Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Nạn cát tặc trên sông Hồng: “Lợi nhuận và thế giới ngầm”

Đang đưa chúng tôi khảo sát trên sông, bỗng nhiên anh Lâm, người lái thuyền làm hiệu im lặng và đột ngột bẻ lái khiến những người trên xuồng cảm thấy rất căng thẳng. Rồi bỗng chốc đâu đó vọng lại tiếng ca-nô vút nhanh rào rào trên mặt nước. “Các-lốt (ca-nô) của bọn thu tiền tài nguyên”, ý nói những người bảo kê cát tặc mà người dân nơi đây thường gọi - anh Lâm giải thích trong khi vội vã đưa chiếc xuống đơn sơ của chúng tôi lại gần toán người nhất có thể.

Bài 1: Những người đi thu phí tài nguyên

 

Ngoạm nát lòng sông

Xuất hiện chưa bao lâu trên quãng sông Hồng rộng lớn, nhưng những người đi “thu phí tài nguyên” trên sông đã gieo rắc nỗi kinh hoàng nơi họ đi qua. Họ lướt đến rất nhanh và đi cũng rất vội vã… các tỉnh mà những người này đi qua là Hưng Yên, Hà Nam, Thái Bình, Nam Định...

Nhận trách nhiệm "hoa tiêu" cho chúng tôi trong suốt cuộc hành trình “đi tìm câu trả lời về nạn bảo kê cát tặc trên sông Hồng, đoạn chảy qua địa phận Thái Bình, Hà Nam, cách ngã ba giao cắt sông Trà Lý chừng 10 km ngược về thượng nguồn, để tận mắt chứng kiến những gì khủng khiếp đang diễn ra nơi đây là anh Trần Văn Lâm (tên nhân vật đã được thay đổi), 33 tuổi, người địa phương. Chỉ tay về phía Hà Nam, nơi có những tảng đất to như cánh phản sụp bủm xuống lòng sông sâu, tạo thành những hõm nước xoáy tít theo chiều thẳng đứng, anh Lâm xót xa: “Con sông đáng phải bên lở bên bồi, nhưng từ đận tàu cát về hoành hành thì cả hai bên đều chỉ lở, dân tình mất đất canh tác khổ trăm bề nhưng kêu trời chẳng thấu”.

Trên sông Hồng đoạn qua địa phận xã Độc Lập, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình (đối diện bên kia là huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam), đập vào mắt chúng tôi là cảnh khai thác cát hối hả một cách công khai, lộ liễu. Hàng chục con tàu hút cỡ lớn với đầy đủ vòi ống, máy móc… đua nhau "dàn trận" trên khúc sông, những con tàu lúc nào cũng như sẵn sàng ngoạm nát lòng sông vì lợi nhuận.

Cảnh khai thác cát trái phép trên sông Hồng

Bên những “mỏ cát” là tiếng máy nổ chát chúa đến đinh tai nhức óc, cùng với mùi dầu máy khó chịu loam lỡ trên sông khiến cho khu vực khai thác cát như một ma trận. Suốt chiều dài nhiều cây số của khúc sông rộng lớn, chúng rầm rập thò vòi hút để làm đầy khoang chứa bằng những mẻ cát lớn đang chìm sâu dưới đáy nước lạnh lẽo…

Chầm chậm rời thoi đất để dịch chuyển ra giữa dòng, bỗng người đàn ông làm hiệu im lặng và đột ngột bẻ lái khiến những người trên xuồng cảm như bị hẫng. Tôi nép mình vào vách gỗ, thấy từ xa vọng lại tiếng ca-nô máy, vút nhanh rào rào trên mặt nước khiến chúng tôi căng thẳng đến tột độ. “Các-lốt (ca-nô) của bọn thu tiền tài nguyên”, anh Lâm giải thích nhanh trong khi vội vã đưa chiếc xuống đơn sơ của chúng tôi lại gần toán người nhất có thể.

Rồi 4 người đàn ông tướng tá hung tợn trong trang phục trắng, đầu đội mũ cối và đang điều khiển một chiếc ca-nô cũng màu trắng, rẽ nước tiến nhanh về phía các tàu cát. Sau khi áp mạn chiếc tàu gần nhất, cả 4 người cùng phốc lên tàu rồi mất hút trong khoang lái.

Những chiếc ca nô đi “thu phí tài nguyên”

Theo lời anh Lâm, việc thu phí công khai trên sông xuất hiện không lâu. Họ thậm chí còn lấy danh nghĩa công ty, cung cấp cả hóa đơn mua bán khiến không ít chủ tàu ban đầu lầm tưởng việc mua bán là hợp pháp. Tuy nhiên, đến khi nhận ra sự thật thì đã chẳng còn cơ hội để chối từ nữa. “Sự phản kháng không diễn ra bởi ai cũng hiểu hậu quả sẽ thế nào.Trên thực tế, đây chỉ là một đám bảo kê cát tặc kiểu mới không hơn không kém”, anh Lâm nói trong giận giữ.

