Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Nam Định: 10 năm đào tạo nghề cho trên 23 ngàn lao động nông thôn

(Dân sinh) - Theo báo cáo của Sở NN và PTNT tỉnh Nam Định, qua 10 năm thực hiện đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn (LĐNT) theo Đề án 1956/QĐ-TTg ngày 27-11-2009 của Thủ tướng Chính phủ, tổng số LĐNT của tỉnh được hỗ trợ học nghề nông nghiệp từ năm 2010 đến năm 2020 là 23.082 người, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới ở các địa phương.

Nam Định: 10 năm đào tạo nghề cho trên 23 ngàn lao động nông thôn
 - Ảnh 1.

Dạy nghề trồng nấm rơm cho LĐNT

Trong đó năm 2020 là 1.940 người, bằng 62,5% kế hoạch. Số lao động đã hoàn thành nội dung khóa học và được cấp chứng chỉ đạt 21.132/23.082 người, chiếm 91,6% trong tổng số học viên tham gia học nghề, trong đó có 18.717 học viên là nữ (chiếm 88,6%). Sau đào tạo có 627 lao động (chiếm 3%) được các doanh nghiệp hoặc cơ sở sản xuất, dịch vụ tuyển dụng; 20.505 lao động (chiếm 97%) tự tạo việc làm hoặc vận dụng tốt kiến thức được đào tạo vào thực tiễn sản xuất nông nghiệp, ngành nghề, dịch vụ; tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản để tăng thu nhập; tham gia các nhóm, tổ, đội sản xuất hàng hóa. Nhiều lao động thuộc các hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách sau khi được đào tạo nghề đã có việc làm và thu nhập giúp gia đình thoát nghèo. Thực hiện Đề án 1956/QĐ-TTg, Sở NN và PTNT được giao nhiệm vụ quản lý Nhà nước về đào tạo nghề nông nghiệp cho LĐNT. Hàng năm Sở NN và PTNT chỉ đạo Chi cục Phát triển nông thôn phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan, các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn, điều tra, khảo sát xác định nhu cầu ngành nghề và kinh phí đào tạo để lập kế hoạch đào tạo trình UBND tỉnh phê duyệt, chú trọng đào tạo các nghề phục vụ Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị thu nhập và phát triển bền vững. Trên cơ sở đó tổ chức phân bổ chỉ tiêu, giao nhiệm vụ, ký hợp đồng thực hiện nhiệm vụ dạy nghề với các đơn vị, cơ sở đào tạo nghề; ban hành thông báo mở các lớp dạy nghề. Trong quá trình triển khai các lớp dạy nghề, công tác kiểm tra, giám sát được thực hiện thường xuyên đã kịp thời phát hiện và chấn chỉnh những hạn chế, thiếu sót trong công tác dạy nghề và quản lý dạy nghề của các cơ sở đào tạo, các địa phương.

Tại các địa phương, cùng với việc thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Đề án 1956, hàng năm căn cứ chỉ tiêu được phân bổ, UBND các huyện, thành phố chỉ đạo Phòng NN và PTNT, Phòng Kinh tế lập kế hoạch và tham mưu cho UBND huyện, thành phố ký hợp đồng với các cơ sở đào tạo; đồng thời phối hợp chặt chẽ với UBND các xã, thị trấn điều tra, khảo sát nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn. UBND các xã, thị trấn phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan tích cực triển khai công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề, dự báo việc làm và xác định cụ thể nhu cầu, ngành nghề đào tạo cho LĐNT. Phối hợp chặt chẽ với các cơ sở đào tạo trong công tác tuyển sinh, tổ chức đào tạo, quản lý các lớp dạy nghề và thống kê tình hình lao động có việc làm sau đào tạo. Đồng thời đã thực hiện đúng, đủ các cơ chế, chính sách đối với các đối tượng lao động tham gia học nghề. Hàng năm thống kê đối tượng được hưởng chính sách như: người có công, quân nhân xuất ngũ, người thuộc hộ nghèo, người tàn tật, trẻ mồ côi không nơi lương tựa, người trực tiếp lao động trong các hộ sản xuất nông nghiệp bị thu hồi đất canh tác… trên địa bàn quản lý trong độ tuổi lao động chưa qua đào tạo nghề để xét tuyển vào các khoá học nghề theo quy định.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả đào tạo nghề nông nghiệp cho LĐNT, thời gian tới, Sở NN và PTNT sẽ tập trung rà soát, bổ sung danh mục nghề mới, nhất là nghề nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, quản lý trang trại và định mức hỗ trợ LĐNT học nghề bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tiễn, chất lượng đào tạo. Rà soát xác định nhu cầu của lao động và doanh nghiệp theo từng ngành nghề, làm cơ sở xây dựng kế hoạch đào tạo đảm bảo tính thiết thực, hiệu quả. Kết hợp lồng ghép các mô hình khuyến nông, khuyến ngư, mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với các lớp dạy nghề nhằm tạo điều kiện cho các học viên vừa học vừa vận dụng làm mô hình thực tế. Cập nhật kiến thức để cải tiến nội dung chương trình và chất lượng giáo trình dạy nghề ở tất cả các cơ sở dạy nghề. Đổi mới phương thức dạy nghề, nhất là phương thức tổ chức dạy nghề tại doanh nghiệp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và đáp ứng yêu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. 

Huy động tốt sự tham gia của các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội trong công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề và phổ biến các chế độ, chính sách đối với LĐNT học nghề; xác định rõ nội dung, hình thức tuyên truyền về vai trò, vị trí của công tác đào tạo nghề nông nghiệp nhằm giải quyết việc làm, giúp người lao động xác định rõ việc học nghề vừa là nghĩa vụ vừa là quyền lợi của mình, từ đó chủ động và tích cực tham gia học nghề để có cơ hội việc làm, thu nhập ổn định. Từng bước xã hội hóa công tác dạy nghề; huy động các nguồn lực hỗ trợ từ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nhằm nâng cao chất lượng và thực hiện hiệu quả chương trình dạy nghề. Thực hiện tốt chính sách đối với giáo viên đào tạo nghề, cán bộ quản lý và chính sách đối với cơ sở dạy nghề. Hàng năm tổ chức đào tạo bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng sư phạm cho đội ngũ giáo viên dạy nghề, cũng như tăng cường năng lực cho các cơ sở đào tạo nghề. Áp dụng và triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách hiện hành của Nhà nước như: chính sách cho thuê đất, vay vốn tín dụng… nhằm tạo điều kiện và hỗ trợ tích cực người lao động vận dụng kiến thức sau khi học nghề vào phát triển sản xuất, kinh doanh làm giàu cho bản thân, gia đình, xã hội.