Luật Phòng, chống mua bán người vừa được Quốc hội thông qua, góp phần tạo cơ sở pháp lý quan trọng trong công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý tội phạm mua bán người trong giai đoạn tới.
Nhiều nam giới bị cưỡng bức lao động
Thời gian gần đây, tội phạm mua bán người có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi, đối tượng nạn nhân cũng mở rộng không chỉ còn là phụ nữ, trẻ em mà cả nam giới, trẻ sơ sinh, bào thai, nội tạng… Ngày càng có nhiều vụ mua bán người trong nước bị phát hiện gây bất an, lo lắng trong nhân dân.
Về vấn đề này, tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, đề cập đến nhiều vấn đề thực tiễn, đại biểu Quốc hội có nêu tình trạng nam giới là nạn nhân của tội phạm mua bán người có xu hướng tăng.
Đại biểu Phạm Đình Thanh (đoàn Kon Tum) cho biết, thời gian trước đây, hoạt động mua bán người xảy ra chủ yếu ở đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn, nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế. Tuy nhiên, gần đây, ở nhiều vùng khác, tình hình mua bán người xảy ra rất nghiêm trọng và phức tạp.
"Nạn nhân của mua bán người trước đây chủ yếu là phụ nữ và trẻ em gái, tuy nhiên, những năm gần đây có nhiều nạn nhân là nam giới trong độ tuổi thanh, thiếu niên.
Với thủ đoạn lừa việc nhẹ lương cao, đối tượng mua bán người đã đưa nhiều nam giới trong độ tuổi thanh, thiếu niên qua biên giới, nhất là sang Campuchia để cưỡng bức lao động, cưỡng đoạt tài sản", đại biểu Phạm Đình Thanh nêu.
Bên cạnh đó, các nạn nhân bị tội phạm mua bán người sử dụng vào mục đích vô nhân đạo khác như buộc nạn nhân phải đi ăn xin. Ngoài lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng thì người khuyết tật cũng có nguy cơ cao trở thành nạn nhân của các đối tượng mua bán người.
Nhân rộng các mô hình hỗ trợ nạn nhân bị mua bán
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ, 6 tháng đầu năm 2024, cả nước xảy ra 98 vụ án mua, bán người, 234 đối tượng liên quan đến hành vi mua, bán người. Số vụ mua, bán người được phát hiện, khởi tố mới tăng 21,2% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong thời gian tới, trước tình hình phức tạp của tội phạm mua bán người, các cấp, các ngành tại các địa phương tăng cường phối hợp chặt chẽ, thực hiện tốt quy chế phối hợp trong công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán; đẩy mạnh các hoạt động về phòng ngừa và phòng, chống tội phạm ma túy, mại dâm, mua bán người gắn với thực hiện chương trình an sinh xã hội trên địa bàn các địa phương.
Song song, lực lượng công an tiếp tục làm tốt công tác quản lý địa bàn, quản lý nhân khẩu, kiểm tra đăng ký tạm trú, lưu trú, kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ như khách sạn, nhà trọ, hộ gia đình, khu vực dân cư phức tạp, trung tâm lao động, khu công nghiệp, trung tâm giới thiệu việc làm… nhằm kịp thời phát hiện và ngăn chặn xử lý các hành vi liên quan đến mua bán người.
Ngành LĐ-TB&XH cập nhật, trao đổi thông tin kịp thời và phối hợp với các đơn vị có liên quan tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trên địa bàn; phối hợp với trung tâm trợ giúp pháp lý chủ động liên hệ, tiếp cận và thực hiện trợ giúp pháp lý cho nạn nhân khi cần thiết. Cùng với đó, chỉ đạo trung tâm hỗ trợ xã hội đảm bảo cơ sở vật chất, thực hiện đầy đủ các chế độ hỗ trợ theo quy định nhằm nâng cao hiệu quả công tác tiếp nhận, hỗ trợ cho nạn nhân bị mua bán.
Tiếp tục duy trì và phát huy hiệu quả hoạt động của các câu lạc bộ, đội nhóm tại các cơ sở như Lá chắn, Đồng cảm, Câu lạc bộ Gia đình phòng, chống tệ nạn xã hội, Tổ tư vấn cộng đồng… để tư vấn, hỗ trợ pháp lý về các vấn đề xã hội, nhất là liên quan đến phụ nữ và trẻ em gái nhằm nâng cao nhận thức về hôn nhân có yếu tố nước ngoài và phòng, chống mua bán người.
Nhân rộng các mô hình hỗ trợ nạn nhân bị mua bán hòa nhập cộng đồng, tạo điều kiện để nạn nhân bị mua bán được tham gia các chương trình hỗ trợ vay vốn ở địa phương, tạo việc làm để nạn nhân và gia đình ổn định cuộc sống, phòng ngừa bị tái mua bán.
Thời gian qua, việc điều tra, truy tố, xét xử các vụ án mua bán người được lực lượng chức năng tích cực triển khai thực hiện, nhiều đường dây mua bán người ra nước ngoài, nội địa được triệt phá và đưa ra xét xử nghiêm minh trước pháp luật (6 tháng đầu năm 2024, lực lượng chức năng đã phát hiện, điều tra 98 vụ, 234 đối tượng; xác định 246 nạn nhân; trong đó tỉnh Lào Cai phát hiện, điều tra 1 vụ, 3 đối tượng lừa 6 nạn nhân sang Lào).
Cùng với đó, việc xác minh, xác định, giải cứu, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán được thực hiện nhanh chóng, bảo đảm quyền của nạn nhân (6 tháng đầu năm, các cơ quan chức năng đã tiếp nhận, xác minh, giải cứu, hỗ trợ là 11 nạn nhân, đưa về nước 9 nạn nhân).
Hợp tác quốc tế tiếp tục được các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh thực hiện với nhiều hoạt động hợp tác song phương, đa phương, mang lại hiệu quả thiết thực được các nước, tổ chức quốc tế đánh giá tích cực, nhìn nhận khách quan hơn, thể hiện qua việc Việt Nam được nâng lên nhóm 2 trong báo cáo đánh giá tình hình mua bán người trên thế giới của Hoa Kỳ.