Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và hiệu quả của hệ thống an sinh xã hội

Đó là một trong những nhiệm vụ mà ngành LĐ-TB&XH đặt ra trong năm 2017. Dù trước mắt còn rất nhiều khó khăn nhưng Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung khẳng định: Năm 2017, cán bộ viên chức toàn ngành LĐ-TB&XH với tinh thần chủ động, sáng tạo và hiệu quả, sẽ nỗ lực phấn đấu hơn nữa để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ.

 

Mục tiêu  ngành LĐ-TB&XH đặt ra trong năm 2017 là tiếp tục nâng cao chất lượng, huy động và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực phục vụ công cuộc xây dựng, phát triển đất nước; Cải thiện, nâng cao đời sống người có công; Bảo đảm an sinh xã hội; mở rộng đối tượng và nâng cao hiệu quả của hệ thống an sinh xã hội đến mọi người dân; trợ giúp có hiệu quả cho các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương hoặc gặp rủi ro trong cuộc sống; nâng cao khả năng tự đảm bảo an sinh xã hội của người dân, góp phần giữ vững ổn định chính trị và trật tự, an toàn xã hội.
Trong đó sẽ tập trung vào những nhiệm vụ cụ thể sau:
Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về lao động, người có công và xã hội, tập trung thực hiện Chương trình hành động của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Nghị quyết của Quốc hội và Chương trình hành động của Chính phủ về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020; tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 – 2020; rà soát, sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động; tiếp tục xây dựng, trình ban hành văn bản hướng dẫn Luật an toàn, vệ sinh lao động, Luật trẻ em; nghiên cứu, xây dựng Luật người có công. 
Rà soát, đánh giá các chính sách an sinh xã hội để đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành chính sách mới thay thế cho phù hợp. 
Tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển thị trường lao động, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tuyển dụng và sử dụng lao động của doanh nghiệp và cơ hội tiếp cận thị trường của người lao động. Thực hiện có hiệu quả các chính sách, giải pháp tạo việc làm cho người lao động, chú trọng nâng cao chất lượng việc làm theo hướng bền vững; trong đó, tập trung vào các đối tượng thanh niên, sinh viên tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng, lao động là người khuyết tật, lao động là người dân tộc thiểu số. Qua đó theo dõi, cập nhật thường xuyên thông tin cung - cầu lao động; nâng cao chất lượng và đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm của hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm; tăng tần suất, nâng cao hiệu quả tổ chức sàn giao dịch việc làm tại địa phương. 

Nâng cao hiệu quả của sàn giao dịch việc làm là một trong những nhiệm vụ đặt ra trong năm 2017 

Mở rộng, phát triển thị trường lao động ngoài nước để đảm bảo số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài có trình độ đáp ứng yêu cầu, có tăng hơn; phát triển thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản; đàm phán, ký kết Thỏa thuận hợp tác lao động với  I-xra-en; triển khai Chương trình lao động kết hợp kỳ nghỉ tại Úc… Tăng cường đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài; quản lý, bảo vệ quyền lợi người lao động; chấn chỉnh hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Tiếp tục hoàn thiện chính sách tiền lương theo nguyên tắc thị trường gắn với tăng năng suất lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh. Chủ động theo dõi, nắm bắt, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan xử lý kịp thời các tranh chấp lao động nhằm giảm thiểu các vụ đình công, lãn công của người lao động. Thực hiện các giải pháp mở rộng diện tham gia và nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội; nghiên cứu, điều chỉnh mức đóng, hưởng hợp lý, bảo đảm hài hòa lợi ích của người lao động, người sử dụng lao động. Tăng cường sự phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội ở các cấp trong việc thực hiện chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. Chú trọng cơ chế phòng ngừa, khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, người lao động tham gia cải thiện điều kiện và môi trường lao động giảm thiểu tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về an toàn lao động, vệ sinh lao động, kịp thời phát hiện và xử lý sai phạm, vi phạm về an toàn, vệ sinh lao động.
Hoàn thiện hệ thống quản lý nhà nước các cấp về giáo dục nghề nghiệp; xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đổi mới và phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2016 - 2020. Rà soát, quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. 
Tiếp tục các giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, bảo đảm chương trình đào tạo sát thực tiễn, gắn với nhu cầu của doanh nghiệp. Đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn, gắn với quy hoạch xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và đáp ứng nhiệm vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Tăng cường công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và trung học phổ thông gắn với giáo dục nghề nghiệp.
Hoàn thiện hệ thống chính sách ưu đãi người có công: Thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách đã ban hành cho đối tượng người có công. Tiếp tục thực hiện thí điểm chi trả trợ cấp ưu đãi người có công qua bưu điện tại  Quảng Nam, Đồng Nai và mở rộng thực hiện tại Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Đắc Nông, Bắc Cạn. 
Tập trung, rà soát số liệu thống kê đối tượng thanh niên xung phong, chất độc hoá học. Giải quyết cơ bản hồ sơ đang còn tồn đọng về xác nhận, công nhận người có công theo quy trình tính chất cá biệt đã được thí điểm tại 5 tỉnh. Đẩy mạnh tiến độ thực hiện “Đề án Xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin”; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan triển khai có hiệu quả Đề án “Hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở”.
Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 70 năm ngày thương binh, liệt sỹ... với tinh thần là năm Đền ơn đáp nghĩa, tri ân của cả nước đối với thế hệ những người đã ngã xuống.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thăm Mẹ Việt Nam anh hùng ở Thái Bình

