Hội thảo được tổ chức theo hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến với sự tham gia của khoảng 600 đại biểu là các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia giáo dục, giáo viên, nhà nghiên cứu đến từ những bên liên quan chính chịu trách nhiệm về English Language Teaching (ELT) từ khu vực ASEAN; đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), các trường đại học, cơ sở giáo dục,…
Phát biểu tại hội thảo, GS.TS Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho biết: Hội thảo là diễn đàn để chia sẻ kinh nghiệm và kết quả nghiên cứu liên quan đến việc dạy và học tiếng Anh ở các nước ASEAN; từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi các phương pháp, ý tưởng và cách tiếp cận sáng tạo trong việc dạy và học tiếng Anh. Đồng thời, giải quyết các thách thức cũng như cơ hội đối với việc dạy và học tiếng Anh trong khu vực ASEAN và xác định các chiến lược để nâng cao chất lượng giảng dạy tiếng Anh.
GS.TS Lê Anh Vinh nhấn mạnh: Việc học hỏi, trao đổi ý tưởng, chia sẻ kinh nghiệm và thực tiễn sẽ giúp chúng ta xây dựng sự hiểu biết lẫn nhau, tạo dựng quan hệ đối tác giữa các nước trong khu vực. Bởi trong bối cảnh năng động này, những nỗ lực chung của chúng ta nhằm cải thiện việc dạy và học tiếng Anh là rất quan trọng cho sự thịnh vượng của ASEAN.
Chia sẻ về tầm quan trọng của tiếng Anh, bà Nguyễn Thị Mai Hữu, Giám đốc Đề án Ngoại ngữ Quốc gia, Bộ GD&ĐT khẳng định: Tiếng Anh là ngôn ngữ lưu trữ nguồn tri thức khổng lồ nhất của nhân loại, là ngôn ngữ phổ biến nhất trong học tập, nghiên cứu và làm việc. Năng lực tiếng Anh thật sự tạo ưu thế vượt trội cho người sử dụng trong cuộc sống. Vì vậy, hội thảo này chính là diễn đàn chuyên môn uy tín, nơi các các chuyên gia, giáo viên có thể chia sẻ và học hỏi những thực tiễn và kinh nghiệm tốt nhất về ELT, đặc biệt là về hoạch định chính sách, kết nối tốt các nước ASEAN bởi mối quan tâm chung của là giảng dạy tiếng Anh.
Chương trình hội thảo sẽ được triển khai trong 2 ngày với nhiều hình thức gồm: các phiên họp toàn thể, các phiên song song, thuyết trình và thảo luận nhóm. Nội dung hội thảo tập trung vào các chủ đề: Các tiếp cận sáng tạo trong ELT; Công nghệ và ELT; Chương trình giảng dạy và đánh giá ELT; Phát triển chuyên môn cho giảng viên ELT; Tiếng Anh chuyên ngành (ESP) ở các nước ASEAN; Tiếng Anh như một phương tiện giảng dạy (EMI) trong giáo dục đại học; Giáo dục Công dân Toàn cầu (GCED) trong lớp học tiếng Anh; Nghiên cứu và đổi mới ELT.