Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, ngày 21/10/2013 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 136/2013/NĐ-CP quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội. Sau gần 8 năm triển khai thực hiện, Nghị định được dư luận xã hội đồng tình, đánh giá cao, coi đó là một chính sách hợp lòng dân, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với một bộ phận dân cư, những người có điều kiện, hoàn cảnh khó khăn nhất hiện nay, góp phần thực hiện mục tiêu ngăn chặn suy giảm kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước ta trước những tác động bất lợi của suy thoái kinh tế toàn cầu.
Thực hiện Nghị định 136/2013/NĐ-CP, đến cuối năm 2019, cả nước đã có trên 3 triệu đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, được hỗ trợ kinh phí chăm sóc và cấp thẻ bảo hiểm y tế; 48.423 đối tượng đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại 432 cơ sở trợ giúp xã hội (trong đó có 182 cơ sở công lập), chiếm khoảng 3% dân số và tăng so với năm 2006. Kinh phí thực hiện trợ giúp xã hội thường xuyên hàng năm là 17.563 tỷ đồng. Ngoài ra, hàng năm, hàng triệu người thiếu lương thực sau thiên tai, giáp hạt, dịp Tết nguyên đán được cứu trợ kịp thời. Giai đoạn 2015- 2020, Trung ương đã hỗ trợ địa phương 313.297 tấn gạo và 2.269 tỷ đồng để cứu trợ đột xuất. Các địa phương cũng đã tổ chức huy động ngân sách địa phương, cộng đồng và các nhà hảo tâm hỗ trợ cho đối tượng hàng ngàn tỷ đồng.
Tuy vậy, trong quá trình thực hiện các quy định về chính sách trợ giúp xã hội đã phát sinh một số vấn đề cần nghiên cứu, bổ sung và hoàn thiện cho phù hợp với tình hình mới. Cụ thể, chế độ trợ cấp xã hội hàng tháng còn thấp mới chỉ bảo đảm hỗ trợ được một phần nhu cầu thiết yếu, chưa tương đồng với chính sách khác. Trợ cấp xã hội chỉ bằng khoảng 7% thu nhập bình quân, 38% chuẩn nghèo nông thôn. Giai đoạn 2013-2019, tiền lương và trợ cấp người có công với cách mạng đã được điều chỉnh tăng 5 lần trong khi đó mức chuẩn trợ cấp xã hội không được điều chỉnh tăng.
Năm 2007, mức lương cơ sở là 450 nghìn đồng (Nghị định số 94/2006/NĐ-CP) thì mức chuẩn trợ cấp xã hội (120 nghìn đồng) bằng 26,6%; năm 2010, mức lương cơ sở là 730 nghìn đồng (Nghị định số 28/2010/NĐ-CP) thì mức chuẩn trợ cấp xã hội (180 nghìn đồng) bằng 24,6%; năm 2013, mức lương cơ sở là 1.150 nghìn đồng (Nghị định số 66/2013/NĐ-CP) thì mức chuẩn trợ cấp xã hội (270 nghìn đồng) bằng 23,47%. Năm 2019, mức lương cơ sở là 1.490 nghìn đồng (Nghị định số 70/2018/NĐ-CP) thì mức chuẩn trợ cấp xã hội bằng 18,12%.
Như vậy, có thể thấy mức chuẩn trợ cấp xã hội so với tiền lương cơ sở có xu hướng giảm dần từ 26,6% năm 2007 giảm xuống còn 18,12% năm 2019 (giảm gần 1/3). Vì vậy, hiệu quả chính sách chưa cao, chưa hỗ trợ được nhu cầu thiết yếu của đối tượng bảo trợ xã hội. Cần phải điều chỉnh mức chuẩn phù hợp để từng bước bảo đảm an sinh xã hội cho nhóm dân cư yếu thế.
Bên cạnh đó, mức độ bao phủ chính sách thấp, đặc biệt vẫn còn một bộ phận dân cư thật sự khó khăn chưa được hưởng trợ cấp như người nghèo kinh niên, không có khả năng lao động, không thể thoát nghèo; người mắc bệnh hiểm nghèo, nan y phải điều trị bệnh dài ngày (bệnh ung thư, chạy thận nhân tạo, tim bẩm sinh), đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn, trẻ em nghèo. Để bảo đảm các đối tượng yếu thế được trợ giúp cần rà soát tiêu chí xác định đối tượng nhằm bao phủ số đối tượng có hoàn cảnh khó khăn.
Thêm vào đó, một số chính sách chưa thật hợp lý, công bằng. Chính sách trợ cấp thường xuyên đối với người từ đủ 80 tuổi trở lên không có lương hưu, bảo hiểm xã hội còn cào bằng, chưa phân biệt giữa người nghèo và người có mức sống cao, khá giả, tuổi thọ trung bình của người dân tộc thiểu số thường thấp hơn tuổi thọ trung bình của cả nước. Công tác thống kê, rà soát nắm đối tượng ở các địa phương, cơ sở chưa thường xuyên, chặt chẽ, còn bỏ sót đối tượng. Chế độ báo cáo chưa được thực hiện tốt. Cứu trợ khẩn cấp, khắc phục rủi ro, thiên tai chưa huy động xã hội hóa cao, còn hạn chế về chủng loại và chất lượng hàng hóa; còn thiếu các quy định về vận chuyển, bảo quản hàng hóa cứu trợ; chưa công bằng, mức hỗ trợ thấp đối với người gặp rủi ro, thiên tai; một số quy định về trợ giúp đột xuất có cách hiểu khác nhau nên cách làm khác nhau dẫn đến không thống nhất trong tổ chức thực hiện tại địa phương.
Vì vậy, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã đề xuất dự thảo Nghị định quy định chính sách trợ giúp xã hội để khắc phục những bất cập nêu trên.
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, năm 2021, dự kiến có khoảng 3,690 triệu đối tượng hưởng chính sách trợ giúp theo quy định mới. Trong đó, đối tượng theo Nghị định số 136/2013/NĐ-CP là 3,140 triệu người; đối tượng dự kiến tăng thêm khoảng 550 nghìn người, gồm: (i) khoảng 204 nghìn người cao tuổi từ đủ 75 đến 80 tuổi không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội sống ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo, xã bãi ngang và (ii) khoảng 210 nghìn trẻ em dưới 36 tháng tuổi thuộc hộ nghèo, cận nghèo hoặc sống tại địa bàn xã đặc biệt khó khăn, xã bãi ngang; (iii) khoảng 130 nghìn người mắc bệnh mãn tính thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, không còn khả năng lao động, không có nguồn thu nhập hàng tháng như tiền lương, tiền công, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp khác từ ngân sách nhà nước; (iv) khoảng 150 nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú được nhà nước phong tặng không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công hàng tháng.