Tọa đàm do Bộ GD&ĐT phối hợp với Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức, nhằm phân tích, đánh giá những kết quả đạt được và những tồn tại trong hoạt động giáo dục kỹ năng sống, công tác Đoàn - Hội - Đội và phối hợp giữa nhà trường - gia đình - xã hội trong nhà trường. Từ đó, tiếp tục đưa ra các giải pháp đồng bộ triển khai hiệu quả các hoạt động trong thời gian tới.
Tại tọa đàm, các đại biểu đã phân tích thực trạng và đề xuất những giải pháp thiết thực nhằm nâng cao hiệu quả công tác giáo dục kỹ năng sống cho học sinh trong trường học. Đồng thời, trao đổi, thảo luận để xây dựng, hoàn thiện các quy định, hướng dẫn triển khai công tác giáo dục kỹ năng sống cho học sinh trong trường học nhằm đáp ứng yêu cầu phát triên toàn diện năng lực của học sinh, phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông mới và xu hướng hội nhập hiện nay.
Đối với công tác phối hợp Đoàn, Hội, Đội, các ý kiến đã đánh giá những kết quả đạt được và những hạn chế tồn tại trong công tác phối hợp giữa ngành Giáo dục và Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Từ đó, đưa ra các giải pháp để nâng cao chất lượng của hoạt động Đoàn, Hội, Đội, cũng như giải pháp cho công tác phối hợp giữa ngành Giáo dục và Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trong những năm tiếp theo.
Về sự phối hợp giữa nhà trường - gia đình - xã hội, các ý kiến thống nhất: để giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên đạt kết quả cao nhất thì cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường - gia đình - xã hội. Tuy nhiên, hiện nay, ở một số địa phương mối quan hệ phối hợp này chưa được quan tâm đúng mức và phát huy hiệu quả. Một bộ phận cha mẹ học sinh chưa tôn trọng các biện pháp giáo dục của cơ sở giáo dục, vẫn còn tâm lý “khoán trắng” con em cho nhà trường, thầy cô.
Một số ý kiến cho rằng, cần phải xác định rõ ràng vai trò của gia đình và gắn chặt hơn trong công tác giáo dục học sinh. Cùng với đó, phương pháp và công tác phối hợp trong giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh cần thay đổi để phù hợp với sự phát triển của công nghệ, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số.
Phát biểu tại tọa đàm, Thứ trưởng Ngô Thị Minh nhấn mạnh, công tác giáo dục đạo đức, lối sống kỹ năng sống cho thế hệ trẻ luôn được Đảng, Nhà nước, gia đình, nhà trường và xã hội quan tâm. Trong những năm qua, nhiều chủ trương, chính sách về giáo dục và đào tạo và giáo dục đạo đức, lối sống kỹ năng sống cho thanh, thiếu niên đã được ban hành và triển khai mang lại hiệu quả hiệu quả.
Thứ trưởng lưu ý, việc giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, công tác Đoàn, Hội, Đội và phối hợp nhà trường - gia đình - xã hội trong thời gian tới cần có sự tham gia, phối hợp chặt chẽ giữa Bộ GD&ĐT, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, các Sở GD&ĐT, các tỉnh, thành Đoàn và các chuyên gia, các nhà trường và các bậc cha mẹ học sinh.
Để nâng cao hiệu quả công tác giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, công tác Đoàn, Hội, Đội và phối hợp nhà trường - gia đình - xã hội, các nhà trường cần tập trung nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lý, giáo viên, phụ huynh, học sinh và các lực lượng khác trong nhà trường; cần xây dựng kế hoạch hoạt động cũng như phối hợp cụ thể theo từng năm học. Ngoài ra, để giáo dục kỹ năng sống thực sự có hiệu quả và đạt chất lượng cần phải tăng cường cơ sở vật chất, cải thiện điều kiện làm việc, cơ chế chính sách cho đội ngũ cán bộ giáo viên, tổng phụ trách Đoàn, Đội.
Thứ trưởng đề nghị, trong thời gian tới cần tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý, giáo viên, phụ huynh và học sinh về giáo dục kỹ năng sống, công tác Đoàn, Hội, Đội và phối hợp nhà trường - gia đình - xã hội trong trường học. Trong đó, chú trọng công tác tập huấn, nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ quản lý, giáo viên tổng phụ trách Đoàn, Đội trong các cơ sở giáo dục. Tổ chức biên soạn tài liệu hướng dẫn và thí điểm triển khai, nhân rộng mô hình công tác Đoàn, Hội trong trường học.