Hàng ngày, họ lượn lờ trên mấy chục km sông Hồng đoạn đi qua tam tỉnh Hà Nam, Thái Bình và Nam Định và ép tất cả những tàu thuyền có nhu cầu hút cát phải đóng “phí tài nguyên”như thể đây là ao nhà của chúng vậy. “Mua tài nguyên” hay “đóng phí tài nguyên” là việc đi mua quyền hút cát trên khúc sông (mỏ cát) từ đơn vị được cấp phép. Cụ thể, chủ tàu sẽ đóng một khoản phí (từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng tùy tải trọng tàu), để được hút cát. Bên cạnh đó, chủ mỏ sẽ có trách nhiệm cung cấp đầy đủ giấy tờ về nguồn gốc hợp pháp của tài nguyên vừa được mang đi - Anh Lâm giải thích,

Có sự cố xảy ra cứ gọi… sẽ được giải quyết êm thấm!

Có lẽ chuyện “đóng phế” để hút cát trên khúc sông này đã trở thành “luật bất thành văn” bấy lâu nay, thế nên trong giới khai thác cát ai cũng ngao ngán khi nhắc đến nhóm người này. Là một trong những người có thâm niên làm cát, anh Nguyễn Văn Tú (36 tuổi) bức xú: “Chúng tôi chỉ muốn được mua cát từ những mỏ được cấp phép nên khi thấy ở đây có giấy tờ đầy đủ thì an tâm lắm. Đến khi phát hiện ra vấn đề, muốn rút đi mua ở mỏ khác thì không được nữa, bởi cả khúc sông này đâu đâu cũng có người của họ rồi”.

Để cho mọi việc thuận lợi, vị thuyền trưởng quyết định tách đám đông tàu cát đang neo đậu, xuôi thêm vài km nữa xuống khu vực hạ lưu (thuộc địa bàn xã Hồng Lý, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình), nơi chắc chắn không có một mỏ cát nào được cấp phép rồi quyết định dừng lại ở đó. Một chiếc tàu tải trọng 180 tấn với đầy đủ trang thiết bị ghi phát trên khoang lái đã được điều đi từ Hà Nội vào ban đêm, đến tờ mờ sáng thì lặng lẽ tới địa điểm tập kết. Chiếc xuồng nhỏ của anh Lâm đưa chúng tôi lên tàu nhập hòa cùng vào đoàn thủy thủ.

Không nằm ngoài dự đoán, mặc dù nằm trên khúc sông vắng với chất lượng cát rất thấp, nhưng chỉ sau chừng 30 phút tiến hành neo đậu và thả vòi xuống vờ như hút cát, “những chiếc ca-nô ngay tức thì xuất hiện. Bốn người đàn ông trên chiếc ca nô liền áp vào mạn tàu của chúng tôi. Sau phút ngó nghiêng để nắm bắt cớ sự, những kẻ lạ mặt lùa người có trách nhiệm vào khoang lái rồi đặt thẳng vấn đề… nộp phí. Điều đó được giải thích rằng chỉ cần nộp đủ tiền, thì chiếc tàu của chúng tôi cứ việc lấy đầy tàu và chở đi đâu thì tùy, và dĩ nhiên việc mua bán này được bảo vệ (?!).

Trước những vặn hỏi được đặt ra, một người đàn ông chừng 30 tuổi, tự nhận là Cường, khẳng định việc thu phí tài nguyên của nhóm là đúng pháp luật bởi khúc sông này họ đang quản lý. “Chúng tôi ở công ty Phúc Lợi Hà Nội, công ty Phú Hiệp Phát là công ty con, chi nhánh Thái Bình thực hiện thi công dự án nạo vét qua đoạn sông này”, người tên Cường nói nhanh. Mức phí sau đó được đưa ra là 700 nghìn đồng/ lần hút và do là lần đầu nên “khuyến mại” còn 300 nghìn đồng.

Tránh những xung đột không cần thiết có thể xảy ra, chúng tôi đồng ý đóng khoản phí bị yêu cầu và nhận về một tờ hóa đơn ghi là Phiếu chung chuyển, liên 2, không có bất cứ dòng đề cập về khoản tiền nói trên.

Các đối tượng lạ mặt (đội mũ cối) xưng là ở công ty Phúc Lợi Hà Nội và "ép tàu" phải mua "phí tài nguyên".

Để làm cho không khí trên khoang lái bớt căng thẳng, người tên Cường sau khi hoàn tất nhiệm vụ thì tuyên bố: “Các anh cứ nhớ cái con các-lốt trắng này nhé. Chúng tôi ở bên nạo vét của Bộ Giao thông Vận tải – Cục Đường thủy, còn cái con các-lốt đỏ kia chỉ là bảo kê cát tặc vớ vẩn thôi, nên bây giờ chúng tôi ra rồi không bảo kê được các anh đâu. Tôi nói nhanh vì các anh mới đến…”

Đoạn, nhóm người khoe khoang về các mối quan hệ rồi cung cấp thêm số điện thoại của những người liên quan, đồng thời dặn dò rằng có sự cố xảy ra thì cứ gọi và sẽ được giải quyết êm thấm…

Khi đám người rời thuyền, tôi liếc nhìn tờ hóa đơn vừa được nhóm người xé ra, nhìn tên công ty Phúc Lợi Hà Nội và sững sờ nhận thấy những gì đang diễn ra ở chính công ty này…

(Còn nữa}

Bài 2: Đơn vị bị tố ‘bảo kê cho cát tặc” nói gì?