Tiếp tục tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020, các chương trình, dự án, chính sách giảm nghèo theo hướng tiếp cận đa chiều, tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của đối tượng thụ hưởng và sự tham gia của người nghèo; tập trung nguồn lực trước hết vào thực hiện ở những nơi khó khăn nhất, nghèo nhất để giảm nghèo bền vững; rà soát, đánh giá các chính sách giảm nghèo hiện hành để đề xuất sửa đổi, bổ sung, tích hợp, xây dựng chính sách mới hoặc bãi bỏ những cơ chế, chính sách không còn phù hợp với tình hình thực tế. Huy động các nguồn lực xã hội chung tay vì người nghèo. Đẩy mạnh công tác truyền thông về giảm nghèo, nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả…
Cải thiện, nâng cao mức sống cho đối tượng xã hội, tạo điều kiện để các đối tượng tự khắc phục khó khăn vươn lên hòa nhập cộng đồng; thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách đã ban hành cho đối tượng yếu thế. Phát triển hệ thống trợ giúp xã hội theo quy hoạch, hình thành hệ thống cung cấp dịch vụ trợ giúp xã hội chuyên nghiệp. Thực hiện tốt công tác trợ giúp đột xuất, bảo đảm người dân bị thiệt hại khi gặp rủi ro, thiên tai được hỗ trợ kịp thời, khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống. 
Nghiên cứu, xây dựng, thí điểm cấp số và thẻ an sinh xã hội điện tử; thay đổi phương thức giải quyết chính sách trợ giúp xã hội cho đối tượng thông qua hệ thống bưu điện, góp phần cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực quản lý và hiệu quả cung cấp dịch vụ cho người dân.
Triển khai thực hiện Luật trẻ em, lồng ghép, đưa các nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội các cấp, các ngành; tập trung xây dựng xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em. Tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chương trình, dự án về bảo vệ, chăm sóc trẻ em; xây dựng, nhân rộng mô hình hiệu quả về bảo vệ, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt dựa vào cộng đồng; triển khai đồng bộ các giải pháp để phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục đối với trẻ em. Tăng cường các hoạt động truyền thông, giáo dục, tư vấn về bảo vệ, chăm sóc trẻ em; vận động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Tập trung các giải pháp phòng, chống đuối nước và xâm hại, bạo lực đối với trẻ em.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Hồng Lan trao học bổng cho học sinh nghèo tỉnh Sơn La

Tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, phấn đấu thu hẹp rõ rệt khoảng cách giới, nâng vị thế của phụ nữ trong một số lĩnh vực, địa bàn trọng điểm có bất bình đẳng giới hoặc nguy cơ có bất bình đẳng giới cao; đảm bảo sự bình đẳng của phụ nữ trong tham gia các hoạt động kinh tế - xã hội và gia đình. Nâng cao trách nhiệm của chính quyền các cấp trong việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến phụ nữ và bình đẳng giới, tạo điều kiện cho phụ nữ phát triển. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách liên quan đến phụ nữ và bình đẳng giới.
Rà soát, xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng, chống ma túy, mại dâm. Thực hiện đa dạng hóa các biện pháp và mô hình điều trị nghiện ma túy, trong đó, tăng dần điều trị nghiện tự nguyện tại gia đình, tại cộng đồng và giảm dần điều trị nghiện bắt buộc tại các cơ sở cai nghiện ma túy. 
Đẩy mạnh thực hiện công tác cải cách hành chính, kiểm soát thủ tục hành chính, tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nêu trong Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP và Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ nhằm giảm và loại bỏ những thủ tục hành chính rườm rà, chồng chéo đối với các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp, người dân, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. 
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật, chính sách lĩnh vực lao động, người có công và xã hội, tập trung xử lý, làm chuyển biến rõ nét những vấn đề xã hội còn bức xúc, cử tri và đại biểu Quốc hội quan tâm. Thực hiện tốt công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân, không để tình trạng khiếu kiện kéo dài, vượt cấp. Đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống tham nhũng... 
Chủ động, tích cực thực hiện các hoạt động hợp tác và hội nhập quốc tế, đẩy mạnh việc thực hiện các mục tiêu của Cộng đồng Văn hoá - Xã hội ASEAN đến năm 2025; triển khai Kế hoạch hành động thực hiện chiến lược hội nhập quốc tế trong lĩnh vực lao động và xã hội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Tiếp tục triển khai hiệu quả các quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ, ngành, thực hiện cơ chế giao tài sản nhà nước cho đơn vị sự nghiệp công lập đủ điều kiện được Nhà nước xác định giá trị tài sản nhà nước để giao cho đơn vị quản lý theo cơ chế giao vốn cho doanh nghiệp; quy định rõ thẩm quyền và trách nhiệm của người đứng đầu trong quản lý và điều hành đơn vị sự nghiệp.