Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Nắm bắt cơ hội từ Hiệp định thương mại tự do

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập kinh tế quốc tế vừa chủ trì phiên họp thứ nhất của Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập kinh tế quốc tế (gọi tắt là BCĐ). Tham dự phiên họp có Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng, Phó Trưởng ban và các thành viên của BCĐ.

 

*Nỗ lực tiến tới Cộng đồng AEC

Theo đánh giá của BCĐ, năm 2014 là năm sôi động với các cuộc đàm phán Hiệp định thương mại tự do (FTA) quan trọng và sự chuẩn bị khẩn trương việc thực thi Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC). Trong đó, nổi bật nhất là Việt Nam đã đẩy nhanh và cơ bản kết thúc đàm phán 3/6 FTA quan trọng (FTA giữa Việt Nam-Hàn Quốc, Việt Nam-EU, Việt Nam-Liên minh hải quan Nga, Belarus- Kazakhstan).

Trong năm 2015, các Hiệp định này sẽ được hoàn tất một số vấn đề kỹ thuật và thủ tục nội bộ để các bên ký kết trong năm nay. Bên cạnh đó, Việt Nam tích cực phối hợp với các nước thành viên ASEAN để hoàn tất việc hình thành AEC vào cuối năm nay.

Theo đánh giá, mặc dù hạn chế về nguồn lực, Việt Nam là một trong các nước có mức độ thực hiện biện pháp ưu tiên xây dựng AEC cao nhất với tỷ lệ 90% (ngang với Singapore) so với mức bình quân 82,1% của ASEAN.

Tại phiên họp, các ý kiến thành viên BCĐ  bày tỏ cần phải kiện toàn tổ chức về chỉ đạo hội nhập kinh tế quốc tế ở các địa phương khi nhiều nơi chưa quan tâm đúng mức tới ý nghĩa của công việc này.

Trong khi đó, xu hướng triển khai hội nhập kinh tế đang chuyển trọng tâm từ các bộ, ngành tới các địa phương, doanh nghiệp(DN) để có kế hoạch phát triển phù hợp ở cấp vi mô. Một điều quan trọng nữa cũng cần phải đề cập là việc Việt Nam nhập khẩu chủ yếu các hàng hóa trung gian(hàng hóa đầu vào, phục vụ sản xuất) còn quá lớn.

Lắp ráp động cơ tại Cty Toyota Việt NamLắp ráp động cơ tại Cty Toyota Việt Nam

Hiện nay, tỷ lệ nhập khẩu hàng hóa trung gian chiếm khoảng 90% tổng số hàng hóa nhập khẩu, tạo ra lợi thế rất lớn trong việc thúc đẩy sản xuất, cũng như xuất khẩu hàng hóa vì các yếu tố: Thứ nhất, quá trình hội nhập kinh tế thế giới sẽ cho phép các DN trong nước lựa chọn được các hàng hóa đầu vào với giá rẻ do đó sẽ giảm chi phí sản xuất, tăng tính cạnh tranh của hàng hóa trên thị trường quốc tế.

Thứ hai, việc tự do hóa thương mại cũng giúp các DN lựa chọn được các yếu tố đầu vào có chất lượng tốt hơn so với thời kỳ trước khi hội nhập, từ đó thúc đẩy việc sản xuất sản phẩm có chất lượng cao, tăng khả năng cạnh tranh của DN.

Trước kia, khi Việt Nam nhập siêu đã làm lo lắng nhiều nhà hoạch định chính sách cũng như các chuyên gia kinh tế, nhưng thực sự việc nhập siêu hay xuất siêu lại không phải yếu tố cần phải quan tâm.

Vì thực chất nhập siêu của Việt nam là nhập hàng hóa đầu vào là chủ yếu, do đó sẽ tác động đến khả năng xuất khẩu cũng như năng lực sản xuất của nền kinh tế trong dài hạn. Hiện nay, sau một thời gian dài nhập siêu, Việt Nam đã trở thành nước xuất siêu.

*Chủ động nắm bắt cơ hội

Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ không còn  lợi thế về nhân công giá rẻ, bên cạnh đó các DN  nước ngoài có xu hướng chuyển vốn ra các nước khác để đầu tư.  Việt Nam cũng phải đưa mức thuế suất của các mặt hàng về mức 0% như đã cam kết trong thời gian tới. Đặc biệt, việc mở cửa các lĩnh vực dịch vụ tài chính sẽ là thách thức lớn cho các DN.

Vì vậy, để nâng cao năng lực cạnh tranh của các DN theo các chuyên gia, Chính phủ cần giúp DN giảm chi phí sản xuất thông qua việc giảm các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Việc giảm số giờ đăng ký khai thuế, giảm thủ tục khai hải quan sẽ làm giảm chi phí cho việc thuê nhân công, góp phần giảm giá thành sản xuất của DN.

Thêm vào đó, cần xây dựng đội ngũ công nhân có kỹ năng và tay nghề để tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu có mức giá trị gia tăng cao hơn thay thế cho lợi thế nhân công giá rẻ như hiện nay.

Tại cuộc họp, các ý kiến cũng cho rằng cần phải thay đổi cách thức thông tin về các Hiệp định thương mại tự do tới các DN để nắm bắt các cơ hội sản xuất, kinh doanh. Vai trò này, được một số ý kiến cho rằng, thuộc về các hiệp hội ngành nghề, các viện nghiên cứu, trường đại học và sự chủ động tìm hiểu thông tin, nắm bắt cơ hội của DN Việt Nam (nhất là các DN nhỏ và vừa).

Theo đó, DN cần đặt hàng các cơ sở nghiên cứu xác định lợi thế, cơ hội kinh doanh trong lĩnh vực hoạt động của mình để tận dụng lợi ích kinh tế nhiều nhất từ các Hiệp định tự do thương mại.

Kết luận phiên họp, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đánh giá cao sự phối hợp của các bộ, ngành trong việc triển khai công tác hội nhập kinh tế quốc tế trong thời gian qua đã góp phần tăng cường sự chủ động hội nhập của các cơ quan, tổ chức, mở rộng thị trường xuất khẩu, đóng góp cho sự phát triển kinh tế của đất nước.

Để nâng cao hơn nữa hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế trong thời gian tới, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành cần ưu tiên nghiên cứu, đánh giá thực tiễn theo các giai đoạn hội nhập để tham mưu cho BCĐ liên ngành và Chính phủ. Đồng thời, tìm cách nâng cao chất lượng thông tin về hội nhập, để các đối tượng liên quan tiếp cận được nguồn tin và thụ hưởng cơ hội do hội nhập kinh tế quốc tế đem lại.

“Các DN cần chủ động khai thác những lợi ích mà các Hiệp định thương mại tự do mang lại.Với các bộ, ngành cần đề xuất kế hoạch hoạt động trong thời gian tới; nghiên cứu mô hình hoạt động của bộ phận chỉ đạo hội nhập kinh tế quốc tế tại các địa phương để có kế hoạch thực hiện cho phù hợp...”-Phó Thủ tướng nhấn mạnh.