đến 60-70% ô tô “mượn” đường Trường Sơn chứ không đi vào sân bay.
Do đó, đề án sẽ bổ sung trạm thu phí ở đầu đường Trường Sơn và thu tiền trước. Nếu xe nào vào sân bay thì khi ra cổng kiểm soát sẽ được hoàn tiền. Khi đó, cổng kiểm soát ra sân bay được ứng dụng công nghệ mới nên không gây ùn tắc.
Theo đề án mới, xe ô tô qua đường Trường Sơn phải đóng phí
Về thu phí, đề án lần này còn có điểm mới đáng chú ý là giảm phí vào trung tâm thành phố cho taxi truyền thống.
Thời gian thu phí trong khoảng thời gian từ 6h-17h hàng ngày. Mức phí từ 30.000 đồng đến 50.000 đồng tùy loại xe.
Ngoài ra, đơn vị này cũng đề xuất có xem xét việc áp dụng mức thu phí trong các giờ cao điểm như: 6h-9h và 16h-19h, các khung giờ khác không thu phí. Phương án này có thể áp dụng cho giai đoạn đầu của đề án.
Bên cạnh đó, đề án lần này sẽ sử dụng công nghệ nhận diện vô tuyến (RFID) kết hợp tự động nhận dạng biển số (ANPR) đảm bảo khả năng thu phí đa làn không dừng với công suất 1.800 xe ô tô/giờ/làn, thay vì sử dụng thiết bị OBU như nghiên cứu trước đây. Theo đó, tổng mức đầu tư được điều chỉnh từ 1.200 tỷ đồng lên 1.660 tỷ đồng.
Đánh giá về đề án mới, Giám đốc Sở GTVT TPHCM Bùi Xuân Cường cho rằng mục tiêu dự án không phải để kinh doanh, thu tiền người dân mà nhằm giảm ùn tắc giao thông. Theo ông, đề án thu phí ùn tắc vào nội đô khi triển khai, người dân cần chấp nhận luật chơi, cân nhắc trước khi đi phương tiện vào trung tâm hoặc chọn phương tiện khác.
Ông Cường cũng cho biết, về mặt pháp lý việc thu phí chống ùn tắc chưa có trong quy định. Tuy nhiên, TPHCM đã có kiến nghị lên Trung ương cho phép thành phố áp dụng quy chế đặc thù được triển khai áp dụng việc thu phí này. Kinh phí từ thu phí sẽ do thành phố quản lý.
Ông Cường đề nghị đơn vị đề xuất đề án cần tiếp tục lắng nghe ý kiến đóng góp của các sở, ngành để làm rõ những vấn đề chưa thống nhất. Dự kiến, nếu dự án hoàn chỉnh các thủ tục đúng tiến độ và cấp thẩm quyền thông qua thì có thể triển khai thu phí vào năm 2020.