Năm 2020, dịch bệnh Covid-19 tác động toàn diện đến tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội của Việt Nam và các quốc gia trên thế giới. Một số doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động hoặc thu hẹp quy mô sản xuất, kinh doanh và tạm dừng kế hoạch tuyển dụng lao động cho việc mở rộng quy mô sản xuất, người lao động đang làm việc cũng có nguy cơ mất thu nhập, thiếu việc làm, tạm hoãn hoặc bị chấm dứt hợp đồng lao động, các tác động này không chỉ diễn ra đối với người lao động làm việc trong khu vực chính thức, mà ảnh hưởng đến các hoạt động tạo ra thu nhập đối với người lao động trong khu vực kinh tế phi chính thức.
Do đó, nhu cầu nhân lực năm 2020 giảm so với năm 2019, ở một số ngành như: Du lịch; dệt may; giày da; giáo dục đào tạo; dịch vụ lưu trú, ăn uống; hoạt động thể thao, nghệ thuật, vui chơi và giải trí...
Tuy nhiên, ông Đỗ Thanh Vân - Phó Giám Đốc phụ trách Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM (FALMI) nhận định: Với những điều kiện khách quan về hội nhập kinh tế quốc tế và các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế là điều kiện phát triển thị trường lao động thành phố trong các năm tới, dự báo một số ngành tiếp tục có xu hướng phát triển, thu hút nhân lực như: Điện tử - Công nghệ thông tin, Cơ khí - Tự động hóa, Công nghệ thực phẩm, Logistics, Thương mại điện tử....
Theo ông Vân, nhằm thực hiện "nhiệm vụ kép" vừa ngăn chặn, xử lý tốt tình hình dịch bệnh trên địa bàn, vừa phát triển kinh tế, thị trường lao động những tháng cuối năm 2020 có chuyển biến tích cực, đặc biệt nhu cầu nhân lực các ngành dệt may, giày da; chế biến lương thực, thực phẩm; dịch vụ lưu trú, ăn uống; hoạt động thể thao, nghệ thuật, vui chơi và giải trí đã dần khởi sắc. Nhiều doanh nghiệp tiến hành tuyển dụng lao động phục vụ cho đợt sản xuất cao điểm cuối năm và phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2021.
Theo khảo sát, năm 2020 có 35,59% doanh nghiệp tạm ngừng sản xuất, kinh doanh do ảnh hưởng của dịch Covid-19, trong đó, doanh nghiệp tạm dừng hoạt động dưới 01 tháng (24,92%), từ 1 đến dưới 2 tháng (31,46%), từ 2 đến dưới 3 tháng (20,57%), từ 3 tháng trở lên (23,05%). Nguyên nhân chủ yếu do ảnh hưởng của chính sách giãn cách xã hội (68,72%), không có thị trường tiêu thụ hàng hóa (22,42%), không có nguyên liệu sản xuất (4,43%), các nguyên nhân khác (4,43%).
Đầu năm 2021, nhu cầu nhân lực thành phố đã qua đào tạo chiếm 85,8%. Trong đó, nhu cầu nhân lực có trình độ sơ cấp chiếm 25,21%, trung cấp chiếm 21,3%, cao đẳng chiếm 18%, đại học trở lên chiếm 21,29%.
Cụ thể, nhu cầu nhân lực trong quý 1 cần khoảng từ 70.000 - 75.000 chỗ làm việc, tập trung ở các doanh nghiệp đã và đang hoạt động ổn định sau thời điểm dịch bệnh bùng phát và có nhu cầu phát triển và mở rộng sản xuất, kinh doanh. Phần lớn các doanh nghiệp có nhu cầu nhân lực ở các ngành kinh doanh, thương mại; dịch vụ phục vụ; dệt may, giày da; chế biến thực phẩm; hóa chất, nhựa, cao su; dịch vụ thông tin tư vấn, chăm sóc khách hàng; vận tải, kho bãi, dịch vụ cảng; công nghệ thông tin; du lịch, nhà hàng, khách sạn.
Trong quý 2 và 3, nhu cầu nhân lực chuyển dịch theo hướng gia tăng lao động có trình độ, tay nghề và mỗi quý cần khoảng từ 68.600 - 74.400 chỗ làm việc. Các doanh nghiệp có nhu cầu nhân lực tập trung ở các ngành công nghệ thông tin, điện tử; cơ khí; hóa chất, nhựa, cao su; kiến trúc, kỹ thuật công trình xây dựng; vận tải, kho bãi, dịch vụ cảng; dịch vụ cá nhân, chăm sóc sức khỏe và y tế; kế toán, kiểm toán; tài chính, tín dụng, ngân hàng; kinh doanh tài sản, bất động sản; du lịch, nhà hàng, khách sạn.
Riêng quý 4, phần lớn các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng nguồn nhân lực nhằm đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, phục vụ Tết Nguyên đán và hoàn thành kế hoạch năm. Nhu cầu nhân lực có xu hướng tăng ở lao động thời vụ, làm việc bán thời gian; ở các ngành kinh doanh, thương mại, dịch vụ phục vụ; công nghệ thông tin; cơ khí; vận tải, kho bãi, dịch vụ cảng; dịch vụ thông tin tư vấn, chăm sóc khách hàng; du lịch, nhà hàng, khách sạn… với tổng cầu khoảng từ 71.950 - 77.100 chỗ làm việc.