Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Nâng cao hiệu quả khai thác, chế biến, tiêu thụ thủy sản

Sáng 22/3, tại TP Thanh Hoá, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với UBND tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức Hội nghị bàn giải pháp nâng cao hiệu quả khai thác, chế biến, tiêu thụ thủy sản năm 2022. Hội nghị có sự tham dự của đại biểu đến từ 28 tỉnh, thành phố ven biển, trong đó 13 tỉnh, thành tham gia họp trực tuyến.

Báo cáo của Tổng Cục Thủy sản cho biết, toàn quốc đến nay có 91.716 tàu cá, trong đó có 42.642 tàu có chiều dài từ 6 đến dưới 12 m; 18.683 tàu cá từ 12-15 m; 27.763 tàu cá từ 15 đến dưới 24 m và 2.628 tàu trên 24 m… Đến hết tháng 2/2022 đã có 24/28 tỉnh, thành phố ven biển thực hiện xong việc xác định hạn ngạch khai thác thủy sản tại vùng biển ven bờ và vùng lộng với 84.655 giấy phép.

a

Trong năm 2021, thực hiện Chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và quản lý tốt hạn ngạch về giấy phép khai thác thủy sản, tổng số tàu khai thác thủy sản giảm 3,07%, trong đó tàu xa bờ giảm 2,9%. Các chỉ tiêu về sản xuất đều đạt kế hoạch, nhất là kim ngạch xuất khẩu sản phẩm khai thác tăng 0,9%. Công tác ngăn chặn khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) được phía Ủy ban Châu Âu (EC) đánh giá cao, ghi nhận sự cam kết, quyết tâm chính trị và nỗ lực của Việt Nam trong triển khai các giải pháp chống khai thác IUU.

Tổng sản lượng khai thác thuỷ sản năm 2021 đạt 3.88 triệu tấn; sản lượng khai thác thuỷ sản 2 tháng đầu năm 2022 đạt 566 ngàn tấn. Giá trị xuất khẩu tăng, tính riêng 2 tháng đầu năm 2022 đạt 1.508 tỷ USD, tăng 51% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, việc đánh bắt, chế biến và xuất khẩu thuỷ sản còn nhiều hạn chế, bất cập. Công tác thực thi pháp luật, xử phạt các hành vi khai thác IUU còn rất thấp so với các vụ việc vi phạm; đặc biệt là hành vi vi phạm vùng biểu nước ngoài, ngắt kết nối thiết bị VMS; hạ tầng nghề cá và nguồn lực (kinh phí, nhận lực) phục vụ cho nhiệm vụ chống khai thác IUU còn hạn chế

_MG_3350

Năm 2022, Ngành NN&PTNT phấn đấu tổng sản lượng thủy sản đạt khoảng 8,7 triệu tấn, trong đó sản lượng khai thác khoảng 3,78 triệu tấn; sản lượng nuôi trồng đạt 4,95 triệu tấn; kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 8,7 tỷ USD, trong đó giá trị xuất khẩu các mặt hàng hải sản chiếm từ 37-39%. Để đạt mục tiêu, Bộ NN&PTNT sẽ quyết liệt chỉ đạo hoàn thành việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 m trở lên, nhất là việc duy trì kết nối trong suốt thời gian tàu hoạt động. Đồng thời, tăng cường kiểm soát tàu cá rời cảng và về cảng; đảm bảo thực hiện đúng quy định về khai báo và kiểm soát sản lượng, thành phần loài thủy sản bốc dỡ qua cảng. Tiếp tục điều tra nghề cá thương phẩm phục vụ công tác đánh giá, xác định sản lượng khai thác tối đa cho phép trên các vùng biển một cách hợp lý và bền vững.

Để tháo gỡ được cảnh báo thẻ vàng, tại hội nghị các vấn đề lớn được nhiều đại biểu quan tâm, thảo luận là ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài; việc kiểm soát nguyên liệu thủy sản nhập khẩu từ tàu nước ngoài và triển khai Hiệp định biện pháp quốc gia có cảng chưa có tiến bộ do chưa được đầu tư dẫn đến còn nhiều sai sót; việc thanh kiểm tra theo quy định của Hiệp định để đảm bảo việc kiểm soát hàng thủy sản nhập khẩu vào Việt Nam là sản phẩm hợp pháp.

Thông tin tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định: “Năm 2021 là một năm đầy khó khăn do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp. Kênh phân phối sản phẩm thủy sản bị gián đoạn ở nhiều thị trường xuất khẩu; giá bán sản phẩm khai thác chất lượng cao phục vụ nhà hàng giảm sâu; cảnh báo thẻ vàng của EC chưa được tháo dỡ tiếp tục ảnh hưởng xấu đến hoạt động xuất khẩu thủy sản. Bên cạnh đó là những khó khăn về giá nhiên liệu tăng cao, tình trạng thiếu lao động khai thác thủy sản…”- Thứ trưởng Tiến nói.

“Năm 2022 là quyết tâm chính trị, nếu chúng ta không gỡ được thẻ vàng ngoài ảnh hưởng trên 500 triệu USD xuất khẩu đi châu Âu còn ảnh hưởng vị thế chính trị Việt Nam trên trường quốc tế. Thứ nữa là hạ tầng thuỷ sản, hạ tầng khai thác cũng là vấn đề tồn đọng nhiều năm, vừa thiếu số lượng, kém chất lượng. Tôi đề nghị các đồng chí xem quy hoạch tỉnh phải tích hợp vào, vì nay mai không có quy hoạch này trong quy hoạch tỉnh, quy hoạch ngành, quốc gia thì sẽ không có tính pháp lý. Các địa phương ven biển cần triển khai thực hiện Luật Thủy sản năm 2017 và các văn bản hướng dẫn luật, các khuyến nghị của EC. Tiếp tục điều tra nguồn lợi, dự báo ngư trường khai thác; quản lý tàu cá, đảm bảo an toàn cho người và tàu cá trên biển. Tổng cục Thủy sản phải tính toán lại cơ cấu đội tầu khai thác, cơ cấu nghề khai thác để nâng cao sản lượng khai thác hải sản. Tập trung nguồn lực để đầu tư xây dựng, nâng cấp, duy tu sửa chữa các cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá theo quy định. Tích cực hơn nữa trong công tác quản lý tàu cá, quản lý ngư trường nguồn lợi trên địa bàn, rà soát xóa đăng ký đối với tàu đã bị mất tích, chìm, mục nát không còn khả năng khắc phục. Ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào khai thác, chế biến, bảo quản giảm tổn thất sau thu hoạch nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm hải sản trên thị trường…”- Thứ trưởng Tiến nhấn mạnh.