Theo đó, Tổng cục Dự trữ Nhà nước cũng yêu cầu các Cục Dự trữ Nhà nước khu vực phối hợp với UBND tỉnh và các đơn vị được UBND tỉnh giao nhiệm vụ tiếp nhận, phân phối, sử dụng gạo thực hiện kiểm tra công tác phân phối, bảo quản, sử dụng gạo dự trữ quốc gia được hỗ trợ. Đồng thời, tăng cường bảo đảm gạo dự trữ quốc gia được hỗ trợ đủ số lượng, chất lượng và đúng đối tượng thụ hưởng, đóng góp kịp thời giúp các em học sinh nghèo vùng cao đến trường có đủ lương thực, thực phẩm.
Từ năm 2013, Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Tài chính, đặc biệt là Tổng cục Dự trữ Nhà nước thực hiện nhiệm vụ cấp gạo từ nguồn dự trữ quốc gia để hỗ trợ cho học sinh. Cùng với các chính sách hỗ trợ khác, chính sách hỗ trợ trực tiếp bằng gạo đã tạo điều kiện thuận lợi, giúp tăng số lượng học sinh đến trường.
Cụ thể: Năm học 2015-2016 có 547.000 học sinh (được hỗ trợ 72.327 tấn gạo); năm học 2016-2017 có 491.000 học sinh (hỗ trợ 64.944 tấn gạo); năm học 2017-2018 có 519.000 học sinh (hỗ trợ 67.415 tấn gạo); năm học 2018-2019 dự kiến hỗ trợ cho khoảng 530.000 học sinh với 71.000 tấn gạo.
Ngoài ra, hàng năm, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đều giao nhiệm vụ cho các Cục Dự trữ Nhà nước khu vực phối hợp với các sở, ban, ngành để thống kê số lượng học sinh, xác định số lượng gạo hỗ trợ trong thời gian 9 tháng của năm học. Trên cơ sở đó, gửi về Bộ Tài chính để ban hành quyết định xuất cấp gạo trước thời điểm ngày 31/7 hàng năm, giúp các địa phương có kế hoạch phân bổ và tiếp nhận gạo.
Theo Minh Châu/baodansinh